Cuối năm 1943 đầu 1944, đồng chí Hoàng Điền là học sinh lớp quân sự ở Liễu Châu nghe tin có một người tù Việt Nam đang sống trong Cục Chính trị đệ tứ chiến khu. Hoàng Điền hăng hái dò tìm và đến tận nơi để thăm hỏi người tù tên là Hồ Chí Minh ấy. Đến một cái hang gần núi, có một tên lính Quốc dân đảng gác, Hoàng Điền hỏi và xin phép gặp "anh" Hồ Chí Minh. Thấy Hoàng Điền mặc quân phục, tên lính gác đồng ý dẫn "anh" Hồ Chí Minh ra.
Trước mắt Hoàng Điền là một cụ già gầy gò nhưng dáng đi nhanh nhẹn, quắc thước.
- Thưa Cụ, Cụ có phải là Hồ Chí Minh không?
Bác Hồ gật đầu rồi hỏi thăm tình hình học sinh quân ờ Liễu Châu, hoạt động của các tổ chức yêu nước cách mạng ở địa phương... Sau khi Bác được tự do, Hoàng Điền được Bác thỉnh thoảng gọi cùng đi công tác. Thấy Bác có một cuốn sổ ghi lằng nhằng những chữ rất lạ kỳ, Hoàng Điền hỏi Bác là chữ gì. Bác cho biết đó là "tốc ký", viết theo lối tắt ghi nhanh dễ nhớ. Đang lúc trẻ trai, hăng hái - năm ấy mới 23 - 24 tuổi, Hoàng Điền xin Bác dạy cho. Bác dặn:
- Chú tìm một cái bút tre dài độ hai chục xentimét. Lúc nào có điều kiện là phải viết. Viết cho tới khi nào cái bút mòn đi một nửa thì được...
Hoàng Điền vâng dạ. Nhưng, nào anh có tìm bút tre, có viết gì đâu. Sau hai lần kiểm tra Bác biết là Hoàng Điền "nói mà không làm". Lần thứ ba, Bác nghiêm mặt nói:
- Chú định học để chơi có phải không? Không học thì thôi. Đã học phải cho có kết quả.
Đó là bài học thứ nhất mà Hoàng Điền tiếp nhận được: Phải rèn luyện, phải kiên trì, phải có ý chí.
Lần khác, Hoàng Điền đi cùng với Bác tới một nơi họp. Bác dặn anh đứng tại chỗ này và khoác giữ chiếc xắc cốt để Bác đi tay không vào địa điểm. Hoàng Điền chạy tới, mở xắc cốt của Bác ra cho Minh Quang xem, tự hào mình được "ông Cụ" tin cậy giao giữ tài liệu. Minh Quang xem cặp thấy trong đó có một bản đồ. Mấy hôm sau Minh Quang gặp Hoàng Điền thấy bạn ủ rũ, buồn rầu quá đỗi. Hỏi thăm, Hoàng Điền nói:
- Hôm trước bị "ông Cụ" phê bình. Cụ kể ra hai tội: Một là bỏ địa điểm đã quy định ra nơi khác để Cụ phải trông trước, trông sau, tìm mãi mới thấy. Hai là mở trộm xắc cốt, xem trộm tài liệu. Cụ nói theo đúng quân luật là phải xử bắn. Khiếp quá. Nhưng "ông Cụ" tha cho lần đầu.
Đó là bài học cay đắng thứ hai mà Hoàng Điền học được: Việc ai người ấy biết, tuyệt đối không được "táy máy".
Không biết là Bác có định "kỷ niệm" các lỗi này của Hoàng Điền không, mà sau đó Bác đã tặng Hoàng Điền một tấm bản đồ Đông Dương vào một ngày tháng 3 năm 1945.
Giữ mãi tấm bản đồ kỷ niệm về những ngày được sống bên Bác, nguyên đại tá hiệu trưởng phân hiệu Lục quân Trung bộ Hoàng Điền(1) muốn chia sẻ vinh dự với các thế hệ mai sau nên ngày 23 tháng 10 năm 1987 đã "tặng" tấm bản đồ này vào Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ngày nay, có ai đến Bảo tàng Hồ Chí Minh yêu cầu được xem tấm bản đồ này, sẽ thấy có một ghi chú như sau:
"Bản đồ đã cũ, rách các mép gập, ngoài ra còn có nhiều vết mực xanh, vết mực xanh này là do ông Minh Quang vặn bút máy sơ ý để mực dây vào".
Ông Minh Quang, sau này là cán bộ tham mưu của Quân khu 4, rồi của Bộ Tổng tham mưu chính là cái ông mà Hoàng Điền đã mở xắc cốt của Bác, khoe tài liệu. Hoàng Điền không biết rằng Bác đoán trước anh sẽ tò mò tọc mạch nên đã đánh dấu xắc cốt. Khi nhận lại xắc cốt, thấy mất dấu Bác biết ngay và phê bình anh chiến sĩ bảo vệ.
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)