Ta thường được huấn luyện rằng "vấn đề đầu tiên là đường lối". Rất đúng. Như hai cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, như các anh hùng "Bình Tây đại nguyên soái", như Phan Đình Phùng, tuy có thừa lòng yêu nước nhưng thiếu "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" kết tinh vào đường lối nên chưa thành công. Sau đó là gì? "Cán bộ quyết định tất cả"! Đây là câu của Stalin. Rất chính xác.
Theo Bác Hồ còn phải bổ sung một yếu tố nữa mới thành công: Đó là phương pháp.
Cũng là đánh giặc, đường lối đúng, chủ trương sát hợp, cán bộ quyết tâm, nhưng phương pháp sai, có khi không thắng, hòa, lỗ vốn. Điện Biên Phủ là một bằng chứng. Nếu mà nghe ai đó cứ "tốc chiến, tốc thắng" thì chậm, lâu mới có trận đánh "chấn động địa cầu".
Ai cũng biết "đoàn kết là sức mạnh". Ai, nắm chắc - lời dạy của Bác "đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công" nhưng cách làm - tức là phương pháp đoàn kết thế nào để thành công đâu phải chuyện dễ.
Hô hào "đoàn kết" mà anh "tự phê bình", "tự chỉ trích" không làm. Còn góp ý xây dựng với đồng chí thì anh đỏ mắt, tức tối, đập bàn khua ghế! Anh chẳng nhường ai, chẳng "hi sinh" ý kiến gì. Toàn dùng những "đòn nặng ký"!
Bác Hồ không như thế. Bác phê bình nhẹ nhàng, dùng từ ngữ "êm ái" mà sâu sắc, người được "phê" vui vẻ chấp nhận, thấy có lỗi, sửa chữa. Sai sót của cơ quan, Chính phủ, cán bộ, Bác xin nhận lỗi với đồng bào. Bác đoàn kết với mọi người đảng viên, chiến sỹ, bảo vệ, Bộ trưởng, linh mục, sư tăng, đồng bào dân tộc ít người, bạn bè nhân dân thế giới, động viên toàn thể dân tộc "con Rồng, cháu Tiên" vào công việc nước, lấy "Tổ quốc trên hết", không bỏ sót ai, sang hèn, giàu nghèo, nhiều chữ, ít chữ, quan lại cũ, thông ký xưa... trong giữ nước, dựng nước.
Việc khác như học tập nước bạn, Bác cũng có phương pháp riêng. Người ta lập chính quyền "Xô viết công nhân và binh lính", sau đó mới thành lập chính quyền dân chủ nhân dân, lập nước "dân chủ cộng hòa". Sau này báo chí có nói tới "chính quyền vô sản chuyên chính" theo cách của một nước khác. Có người hỏi tại sao không "theo" Liên Xô? Bác trả lời:
- Không theo Liên Xô không phải là mình không mác xít. Theo Liên Xô chưa hẳn đã là mác xít. Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là để xây dựng vào điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Ví dụ "đại đoàn kết".
Có đường lối, có cán bộ mà không có phương pháp đúng việc sẽ không thành. Cán bộ ta không ít người chưa coi trọng phương pháp, nên lấy lời dạy của Bác nằm lòng.
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)