Đầu năm 1960, tôi đến thăm gia đình đồng chí Nguyễn Lương Bằng ở phố Thuyền Quang, Hà Nội. Đã chiều tối, tôi đang ở trong nhà chợt nghe ngoài hành lang các cháu reo lên "Bác Hồ". Hồi hộp và lúng túng tôi vội đứng nép vào sau cánh cửa.
Bước chân vào nhà, Bác kéo cánh cửa ra và hỏi:
- Ai trốn trong này?
- Dạ thưa, cháu ạ.
Bác chỉ vào tôi nói:
- Trông cô này Bác gặp ở đâu mà quen lắm.
- Thưa Bác, ở Đại hội Phụ nữ trên Việt Bắc năm 1950 ạ.
Bác gật đầu rồi vào phòng khách...
Tôi định xin phép ra về, nhưng chị Bằng gọi tôi:
- Bác bảo cô ra, Bác hỏi chuyện.
Tôi bước ra:
- Cháu chào Bác ạ.
Bác bảo tôi ngồi xuống ghế cạnh Bác và hỏi:
- Cô công tác ở đâu?
Tôi chưa kịp trả lời vì còn cảm động quá, anh Cả đỡ lời cho:
- Cô ấy công tác ở Cục Quân y.
- Cấp gì rồi?
- Dạ, thiếu úy.
- Thế bao giờ cô "đủ úy"?- Bác hỏi tôi.
- Dạ thưa Bác, cháu xin phấn đấu... cố gắng ạ...
Anh Cả thưa với Bác là tôi quê ở Huế. Bác nói:
- Hồi còn nhỏ, Bác có ở Huế. Cô ở Huế có biết ca Huế không?
- Thưa Bác có, nhưng cháu ca không hay ạ.
Tôi đứng dậy vòng ra phía sau lưng Bác, cất giọng hò mái nhì mấy câu thơ: "Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế, gió qua rừng Đèo Khế gió sang...". Sau đó tôi ca bài "Nước non ngàn dặm" theo điệu Nam Bình. Bác ngồi lặng im hồi lâu.
(Nguyễn Thị Thuần Hoa kể)
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)