Sách "Sửa đổi lối làm việc" ký tên X.Y.Z của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào tháng 10 năm 1947 được Nhà xuất bản Sự Thật xuất bản lần đầu tiên vào năm 1948, tái bản lần thứ 7 năm 1959. Từ năm 1959 đến nay, sách chưa có điều kiện tái bản nữa.
Chương V của sách có tiêu đề "Cách lãnh đạo". Tiết 3 của chương này được Bác đặt tên: "Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng". Trong bài, có đoạn Bác nhâh mạnh rằng: "Dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được", "Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên". "Dân chúng sẽ không tin chúng ta nếu cán bộ không nhiệt thành, khiêm tốn, chịu khó học hỏi dân chúng; biết, họ không nói, nói, họ cũng không nói hết lời".
Đề cập đến đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay "so sánh", Bác viết rất cụ thể: "Họ so sánh bây giờ và họ so sánh thời kỳ đã qua. Họ so sánh từng việc và họ so sánh toàn bộ phận. Do sự so sánh, họ thấy chỗ khác nhau, họ thấy mối mâu thuẫn. Rồi lại do đó, họ kết luận, họ đề ra cách giải quyết".
Những năm qua, từ khi những ý kiến ấy xuất hiện đã như một bài học rất sâu sắc về đạo làm người cho mỗi cán bộ muốn tham gia công tác lãnh đạo.
Hiện nay trong dân chúng ta có bao nhiêu điều so sánh, công khai, chìm lặng, chân thật, giả dối, chính xác, sai lệch? Anh con ông bác họ xa của đồng chí Báo ở Sài Gòn so sánh ngày Sài Gòn chưa giải phóng với bây giờ: "Dù có khó khăn gì nhưng độc lập thống nhất rồi, con trai tôi không phải đi lính bắn giết cha, chú, họ hàng nó; con gái tôi không làm đĩ "mẽo" thì tôi có nhắm mắt cũng yên lòng". Nông dân miền Bắc trả lời về sự so sánh bằng cách chỉ vào nhà mình tủ ly, tủ búpphê (đã thành mốt), đài thu tiếng hoặc thu hình, rồi cả honđa (tên chung cho mọi loại xe máy)... Tuy nhiên bà con cũng cho biết: còn nhiều gia đình, nhiều địa phương chưa biết "trồng màu để ăn cho no, chưa có nghề phụ để làm giàu". Nhưng đâu đâu cũng thống nhất câu kết luận về so sánh "so với trước là một trời một vực rồi". Vậy "trước" là khi nào? Mấy lần trước? Cầu trả lời là: Trước Cách mạng tháng Tám, trước cải cách, trước chống Mỹ, trước đổi mới. Vậy đã là "bốn thời kỳ so sánh, bốn thời kỳ tiến bộ", bốn cấp độ so sánh rồi.
Dân chúng còn so sánh về cán bộ, về người lãnh đạo. Nào người này liêm khiết thì khổ, người kia tham nhũng thì sướng, nào ông này mắc khuyết điểm nhỏ thì tội to, ông kia tội "tày đình" lại xí xóa, nào cũng làm cách mạng mà người kiếm mảnh đất cắm dùi cũng khó, người mấy cơ ngơi.
Trong khi viết bài của mình, Bác Hồ cho biết: "Dân chúng so sánh đúng, giải quyết đúng là vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. Vì sự so sánh kỹ càng đó mà cách giải quyết của dân chúng bao giờ cũng gọn gàng, hợp lý, công bình". "Dân chúng cũng do cách so sánh mà họ biết rất rõ ràng cán bộ...".
Bác còn căn dặn: "Dân chúng có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau", "cố nhiên không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo".
Và Bác Hồ dạy cán bộ cũng phải biết so sánh. "So đi sánh lại sẽ lòi ra một ý kiến mà mọi người đều tán thành, hoặc số đông người tán thành", "thành một ý kiến đầy đủ, ý kiến đó tức là cái kích thước nó tỏ rõ sự phát triển trình độ của dân chúng trong nơi đó, trong lúc đó. Theo ý kiến đó mà làm, nhất định thành công".
"So đi sánh lại, phân tích rõ ràng là cách làm việc có khoa học". Cuối cùng Bác Hồ căn dặn và mong muốn làm như thế mới tránh khỏi cái độc đoán, mới tránh khỏi sai lầm.
Cán bộ là "trung tâm của vấn đề", rường cột của tổ chức, "cán bộ quyết định tất cả". Cần phải "so sánh lại" để chọn đúng cán bộ cần cho Đảng, cho quân đội.
"Làm như thế, chính sách, cán bộ, nhân dân sẽ nhất trí, mà Đảng ta sẽ phát triển rất mau chóng và vững vàng".
Đó là những dòng chữ kết luận cuối cùng của Bác Hồ trong bài viết năm 1947 ấy.
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)