Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcHọc tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhNhững mẩu chuyện về Hồ Chí Minh: "Bác làm văn nghệ"

Những mẩu chuyện về Hồ Chí Minh: "Bác làm văn nghệ"

Cập nhật ngày 23/08/2017
Nội dung mẩu chuyện

Hồi còn nhỏ ở miền Nam, mỗi khi nghe các cô, các chú hoặc bà tôi kể chuyện Bác Hồ thì dù đang ham chơi hay làm bất cứ việc gì, chúng tôi đều kêu nhau lại, chạy đến xúm quanh người lớn và chăm chú lắng nghe như nuốt lấy từng lời. Đã có lần, chúng tôi bàn nhau viết một lá thư ra Bắc mời Bác vô thăm miền Nam để chúng tôi được tận mắt thấy Bác. “Bác ở xa lắm, các con cứ chịu khó chăm học, ngoan ngoãn, nhất định có ngày Bác sẽ vào”. Bà tôi nghe chuyện phì cười và dặn chúng tôi như vậy.

Những ngày ra miền Bắc, chưa được gặp Bác, nhưng tôi vẫn nhớ lời bà tôi dặn và hy vọng thế nào cũng có ngày đạt được ước mơ đó. Nhưng thật không ngờ, cuối năm 1962, tôi được gặp Bác trong một trường hợp đặc biệt, vượt rất xa mơ ước trước đó của tôi. Cho đến nay, và mãi mãi về sau này, đó vẫn là niềm vui sướng, vinh dự quá lớn đối với tôi và mỗi lần nhớ lại, tôi không khỏi bồi hồi xúc động.

Lần ấy, tôi được đi dự Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ ba. Được đi dự Đại hội Văn nghệ toàn quốc, đối với một diễn viên mới bước vào nghề như tôi đã là một điều vô cùng phấn khởi, lại thêm hy vọng sẽ được gặp Bác ở Đại hội làm tôi cứ náo nức không yên. Ngày 1 tháng 12, ngày cuối cùng của Đại hội, bấy giờ vừa sau giờ nghỉ giải lao, chuông đã rung được mấy phút, nhưng lẻ tẻ còn có đại biểu chưa vào hết hội trường. Bỗng ngoài hành lang có tiếng xôn xao rồi có tiếng reo “Bác đến! Bác đến!”. Chỉ một loáng, cả hội trường ào lên như sóng. Đồng chí Trường Chinh nhanh nhẹn đứng dậy đón Bác ở cầu thang. Tiếng reo mừng, tiếng hoan hô “Bác Hồ muôn năm!” cứ vang lên cho đến lúc Bác giơ cả hai tay ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống và ổn định trật tự để Bác nói chuyện. Người tôi nóng bừng lên, chú Võ Hồng Cương đưa cho tôi một bó hoa mà tôi cứ lúng túng không biết làm gì. Nhiều đại biểu được mang hoa lên tặng Bác cũng lúng túng không kém. Bác nhìn chúng tôi và hỏi:

- Tặng hoa à? Tặng hoa thì phải đi nhanh lên chứ?

Cả hội trường lại vang tiếng cười reo. Câu nói đầu tiên của Bác làm không khí Đại hội vui vẻ, đầm ấm hẳn lên. Chúng tôi cũng phấn khởi, lấy lại bình tĩnh, ôm hoa chạy về phía Bác, Bác lại hỏi:

- Không mấy khi được gặp đông đủ thế này, Bác muốn bắt tay tất cả, nhưng không đủ thì giờ. Vậy Bác bắt tay đại biểu thôi. Đại biểu nào cao tuổi nhất nào? – Bác cười và nói thêm – Bác nói tuổi cao nhất, không nói già đâu nhé!

Tiếng cười reo lại vang lên, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh chạy lại.

- Đại biểu nào ít tuổi nhất – Bác hỏi tiếp.

Tôi giật thót mình, vì trong đại hội, tôi được coi là người ít tuổi nhất. Nhưng lúc ấy hình như tôi vẫn chưa dám tin là được Bác gọi. Chú Bảo Định Giang kéo tay tôi dẫn về phía Bác rồi nói:

- Thưa Bác, cháu Trà Giang đây, người miền Nam, trẻ nhất đại hội đấy ạ!

Tôi dâng hoa lên Bác mà chân cứ run run. Bác hôn lên trán tôi rồi hỏi:

- Phải cháu là người trẻ nhất Đại hội không?

- Dạ. – Tôi đáp lí nhí vì niềm vui và xúc động nghẹn ngào.

- Trẻ mà có thành tích thì cháu phải chăm học và nhất là phải hết sức khiêm tốn.

- Dạ. – Tôi chỉ biết đáp vậy, nước mắt muôn trào ra.

