Năm 1995, theo chỉ thị của Tổng Bí thư Đỗ Mười, Viện Mác - Lênin - Hồ Chí Minh được cử một đoàn cán bộ đi sưu tầm, tiếp cận tất cả những tư liệu, bài viết của Hồ Chủ tịch có được và được phép nghiên cứu tại các Viện, Cục Lưu trữ, Bảo tàng trong cả nước.
Cán bộ A trong đoàn khi đọc tài liệu của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, phát hiện một mảnh giấy tiết kiệm nhỏ, trong hồ sơ lưu trữ "phông" Hồ Chí Minh. Anh được bảo tàng phôtô cho một bản để nghiên cứu.
Cán bộ A đem bản này đi hỏi mấy "thầy đồ" trẻ.
- Đây là chữ nho viết tắt, có thể đọc, đoán được nhưng chắc nhất là đi hỏi các "cụ đồ" - Và người ta mách anh đến nhà báo lão thành Quang Đạm.
Việc mách này là có cơ sở. Quang Đạm xuất thân từ một gia đình nho học, mẹ là Sầm Phố nữ sĩ. Có thời gian cậu bé Đạm đã học với Phan Bội Châu. Tuy là "Tây học", nhưng em ruột Tạ Quang Bửu - Tạ Quang Đệ (tên thật của Quang Đạm) có một vốn chữ Hán - nhất là Hán cổ khá phong phú.
Cán bộ A trình bày sự việc. Nhà báo đọc xong, nói:
- Có đúng là bản gốc không?
- Đúng ạ!
- Vậy em mang lại Bảo tàng Cách mạng xin cho anh dòng chữ "Hiện vật gốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam". Anh sẽ nói sau!
Việc xin dòng chữ không gặp khó khăn gì.
Đem trình bản mới, nhà báo nói với cán bộ A:
- Đây là tám chữ Hán, Bác Hồ viết theo lối thảo mà "thảo tắt", người không quen đọc lối chữ này của Bác cũng hơi khó luận ra. Nhưng tám chữ này thì không khó đọc lến. Đây, hàng trên là "Tập hợp nhân tài".
A reo lên:
- Em đọc được chữ "nhân"!
Nhà báo nói tiếp:
- Hàng dưới là "Bất phân đảng phái". Em biết đấy, ngày 14 tháng 11 năm 1945, Bác có viết bài "Nhân tài và kiến quốc", ký tên Hồ Chí Minh, bài báo mà anh vẫn nhớ mãi, không quên... Bác nói đại ý "rất cần nhân tài tuy còn ít nhưng khéo dùng thì mới có thêm nhiều nhân tài". Năm ấy ta mới giành được độc lập, mới thành lập được Chính phủ. Cần bao nhiêu cán bộ, viên chức cho vừa! Bác chủ trương trừ những người "quá đáng", còn giữ lại tất cả công chức cũ. Bác không cho phép "lấy tội cũ làm án mới". Em biết là trong Chính phủ, cán bộ có bao nhiêu người không phải là Việt Minh, là Cộng sản? Tân Việt có Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh; Đồng minh hội có Trương Trung Phụng, Bồ Xuân Luật; Quốc dân đảng có Nguyễn Tường Tam, Chu Bá Phượng; quan lại cũ có "phó vương" khâm sai đại thần Phan Kế Toại, Thượng thư Bộ hình Bùi Bằng Đoàn... Chính nhờ tám chữ đó mà Đảng ta, Chính phủ ta tập hợp được nhân tài để kiến quốc, để kháng chiến, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong nước, Việt kiều ở nước ngoài, nhân dân yêu chuộng hòa bình, dân chủ, chính nghĩa trên thế giới. "Đó là tám chữ thần kỳ".
Phấn khởi quá, cán bộ A về viết một bài báo, giới thiệu tám chữ thần kỳ, nhưng có thể tài viết kém, hoặc vì lý do nào đó nên mấy báo liền không chịu đăng.
Bước sang năm 1996 rồi 1998, 1999 vai trò của Mặt trận được nhận định mới thêm, cán bộ A có dịp gới thiệu tám chữ này cho một số nghiên cứu sinh "làm" thạc sĩ, tiến sĩ. Các "thầy" hướng dẫn, phản biện đều rất hoan nghênh.
Đầu năm 1999, trong khi trao đổi với một vị trong Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tuy đã "thất thập cổ lai hy", cán bộ A đưa tặng vị này tám chữ "thần kỳ" của Bác Hồ.
Cầm tờ giấy nhỏ trong tay, có chữ Việt dịch ra và ký tên người dịch là Quang Đạm, vị ủy viên thành thật nói:
- Năm 1945 - 1946, tôi công tác xa nên không được đọc bài "Nhân tài và Kiến quốc". Tám chữ này lẽ ra không nên để "chết" lâu, quá lâu trong bảo tàng. Phải để "nó" sống, sống mãi. Giá như tôi biết được sớm chính là ý của Bác, chữ của Bác cách đây 20 năm, 10 năm, 5 năm thôi... Nhưng muộn vẫn còn hơn không biết.
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)