... Từ thời thiếu nien, Bác Hồ đã tích cực học ngoại ngữ, vì biết ngoại ngữ là phương tiện cực kỳ quan trọng để thực hiện ý định tìm đường cứu nước của mình. Sống trong gia đình Nho học, Bác được học chữ Hán khá nhiều nhưng Bác luôn trao dồi tiếng Pháp với ý định phải đi đến nơi và tìm hiểu về con người, về đất nước, về nền văn hóa của một dân tộc đang đô hộ mình. Vì vậy, trước khi bước chân xuống tàu Latouche, Bác đã có vốn tiếng Pháp khá. Sau này khi nói chuyện với chúng tôi, Bác nói: “Mình thấy rất cần phải có ngoại ngữ, nhưng điều kiện học thì thực khó khăn, người dạy, sách vở đều không có. Lại phải vừa lao động cực nhọc, vừa tranh thủ học. Để có thể học thuộc các từ, mình viết nó lên mu bàn tay. Rồi những lúc bưng bê thức ăn cho khách, những lúc rửa bát, mình vừa làm vừa nhẩm, khi nào quên thì nhìn vào mu bàn tay. Đến lúc nét chữ nhòe đi cũng là lúc mình đã thuộc. Cứ thế mình học mãi”.
... Trong kháng chiến chống Pháp Bác đã dịch cuốn Tỉnh ủy bí mật của Phedorov. Bác dịch rất thanh thoát bằng lối văn giản dị, dễ hiểu. Chúng tôi, những người làm phiên dịch thời đó, có dịp tiếp xúc với Bác, nghe Bác hỏi: “Các chú có biết muốn phiên dịch giỏi thì trước hết phải giỏi cái gì không?”. Chúng tôi thưa: “Thưa Bác, phải thật thông thạo tiếng nước ấy ạ!” Có đồng chí lại nói: “Thưa Bác phải có bằng Đại học Ngữ văn đó ạ!” “Phải thính tai và biết ghi chép thật nhanh ạ!” v.v... Nghe xong, Bác mỉm cười: “Các chú nói đều đúng cả nhưng chưa đủ. Theo ý Bác, điều quan trọng nhất là phải giỏi tiếng nước mình. Chứ như mấy chú phiên dịch người Hoa cả hai thứ tiếng đều không thạo nên dịch rất khó nghe, lủng củng lắm, như hổ nhai kẹo xìu vậy!”. Bác lại bảo: “Các chú muốn giỏi ngoại ngữ, không phải chỉ có đọc, nghe, viết mà phải suy nghĩ bằng ngoại ngữ đó. Để nó thấm vào mình mới có thể giỏi, dịch nhanh và đúng được. Nếu lúc nào cũng cứ nghe vào tai rồi lại tìm từ ngữ để dịch ra tiếng Việt thì sẽ rất chậm và khó thành thạo. Các chú phải làm phiên dịch cho chính mình trước, rồi mới dịch cho người khác nghe. Như thế thì làm sao nhanh được”. Điều này chúng tôi cũng thấy đúng, nhưng khi thực hiện thật khó khăn. Những đồng chí nào làm được thì thật năng lực phiên dịch rất khá.
Xuân Kinh
Trích từ sách: Chuyện kể về Bác Hồ, tập 4, Nxb Nghệ An, 2004
Trích “Bác Hồ - Tấm gương học tập suốt đời” trang 38 - 39. Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ bạn đọc tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp: Phòng đọc tại chỗ: KEVV18.3924; Phòng mượn: MEVV18.7398.