"Từ điển Tiếng Việt" của nhà xuất bản Khoa học Xã hội in năm 1977, trang 425 viết về "khiêm tốn" như sau: "Biết đánh giá cái hay của mình một cách vừa phải và dè dặt". Đó là một định nghĩa bác học, khoa học.
Bác Hồ là một người khiêm tốn, rất khiêm tốn. Giữ những chức vụ cao nhất của Nhà nước Việt Nam, một trong những lãnh tụ xuất sắc của phong trào dân tộc, cách mạng thế giới, trước sau Người vẫn là Cụ Hồ, là Bác Hồ rất gần gũi với mọi người dù là màu da, tiếng nói khác nhau. Đồng chí Song Tùng, đại sứ Việt Nam nhiều năm ở nước ngoài có kể một câu chuyện về đạo đức khiêm tốn ấy của Bác như sau:
"Sáng ngày 23 tháng 7 năm 1957, trong bữa cơm thân mật, Chủ tịch nước Ba Lan Davátski có hỏi Bác: "Thưa Chủ tịch, đồng chí là một người nổi tiếng về khiêm tốn. Vậy theo đồng chí, khiêm tốn phải thế nào?" Bác trả lời rằng: "Khiêm tốn là nền tảng đạo đức của cả dân tộc Việt Nam. Đối với bản thân thì bao giờ cũng nhìn ra điều kém cỏi của mình. Đối với đồng chí và bạn bè thì ai cũng là thầy học của mình, tìm cho được điều mình phải học tập. Đối với kẻ thù cẩn biết cái mạnh của địch, cái yếu của ta".
Định nghĩa "khiêm tốn" này của Bác thật là bao trùm, có một "cái gì đó" rất dân tộc Việt Nam trong suốt cả chiều dài lịch sử giữ nước, dựng nước, rất dân gian mà còn "siêu" khoa học, thấu lí đạt tình.
Nếu như có tái bản "Từ điển Tiếng Việt” có lẽ nên bổ sung định nghĩa này để bạn đọc được tham khảo.
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)