Trong giây phút đó, tôi thấy thấm thía vô cùng lời căn dặn của Bác. Tôi nhớ đến nội, đến bà con, cô bác và các bạn tôi đang ở miền Nam. Tôi đã có thành tích gì đáng kể đâu. Bước đầu tuy có chút thành công, nhưng nhìn lại tôi vẫn thấy mình còn yếu nhiều mặt. Thành tích ấy có thấm vào đâu so với những hy sinh của bà con, bạn bè, cô bác miền Nam, bao nhiêu năm đấu tranh phá ách kìm kẹp của địch. Thế mà trong ấy vẫn chưa ai được thấy Bác Hồ như tôi bây giờ… Lại được nghe Bác nói, lại được Bác hôn nữa! Trời ơi, lúc này tôi thèm có đôi cánh quá! Tôi sẽ bay vụt về trong đó khoe với chúng bạn, tụi nó sẽ điên lên vì sung sướng cho tôi mất, nhất là bạn Sáng thân yêu của tôi. Giờ này tụi nó ở đâu? Có được đi học không? Có còn nguyên vẹn cả không. Tôi thấy thương và nhớ chúng nó quá.

Sau đó, Bác bắt đầu nói chuyện với Đại hội, bác hỏi:

- Có bao nhiêu bản tham luận tất cả?

- Thưa Bác, chín mươi chín ạ. – Một đồng chí đáp.

Bác cười:

- Thế này là vừa đúng một trăm. Nhưng các cô, các chú đừng sợ, có ba trang thôi! – Bác cầm tờ giấy giơ lên trước mặt, cả hội trường lại cười reo vui vẻ.

Bác nói tiếp:

- Bác nêu một kinh nghiệm cũ. Trong thời thanh niên – Bác hạ giọng nói thêm: Giờ Bác cũng vẫn còn thanh niên – Bác hoạt động cho Đảng, Bác phải làm nhiều nghề. Làm ảnh, làm bếp. Đây có ai làm bếp không? Cũng có khi Bác làm văn nghệ. Bác có viết một quyển tiểu thuyết, nói thực là một quyển tiểu thuyết về Cách mạng tháng Mười Nga. Bác viết, đồng chí Hồ Tùng Mậu in. In bằng đất. Rồi phát hành bao nhiêu? Một quyển. Mấy quyển nữa thì cảnh sát Anh tịch thu hết. May nó tịch thu tiểu thuyết mà không tịch thu được người viết vì hai anh em (Bác và Cụ Hồ Tùng mậu) đi vắng. Vừa đây nghe đồng chí Tố Hữu nói có xem quyển ấy. Vậy là một quyển tiểu thuyết phát hành được một quyển, được một người xem. Đó là “thành công” về tiểu thuyết của Bác đấy! Bác lại viết một vở kịch đả kích Khải Định, bù nhìn của thực dân Pháp, viết bằng chữ Pháp. Thế mới gan chứ, điếc không sợ súng mà! Viết xong thì Bác phải đi. Sau này Câu lạc bộ Ngoại ô có đem diễn. Thành công, thất bại thế nào, Bác cũng không biết. Đó là thành tích Bác viết kịch. Rồi Bác cũng diễn kịch nữa đấy!

Các đại biểu sân khấu và điện ảnh ồn ào vui vẻ. Tôi bật reo lên: “Bác cũng đã có lúc làm diễn viên!”, điều ấy đối với chúng tôi là thú vị biết chừng nào.

Bác cũng cười và kể tiếp:

- Ở Pháp có một nhóm văn nghệ sĩ tiến bộ. Họ viết một vở kịch đả kích thực dân. Bác sắm một vai, ra sân khấu không đầy một phút, diễn xong, anh em bắt tay khen: “Đồng chí diễn khá lắm!”. Rồi thù lao một cốc cà phê.

Cả hội trường cười rộ vỗ tay. Ngừng một lát, Bác nói tiếp:

- Kinh nghiệm thế nào? Trước cách mạng, muốn sống phải lao động chân tay, chứ làm văn nghệ thì ba lần làm văn nghệ Bác chỉ được uống một cốc cà phê thôi!

Bác nói chuyện thật giản dị mà rất dễ nhớ. Tôi nhớ nhất là những lời Bác về sân khấu và điện ảnh dưới thời đất nước ta còn bị nô lệ:

- Nghề múa hát chỉ là một thứ tiêu khiển cho bọn “ngồi mát ăn bát vàng”. Chúng còn khinh rẻ và gọi những nghệ sĩ múa hát là “xướng ca vô loài”. Hồi đó chỉ có chiếu bóng câm, bọn thực dân Pháp dùng chiếu bóng để bôi nhọ dân tộc ta. Thí dụ, trong Hội chợ ở MácXây, ngoài những trang vẽ lũ công khanh Việt Nam đang lúc nhúc lạy quỳ trước vua bù nhìn cùng chó ngao Toàn quyền, Khâm sứ, ngoài những công nhân trần trụi kéo xe thuê, còn chiếu phim có những bà già ăn trầu, răng đen, những công nhân gầy gò, rách rưới, những người đóng khố đang leo dừa… Chúng gọi đó là những “hình ảnh An Nam”. Rõ ràng là dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải làm cách mạng.

