Dù đã đi bốn phương trời, tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ sau bao nhiêu năm xa cách Tổ quốc, Bác vẫn không bao giờ quên cách phát âm riêng của "xứ Nghệ". Bao nhớ thương, xúc động khi ở đất Thái, quê người, Bác bỗng được nghe bà Quỳnh Anh một đêm hè "ru con" bằng lối ru của những người mẹ hiền, quê mẹ...
Ngành ngôn ngữ nước ta chắc sẽ không bao giờ quên, nhờ có Bác mà có thêm được những danh từ rất Việt Nam mà không kém trang trọng, "bác học" mà vẫn "dân gian". Một đoàn "ca vũ" Tổng cục Chính trị, một hội "Hồng thập tự", một lớp "phi công", các "cung ứng hỏa xa viên"... đều đã được Bác đổi tên cho thành đoàn ca múa..., Hội Chữ thập đỏ, chiến sĩ lái, đội phòng cháy, chữa cháy, nhân viên phục vụ, rồi cho cả "vùng trời, vùng biển"...
Nhà toán học Hoàng Tụy có chuyện kể rằng:
"Khoảng tháng 5 năm 1969, chỉ vài tháng trước lúc đi xa, một lần Bác thấy nhân dân Thủ đô phải "rồng rắn" xếp hàng dài trước các cửa hàng, nhất là ở các quán bia. Bác băn khoăn và trao đổi việc này với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ngày 30 tháng 7 cùng năm, nhà toán học được mời đến gặp Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ yêu cầu áp dụng khoa học trong việc phân phối hàng hóa, góp phần giải quyết tình trạng "xếp đuôi dài" trước các cửa hiệu. Nhà toán học đã phát biểu về khả năng áp dụng vận trù học trong ngành thương nghiệp để giải tỏa "rồng rắn". Bác nêu việc người mua bia, bán bia và nói:
- Chú thử cố gắng áp dụng lý thuyết "vận trù học" của chú để cải tiến việc này.
Biết là Bác phê bình khéo "vận trù học", vì nhà khoa học đã đoán biết thế nào Chủ tịch nước cũng "nhắc nhở" về nhóm chữ này, nên đồng chí Hoàng Tụy thưa:
- Thưa Bác, chúng cháu chưa tìm ra được chữ khác...
Bác nói:
- Nên tìm chữ gì dễ hiểu hơn, chữ "vận trù học" thì Chủ tịch nước cũng không hiểu nổi!
Ngừng một lát, Bác lại hỏi:
- Thế chú có biết nguồn gốc chữ "vận trù học" ở đâu mà ra không?
Nhà toán học, mẹ đẻ ra đứa con yêu danh từ "vận trù học", xấu hổ quá, báo cáo thật:
- Thưa Bác, không ạ...
Bác nói:
- Đó là câu của Trương Lương, "vận trù ư duy ác chi trung, quyết thắng ư thiên lý chi ngoại"(1). Vận trù cũng là tham mưu. Bộ đội ta có nhiều người không học tính toán được nhiều mà làm "vận trù" cũng khá, là nhờ cái này (Bác chỉ vào ngực, phía quả tim...).
Nghe thế, nhưng nhà toán học cho đến nay vẫn còn "nợ" chưa tìm được ba chữ gì thay cho "vận trù học".
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)