Có một cán bộ ngoài tám mươi tuổi nói chuyện với thanh niên, bà con thôn xóm thường mở đầu bằng hai chữ "ngày xưa". Bọn trẻ tặng cụ danh hiệu "ông già Khốt ta bít" (theo tên gọi một phim Liên Xô trước đây) hoặc cụ "hâm tỷ độ".
Tuy nhiên một số lớn câu chuyện cụ kể cho con cháu trong nhà rất đúng, rất hay là đằng khác. Ví dụ như một câu chuyện sau:
Con trai cụ cũng đã hơn năm mươi "cái lá vàng rơi", làm đến chức ấy cũng coi là cao lắm. Thỉnh thoảng cụ nghe anh ta nói điện thoại báo ngày, giờ sẽ đến, sẽ xuống địa phương, yêu cầu chuẩn bị điều này, việc nọ, nhắc nhở "khâu" đón tiếp các nhà báo, truyền hình "cho tế nhị".
Hai, ba ngày sau ông "quý tử" mang một băng video về, chiếu lên tivi nhà, thấy quang cảnh đón rước, nhậu nhẹt, linh đình, ầm ĩ. Cụ chỉ im lặng ngồi xem.
Nhân một buổi vắng nhà, chỉ có hai bố con, cụ gọi anh con trai đến bàn đôi ba việc gia đình. Sau đó cụ nói:
Ngày xưa ấy mà (đúng là cụ ngày xưa), bố ở Việt Bắc, rồi hòa bình về Hà Nội được đón tiếp nhiều lần Bác Hồ, trong doanh trại, trên hội trường, lúc thì ở sân vận động, khi thì ở bãi cỏ bên núi... ít thấy khẩu hiệu, cờ xí lắm. Có lần Trung ương Hội Phụ nữ đón Bác, làm cổng chào, kết hoa ồn ào. Bác không đi qua cổng đó, quay ra sau vào nhà khá lâu mà các bà, các chị ở phía trước cứ chờ mãi. Sau mới biết là Bác đã đến. Có chị phàn nàn: "Chúng cháu đón Bác ở cổng lâu quá.
Bác cười nhỏ nhẹ:
- Cảm ơn các cô đã đón Bác. Nhưng Bác có phải vua đâu mà bày vẽ ra thế!"
Nghe cụ kể xong, ông con biết ngay ý của bố "ngày xưa" cãi:
- Bây giờ nó khác - anh ta tế nhị bỏ vế câu "ngày xưa khác" - bố ạ.
Cụ "ngày xưa" thủng thẳng nói:
- Có cái khác, có cái không thể khác, không nên khác, không được khác. Bác dạy: "Cán bộ là đầy tớ nhân dân. Xuống địa phương để làm việc cũng là phục vụ nhân dân, nên lấy nội dung làm chính, chẳng hay hớm gì cờ hoa, khẩu hiệu, dù che, ô mở, vừa tốn kém, vừa xa dân...
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)