Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcHọc tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhNhững mẩu chuyện Hồ Chí Minh: "Về mặt tinh thần đọc Khổng Tử, về mặt cách mạng đọc LÊNIN"

Những mẩu chuyện Hồ Chí Minh: "Về mặt tinh thần đọc Khổng Tử, về mặt cách mạng đọc LÊNIN"

Cập nhật ngày 15/06/2022
  Nội dung

        Bài "Khổng Tử" của Bác Hồ in trong sách "Hồ Chí Minh toàn tập", tập 2 là bài báo Bác viết đăng trên tờ Thanh niên số 80. Số 80 là số mà hiện nay chưa sưu tầm được nguyên gốc. Bài trong sách là bài dịch lại từ tài liệu của mật thám Pháp.
         Nhân sự kiện ngày 15 tháng 2 năm 1927, Chính phủ Trung Hoa dân quốc xóa bỏ nghi lễ tưởng niệm Khổng Tử. Bài viết bày tỏ thái độ không đồng tình "Tại sao lại vứt bỏ Khổng Tử đi?".
        Theo Bác: "Đạo đức của ông, học vấn của ông và những kiến thức của ông làm cho những người cùng thời và hậu thế phải cảm phục. Ông nghiên cứu và học tập không mệt mỏi, ông không cảm thấy xấu hổ tí nào khi học hỏi người bề dưới, còn việc không được mọi người biết đến, đối với ông chẳng quan trọng gì". Nhận định về Khổng Tử, Bác viết: "Đạo đức của ông là hoàn hảo, nhưng nó không thể dung hợp được với các trào lưu tư tưởng hiện đại, giống như một cái nắp tròn làm thế nào để có thể đậy kín được cái hộp vuông"... "rõ ràng là người phát ngôn bênh vực những người bóc lột chống lại những người bị áp bức".
        Tuy nhiên, Bác vẫn chắt lọc ra được những cái hay, cái tốt của Khổng Tử cho mình và giới thiệu với đồng bào ta.
       Trong các bài viết, bài nói, Bác thường hay dẫn những câu trích dẫn từ các tác phẩm của Khổng Tử và môn đệ của ông. Những chuẩn mực đạo đức "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư", "nhân, nghĩa, lễ, tri, tín", "tứ hải giải huynh đệ", vân vân... mà Bác thường nêu cũng "lấy ra" từ các tác phẩm của Khổng Tử, của học trò ông giải thích, vận dụng theo ý mới của Bác trong điều kiện Việt Nam.
         Sau này, khi được hỏi chính kiến của mình, Bác có nói:
         "Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê-su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta... Khổng Tử, Giê-su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao... Nếu hôm nay họ còn sống, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết"...
         Suy rộng câu này, một nhà chính trị nước ngoài cho biết: Hồ Chí Minh thật đúng là đại đoàn kết, đại hòa hợp, các nước trên thế giới dù màu sắc, tín ngưỡng, chính trị thế nào cũng vẫn sống chung với nhau được, vẫn "hòa hợp" mà không bị "hòa tan".
         Nhớ lại câu chuyện trao đổi vào năm 1965 giữa Bác và nhà báo I.Phabe (người Đức, đã để ra gần mười năm dịch "Truyện Kiều” của Nguyễn Du, thơ Nguyễn Trãi sang tiếng Đức), Bác nói:
          - Nguyễn Du là một nhà thơ cổ điển vĩ đại của chúng tôi. Nguyễn Trãi là một anh hùng dân tộc, một nghệ sĩ lớn của chúng tôi. Những người Cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có những dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ trương chủ nghĩa Mác-Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông.
         Trở về câu chuyện Khổng Tử, một hội nghị quốc tế kỷ niệm Khổng Tử có nhận xét ít ra Khổng Tử có hai điều sai: "Coi thường lao động, coi khinh phụ nữ"... Như vậy là không ai chê ông về mặt đạo đức, tu dưỡng cá nhân. Học "cổ" là học cái hay của "cổ". Đề phòng những kẻ bày ra "cổ" để lừa bịp, kiếm chác, mê hoặc, mang theo nọc độc trong "cổ" tiêm vào dân chúng...
         Kết luận bài báo trên tờ Thanh niên năm 1972, cho chúng ta đọc thêm được những dòng này: "Còn những người Việt Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử, và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lênin".

(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376,   Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)
 

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.