Trong năm 1968, sau khi bị tấn công và thiệt hại nặng dịp Tết Mậu Thân, đế quốc Mỹ ra sức phá hoại, ném bom, bắn phá các tuyến đường giao thông ở miền Bắc, nhất là các đoạn đường trọng yếu đi vào chiến trường phía Nam. Các chiến sĩ cầu đường, lái xe vận tải đã ngày đêm đối mặt với máy bay, bom nổ chậm, các loại mìn, biệt kích, thám báo, quyết tâm giữ vững mạch máu giao thông miền Nam.
Trong năm 1968, tính đến tháng 8, Hồ Chủ tịch đã sáu lần thưởng huy hiệu của Ngưòi cho gần năm mươi chiến sĩ lái xe vận tải, xe húc, tàu cuốc, sà lan, công nhân giao thông vận tải, thanh niên xung phong ở Hải Phòng, Sơn La, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình...
Nhân dịp ngành Hậu cần quân đội tổ chức Hội nghị lái xe giỏi và thợ sửa chữa xe giỏi toàn quân, Đảng ủy và Thủ trưởng Cục Quản lý xe máy đã được phép gặp Bác, báo cáo thành tích và đề đạt nguyện vọng được mời Bác đến dự.
Đồng chí Vũ Văn Đôn thưa:
- Thưa Bác, cán bộ và chiến sĩ đề nghị Bác tặng cho mấy chữ.
Bác "dân chủ":
- Chú nói trước đi.
- Dạ, xin tám chữ "Gan vàng dạ ngọc, vượt đường Trường Sơn"
Bác mỉm cười, như đã thông cảm với cán bộ, chiến sĩ rồi nói:
- Các chú để Bác tự tặng mười sáu chữ.
Bác lấy tờ giấy viết:
"Yêu xe như con
Quý xăng như máu
Vượt mọi khó khăn
Hoàn thành nhiệm vụ"
Rồi hỏi đồng chí Đôn:
- Có được không?
Trong một thoáng suy nghĩ, đồng chí Đôn nhận ra những câu mà báo chí ca ngợi "Gan vàng dạ ngọc, vượt đường Trường Sơn" đâu phải là chung cho tất cả các chiến sĩ giao thông vận tải, cho một con đường, cho một đơn vị. Và chắc là Bác đã biết "thành tích" không tiết kiệm xăng dầu, "phá phách" xe cộ... nên Bác mới răn dạy bộ đội như thế.
Cuối cùng đồng chí Đôn nói:
- Dạ, thưa Bác, chúng cháu xin hứa với Bác thực hiện lời Bác dạy. Đến ngày 5 tháng 8 năm đó, lá cờ đỏ thắm thêu mười sáu chữ vàng của Bác trao tặng được treo trong hội trường.
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)