Đã đành luật pháp - phải là luật pháp nghiêm minh - là một trong những đảm bảo cho an ninh xã hội, an ninh chính trị, kinh tế, đạo đức... Nhưng cái gốc của sự an ninh là cái "thiện", cái "tâm" của con người trong cộng đồng.
Nhiều nhà tù, nhiều cảnh sát, quân đội, nhiều phạm nhân sao cho bằng nhiều trường học - trường ra trường, nhiều thầy giáo – thấy đủ điều kiện làm thầy, nhiều học sinh ngoan - học vấn sẽ tăng thêm điều thiện, giảm đi điều ác. Đâu chỉ có cái "uy", cái "quyền", cái "lực" mới thuyết phục được người ta! Cái căn bản là con người nhận ra được cái "ân", cái "nghĩa", cái "tình" để suốt đời giữ được cái đức, cái đạo làm người. Chủ nghĩa xã hội lấy bạo lực chống lại kẻ thù nhưng đâu phải chỉ đơn thuần là bạo lực quân sự, có cả bạo lực chính trị và cao hơn hết là "bạo lực giác ngộ", chỉ đường chỉ cách cho con người đi theo, tự cải tạo, tìm lấy quyền sống tự do, ấm no, hạnh phúc.
Rất buồn là có nhiều đồng bào ta, con cháu ta vì dại dột, vì mê muội, vì lòng tham đã phạm tội, vào tù. Trại giam - dù chỉ một số ít - đã không phải là nơi để họ tìm thấy lại cái "tình", cái "nghĩa" của Nhà nước, của xã hội để hối cải trở về với cái quyền là "con người sinh ra ai nấy đều thiện". Ra khỏi trại, lòng oán thù của họ lại tăng lên "oán cán bộ quản giáo, oán chính quyền, oán cuộc đời, oán xã hội". Và họ lại tiếp tục gieo mầm oán hận cho nhiều "đồ đệ" khác... Phải chi được như nhiều anh, chị em ra trại được tắm giặt trên một dòng sông trong sáng, trở về lao động, yêu thêm cuộc sống, yêu gia đình, xã hội, yêu con người, yêu lại chính bản thân mình.
Có một thời báo chí đã đăng tải rất nhiều các vụ án để răn đe, so với những bài giáo dục, cảm hóa, nhắc nhở con người giữ điều thiện, trở về với điều thiện. Trong cơ quan, đơn vị, ở thôn xóm, một số người có chức, có quyền "một, hai" lôi thôi là bắt bớ (có khi bắt người sai nguyên tắc), là "đánh đập", là vào tù... Họ ít nghĩ đến cảm hóa, đến luật là đây, tội là đấy, đáng đánh rồi xử phạt, nhưng vì lần đầu, vì ngu dại, vì mẹ đói, con nghèo mà tha thứ, mà nâng đỡ, có khi còn phải trợ cấp... Có "uy" mà vẫn có "ân", có "đức", có tấm lòng xót xa chung, đùm bọc lẫn nhau...
Mỗi gia đình, trường học, tập thể, Nhà nước nên tăng thêm việc truyền bá điều thiện, đề cao việc nghĩa, tôn trọng tình thương.
Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng khoan dung với biết bao con người đã một thời cầm súng giết hại nhân dân ta, trả lại vũ khí cho họ, vũ khí chính nghĩa, thiện chí và lòng nhân đạo của Việt Nam... Cái "tâm" lớn lao trời biển của Bác đã giúp họ trở lại làm người có ích cho Tổ quốc họ, cho loài người.
Di sản ấy của Bác phải chăng là cái nền, cái gốc cho sự bình an xã hội, yên vui của hành tinh?
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)