Sau khi nhân dân giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc "Tuyên ngôn độc lập", nước cộng hòa non trẻ Việt Nam đứng trước muôn vàn khó khăn. Thời gian từ năm 1945 đến 1946 được các nhà nghiên cứu khoa học coi như "ngàn cân treo sợi tóc". Sợi tóc thường chắc là đứt ngay, nhưng "sợi tóc" Việt Nam vẫn có thể chịu đựng được trọng lượng ấy và thắng cả trọng lượng ấy gồm cả Ân, Anh, Pháp, Tàu Tưởng.
Mấy chục vạn quân Tưởng kéo vào Việt Nam đã cướp của, giết người, yêu sách vàng, bạc, gạo, tiền, gái điếm. Chúng đã được lệnh "cầm Hồ, diệt cộng" (Bắt Cụ Hồ, diệt cộng sản). Chúng dung túng cho bọn Việt quốc (Việt Nam quốc dân đảng) của Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, bọn Việt cách (Việt Nam cách mệnh đồng minh) của bè lũ Nguyễn Hải Thần gây rối loạn, mưu đảo chính...
Ngày 11 tháng 11 năm 1945, Bác Hồ và Thường vụ Trung ương tuyên bố tự giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương. Thế là chúng hết đi một "mục tiêụ". Đảng tự giải tán nhưng đảng viên còn. Đảng viên không bao giờ mất đi danh hiệu ấy, ngoại trừ tự mình đánh rơi. Và một "hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác" ra đời...
Được tin Đảng tự giải tán, một cán bộ cao cấp chạy đến chất vấn Bác:
- Tại sao Bác lại giải tán Đảng chúng tôi?
Bác ngừng tay viết, đứng lên giơ hai nắm tay trước đồng chí cán bộ.
- Đây là Đảng, đây là Tổ quốc. Chú muốn bên nào? Chú có thấy đồng bào lập bàn thờ Tổ quốc, có cờ đỏ sao vàng và bốn chữ. Chữ gì? "Tổ quốc trên hết!".
Không đợi cán bộ trả lời, Bác ngồi xuống tiếp tục làm việc.
Đồng chí cán bộ chắp tay:
- Cháu hiểu, cháu xin lỗi Bác!
Ngày 21 tháng 1 năm 1946, trên báo Cứu quốc có đăng bài "Trả lời các nhà báo nước ngoài" ký tên Hồ Chí Minh, không ghi chức vụ Chủ tịch nước.
Sau khi tuyên bố rằng "tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý", "phải gánh chức Chủ tịch là đồng bào ủy thác".
Trong một bài viết khác, Người viết: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành", Bác còn viết thêm một đoạn nữa.
Đoạn viết này, trong nhiều năm do nhiều lý do về lưu trữ, bảo quản, sưu tầm... ít người được biết đến. Hơn năm mươi năm sau, Tạp chí Xưa và nay mới công bố lại. Vào năm 1995, trong tập 4 sách "Hồ Chí Minh, Toàn tập", trang 161 - 162 đã in lại toàn văn "trả lời" này.
Đoạn cuối này như sau:
"Trong một nước dân chủ thì mọi người đều có tự do tin tưởng, tự do tổ chức. (Điều đó theo ý Bác có thể là ai cũng có quyền hoặc không theo, không tin tưởng tôn giáo này chủ nghĩa nọ, ai cũng được quyền tổ chức ra một hội... nào đó, ví dụ dân ta có quyền thành lập Đảng Cộng sản). Nhưng vì hoàn cảnh và trách nhiệm, tôi phải đứng ra ngoài mọi đảng phái. (Câu này Bác nhấn mạnh in nghiêng trong văn bản). Nay tôi chỉ có một tin tưởng và Dân tộc độc lập.
Nếu cần cố đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam". (Có thể hiểu là "đảng" hay "mặt trận" của cả dân tộc Việt Nam, một tổ chức của toàn thể dân tộc?).
Có Đảng phải có mục tiêu, có đảng viên. "Đảng dân tộc Việt Nam" mà Bác nêu ở trên "sẽ chỉ có một mục đích là làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập, đảng viên của Đảng đó sẽ là tất cả quốc dán Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài”.
Về mặt đối ngoại: sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương tự giải tán - chắc rằng bấy giờ Đảng ta cũng chưa có nhiều đảng viên - mà nay Cụ Hồ lại dự định thành lập một đảng của "tất cả quốc dân Việt Nam" thì chắc sẽ còn mạnh hơn, đông hơn trước. Nhưng "bàn tay có ngón ngắn, ngón dài", quốc dân Việt Nam cũng có người tốt, người chưa tốt. Do đó những người "phản quốc", "tham ô" sẽ đứng ra ngoài đảng này - tức là đảng của quốc dân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, họ không xứng đáng, không được đứng trong hàng ngũ của Đảng dân tộc Việt Nam, của Tổ quốc Việt Nam..."
Trong nội bộ Đảng ta, bài nói của Bác còn là một lời dạy về "đại đoàn kết, đại hòa hợp". Bác đã báo trước cho chúng ta rằng không thể coi nhẹ những kẻ tham ô, tuy rằng "kẻ" ấy "đứng" sau kẻ phản quốc.
Xin nhắc lại: Đây là lời dạy của Bác từ tháng 1 năm 1946!
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)