Bác khuyên nhủ và động viên những người làm công tác văn nghệ bây giờ phải cố gắng nhiều vì đã có điều kiện rất thuận lợi để phát triển tài năng. Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta. Những tác phẩm ca tụng chân thật những người mới, việc mới, chẳng những làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau.

Bài học này tôi càng thấm thía hơn khi được gặp Bác lần thứ hai.

Lần ấy, sau Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ ba không một năm, tôi lại có may mắn lớn là được cùng với một số bạn và thăm nơi Bác ở. Điều làm chúng tôi yên tâm và mừng nhất là thấy Bác vẫn khỏe, da Bác vẫn hồng hào, mọi cử chỉ của Bác đều nhanh nhẹn, dứt khoát.

Khi anh Vũ Kỳ giới thiệu đến tôi thì Bác gật bảo nhớ rồi. Bác gọi tên tôi và hỏi:

- Dạo này cháu làm gì?

- Dạ thưa Bác, cháu được đi học lớp lý luận nghiệp vụ ạ.

- Không tự kiêu chứ?

- Dạ thưa Bác, không ạ.

- Thế là tốt!

Bác cười, xốc lại chiếc áo khoác ở vai và dặn tiếp:

- Các cháu còn trẻ, phải chịu khó học và nhất là phải hết sức khiêm tốn, học kinh nghiệm tốt của những người đi trước.

- Dạ, - Tất cả chúng tôi đều dạ và chăm chú nhìn không bỏ sót một cử chỉ nào của Bác. Bác cho chùng tôi kẹo và bảo chúng tôi đi xem phim. Thật sung sướng cho tôi khi xem phim, tôi được ngồi gần Bác. Suốt buổi chiều, thật ra tôi chả xem được mấy vì phần nhiều là nhìn Bác. Tôi có cảm giác là tuy Bác vẫn khỏe, nhưng tóc Bác đã bạc thêm nhiều. Nhớ lại những lần Bác nhắc đến miền Nam: Miền Nam ở trong trái tim tôi. “Một ngày mà tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”, lòng tôi cứ nao nao vì thương Bác. Bác vẫn chăm chú ngồi xem, thỉnh thoảng lại hỏi chuyện tôi. Tôi nhớ hôm ấy có chiều một bộ phim tài liệu của Liên Xô. Khi trên màn ảnh xuất hiện cảnh Đại hội của Điện Cremli thì Bác nói với tôi:

- Công trình xây dựng của nhân dân Liên Xô thật vĩ đại, phải không cháu?

- Dạ, - rồi tôi khoe với Bác – mới vừa qua, đi dự Đại hội liên hoan điện ảnh quốc tế ở Mátxcơva, cháu đã được đặt chân đến cung điện lịch sử này.

Bác gật đầu hỏi:

- Thế cháu có thích không?

- Dạ thích. – Rồi tôi lại nói luôn với Bác cái cảm giác ngỡ ngàng, có phần tự ti của một người mới ta nước ngoài lần đầu, đứng trước đám đông của gần năm mươi nước đến dự lễ khai mạc Đại hội. Quả tình là đối với tôi lúc đó cái gì cũng mới lạ, bỡ ngỡ, những công trình kiến trúc đồ sộ, những cảnh bài trí choáng lộn, những cảnh ăn mặc đủ màu sắc mới lạ… Lúc ấy trên màn ảnh cũng hiện ra quang cảnh Đại hội, có cả tôi trong đó. Bác hỏi:

- Họ sang hả cháu?

- Dạ thưa Bác, họ sang và diện lắm Bác ạ. Còn mình thì chẳng có gì, hôm khai mạc Đại hội, người đông mà họ mặc sang trọng quá, cháu cứ thấy ngường ngượng thế nào ấy…

Bác trả lời tôi và mắt vẫn không rời màn ảnh:

- Sao lại ngượng? Chúng ta còn nghèo nhưng dân tộc ta rất đáng tự hào, phải không cháu?

- Dạ! – Tôi lúng túng và thấy mặt nóng bừng lên.

Cho mãi đến sau này, mỗi lần nghĩ lại, tôi vẫn thấy ân hận không hiểu tại sao lúc ấy mình lại nói với Bác điều ấy. Đành rằng tôi chỉ thú nhận một tâm trạng có thật, những cái đó đối với tôi cũng chỉ thoáng qua, tại sao lại để Bác bận tâm vì một câu chuyện như thế? Khi ra về, thấy nét mặt Bác vẫn rất vui, tôi mới hơi yên lòng, nhưng tôi không thể tha thứ cho mình sự thiếu sót trên. Tôi đặt quyết tâm phải luôn luôn đinh ninh nhớ lời Bác dạy, học tập lối sống giản dị và đạo đức cách mạng lớn lao của Bác.

Trà Giang
(Theo: Người là Hồ Chí Minh)

Trích “Những chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trang 53 - 61. Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ bạn đọc tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp: Phòng đọc tại chỗ: KEVV16.1784; Phòng mượn: MEVV16.4856 - 4857.

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.