Tháng 6 năm 1969, ba tháng trước khi Bác đi xa, Bác mời một số cán bộ phụ trách công tác giáo dục thanh niên, thiếu niên đến làm việc với Bác bàn về sách "Người tốt việc tốt".
Trong buổi trao đổi ấy, Bác nói: "Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông... Một pho tượng hay một lâu đài phải có cái nền vững chắc mới đứng vững được".
Bác vẫn từng răn dạy chúng ta: "Đạo đức là cái nền của mỗi cán bộ". Bác định nghĩa: "Cán bộ là suốt đời làm đầy tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được". Ý Bác là khuyên cán bộ ta dù là cán bộ của Đảng, của Chính phủ, của đoàn thể, dù ở cấp nào cũng phải học mãi, học suốt đời ba chữ a, b, c ấy, tức là những chữ "suốt đời là đầy tớ nhân dân".
Bác nhận xét: "Có một số người không nhớ lúc hàn vi, lại để cho chủ nghĩa cá nhân nảy nở. Đã có xe rồi lại "phấn đấu" để có chiếc xe đẹp hơn, chiếm mất phần của người khác. Đã có nhà ở rồi, lại "phấn đấu" theo kiểu như thế nào để có nhà đẹp hơn. Làm như vậy là trái với đạo đức cách mạng". Bác dặn lại chúng ta: "Từ nay về sau, nhân dân và Đảng ta phải giữ gìn và phát huy mãi mãi đạo đức trong sáng ấy".
Chúng ta đều biết, ngay từ tháng 9 năm 1945, sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết đến tệ tham nhũng, quan liêu sẽ sinh sôi nảy nở trong các cơ quan dân chính, Đảng... Và Người đã rung chuông báo động từ ngày ấy.
Năm 1968, sau bao nhiêu năm nói chuyện, nhắc nhở, răn dạy, biểu dương, phê bình, Bác như dặn lại chúng ta rằng: "Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".
Cán bộ, đảng viên chúng ta đang tiến hành phê bình, tự phê bình. Chúng ta hãy tự hỏi mình: "Lòng dạ ta có còn trong sáng nữa không?". Bác nói: "Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng".
Phê bình và tự phê bình, theo như ý Bác là làm cho "phần xấu mất dần đi, cho phần tốt nảy nở như hoa mùa xuân".
Chúng ta không ai muốn để "vườn đạo đức" của mình đầy cỏ dại, cũng không muốn vườn hoa của bạn không có hoa nảy nở. Vì chúng ta là "người cách mạng" của Bác Hồ, vì lòng dạ chúng ta vãn "trong sáng" mãi!
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)