Các chiến sĩ và cán bộ Cục Hàng không đã đưa Bác đi công tác trên chiếc máy bay của nhân dân Liên Xô tặng mang biển số Mi-4 VN 50D. Trong các chuyến đi gần và ít người, các đồng chí đã đề nghị Bác dùng trực thăng, như trong các chuyến đưa Bác đến Lạng Sơn, Tân Trào, Quảng Ninh... Một lần Bác đi công tác Vĩnh Phú. Theo chương trình thì chiều là Bác đi ôtô về Hà Nội. Nhưng lần ấy, tối mịt Bác mới về được. Anh em trong đoàn vừa lo đường sá xa, vừa sợ Bác mệt, nên anh em xin điều một máy bay trực thăng để đưa Bác về. Trực thăng đỗ ở sân bóng đá Vĩnh Yên.
Tỉnh ủy thưa với Bác và đề nghị Bác lên "trực thăng" về Hà Nội.
Bác cảm ơn, rồi nói:
- Bác có ôtô. Bác đi ôtô thôi, Bác về Hà Nội bằng ôtô. Chú nào đã điều máy bay lên thẳng thì chú ấy ra ngồi máy bay mà về...
Đầu năm 1969, sau khi nghe Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp báo cáo tình hình rừng cây bị phá hoại, phần thì bom đạn, phần thì dân đốt phá, dẩn làm gỗ, lấy củi và "cứ đà này, vài năm nữa ta sẽ hoàn thành kế hoạch... tiêu diệt rừng".
Nhân đó, Tổng cục trưởng mời Bác vào thăm rừng Cúc Phương. Tuy sức không còn khỏe, nhưng Bác vui vẻ nhận lời và nói:
- Phải đi thăm hang người Việt cổ...
Bác đề nghị đồng chí Nguyễn Lương Bằng thu xếp cho chuyến đi.
Anh em đề nghị Bác không đi ôtô nữa mà đi bằng "trực thăng".
Trước hết, Bác uốn nắn:
- Tại sao chú không gọi là "lên thẳng" mà cứ là "trực thăng?" "Trực thăng" hơn gì "lên thẳng?"
Sau đó Bác nói:
- Bác đi ôtô. Các chú cứ cho rằng hễ là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước đi đâu muốn "đi" gì cũng được à? Không phải thế đâu! Để Bác khỏe lên, Bác đi ôtô đến thăm Cúc Phương. Đi máy bay lên thẳng thì thôi, chờ dịp khác. Máy bay lên thẳng để dành khi nào có đồng bào bị tai nạn, bị đau nặng ở vùng rừng núi hẻo lánh khó chạy chữa thì đưa đồng bào nhanh chóng vào bệnh viện. Hay khi mưa bão, lụt lội cần hộ đê, cứu dân, thì dùng".
Lần ấy chỉ vì không chịu "đi" máy bay lên thẳng mà Bác không đến được Cúc Phương, mãi mãi anh chị em công nhân, cán bộ trông nom rừng Cúc Phương không được đón Bác để Bác thực hiện một điều mong ước nhỏ.
Ngày nay, trong rừng Cúc Phương vẫn còn có cái thang của công nhân, cán bộ làm để Bác leo lên thăm hang người Việt cổ. Cái thang ấy không được in dấu chân Bác, và ngày ngày nhìn vào thang, anh chị em càng thương nhớ Bác. Họ đặt tên cho cái thang ấy là "Cái thang thương nhớ".
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)