Đặc điểm của chiến tranh ngày nay là đánh thật nhanh để kết thúc những trận đánh trong một thời gian ngắn. Thứ binh khí thích hợp nhất cho lối đánh này là phi cơ, nên các nước đều hết sức khuếch trương không quân. Nhưng chỉ nhờ ở phi cơ đi ném bom hay dùng đại bác bắn phá không thể chiếm được thắng lợi trên mặt trận mà cần phải chú trọng đến lục quân. Dù đánh chớp nhoáng, dù đánh lâu dài, dù giữ thế công hay thế thủ, bao giờ cũng cần đến lục quân. Vì vậy, về quốc phòng, không thể không tổ chức lục quân được. Trong lục quân, người ta thường chia ra bộ binh, kỵ binh, pháo binh, công binh, chí trọng binh. Mỗi thứ binh ngũ ấy đều có binh khí riêng.
1. Bộ binh - Bộ binh ngoài súng trường, lưỡi lê, còn có súng máy hạng nhẹ, súng máy hạng nặng, súng bắn tạc đạn, đại bác bắn thẳng và đường queo, các máy thông tin, các tài liệu phòng hơi độc và hơi ngạt. Trước kia bộ binh thường áp dụng lối đánh tập đoàn hành động. Nhưng lối này đã bỏ từ lâu mà áp dụng lối đánh độc lập hành động để cho cá nhân được phép tuỳ cơ ứng biến. Lối đánh đã thay đổi, nên binh khí cũng tuỳ theo mà thay đổi. Người ta chia binh lực ra nhiều bộ đội nhỏ, trong đó mỗi binh sĩ đều có quyền sử dụng binh khí của mình, nên súng máy và súng bắn lựu đạn rất thích hợp cho những bộ đội độc lập tác chiến.
Trong bộ binh lại tổ chức thêm một bộ đội đặc biệt chuyên cầm máy xe tăng, mạo hiểm xông vào tiến công bộ đội nào của bên địch không được địa hình tốt che chở.
Vì thế bộ binh ngày nay có thể vừa là kỵ binh, vừa là pháo binh được.
2. Kỵ binh - Kỵ binh xuất trận, lúc cần phải xung phong. Nhưng tự khi hoả khí phát triển, uy lực của kỵ binh đã giảm đi nhiều. Ngày nay, người ta chỉ lợi dụng sức hoạt động thần tốc của kỵ binh và uy lực của súng kỵ mã trong những trận đánh giáp lá cà.
Kỵ binh, ngoài súng trường, còn đem theo súng máy hạng nhẹ, súng máy hạng nặng và cả súng đại bác nữa. Để phòng ngự có hiệu quả, khi bên địch bắn dữ người ta đặt bên cạnh kỵ binh đoàn xe máy có lắp súng đại bác, và xe ô tô vận tải. Vì thế, kỵ binh cũng có thể độc lập chiến đấu được.
3. Pháo binh - Binh khí càng tiến bộ, chiến thuật càng đổi mới. Binh khí và chiến thuật bao giờ cũng đi đôi với nhau như hình với bóng. Từ sau cuộc Âu chiến, trước đến nay người ta đã phát minh ra rất nhiều các thứ súng đại bác, lòng rộng, bắn xa. Nào sơn pháo, dã pháo, nào bích kích pháo, cao xạ pháo, trọng pháo, không thiếu một thứ gì để tăng gia uy lực của pháo binh.
Lại trên mặt trận phương pháp che giấu, phương pháp giả trang đã được nghiên cứu rất tinh xảo làm cho quân địch khó lòng mà tìm thấy đích để bắn. Vì thế trong pháo binh phải đặt thêm đội quan trắc chuyên xem xét mặt trận bên địch bằng những khí cụ rất tinh xảo như máy đo đạc, máy thu âm, máy tìm âm thanh phát ra từ đâu, đèn chiếu trên không, máy bay vô tuyến điện, máy chụp hình, V.V..
Trên mặt trận người ta còn thả hơi độc, hơi ngạt, nên thường lợi dụng đại bác để bắn những quả hơi sang mặt trận bên địch. Do đó trách nhiệm của pháo binh rất nặng nề.
4. Công binh - Nói đến công binh, có người cho là những người lính vác cuốc xẻng đi đào hào, đắp ụ, bắc cầu, xây công. Đó là những công binh về thời trước. Còn công binh ngày nay phải hiểu biết những kỹ thuật về chiến tranh, phải là những đội quân cơ giới hoá biết dừng máy móc chạy bằng điện để kiến thiết trận địa, đào đường hầm, phá huỷ những chướng ngại vật trên cạn, dưới nước. Ngoài ra, công binh còn phải bắc dây điện tín, điện thoại, đặt máy vô tuyến điện, đặt đường sắt, bắc cầu qua sông, V.V..
Trong thời đại chiến tranh khoa học, nhất là từ khi phát minh ra nhiều binh khí chuyển vận bằng điện, công binh đã đóng vai tuồng quan trọng trong lục quân.
5. Chí trọng binh - Trước kia, chí trọng binh thường ở mặt sau quân đội, dùng lừa ngựa, xe cộ để vận tải lương thực, súng đạn và đi thành đội dài. Nhưng ngày nay, binh khí luôn luôn hoạt động trên mặt trận vừa xa, vừa rộng, vừa dài, nên việc vận tải binh khí, quân nhu, lương thực tiếp tế cho quân đội rất là vất vả, khó khăn. Vì thế, chí trọng binh không thể đi đằng sau bộ đội như lúc hành quân mà phải tiến ra hoạt động tận phòng tuyến thứ nhất mới có thể cung cấp đầy đủ cho bộ đội về mọi phương tiện.
Q.Th.
Báo Cứu quốc, số 344, ngày 13-9-1946.
(.Sđd. Tập 4, tr.618-620)
(Trích "Bác Hồ với ngành quốc phòng". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KEVV17.2595, Phòng mượn: MEVV17.5654-5655)