Năm 1956, tại nhà hát Thành phố Hà Nội, đoàn chúng tôi biểu diễn, có Bác Hồ, Bác Tôn dự. Sau khi anh Trần Bảng đọc diễn văn khai mạc, chị Lệ Thi diễn trích đoạn tuồng "Chị Ngộ", còn tôi độc tấu bài chòi "Bế Văn Đàn" - bài "tủ" của tôi biểu diễn trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Gần kết bài có đoạn:
"Bốn bên bom đạn súng nổ vang
Nghĩ thân giá súng anh Đàn thương thay
Đạn trúng vào bụng, ngực, chân, tay
Nhưng Đàn giữ vững không lay chút nào..."
Đoạn này tôi diễn khá thuần thục, sinh động, kết thúc bài hát tôi cúi chào. Tiếng vỗ tay vang lên. Bỗng Bác vẫy gọi:
- Này chú Kiểm, chòi khu Năm!
Tôi bước nhanh tới gần Bác, Bác âu yếm nói:
- Tại sao đoạn chiến đấu quyết liệt ấy mà Đàn lắc người nhiều thế? Tôi tự tin trả lời:
- Thưa Bác, cháu tả anh Đàn tránh đạn giặc ạ!
Bác cười rất vui và nói:
- Đã tránh sao hy sinh? Tránh như vậy hóa ra tránh dở!
Bác nói giọng khẳng định:
- Lúc đó Bế Văn Đàn quyết tử. Đúng không?
- Thưa Bác, đúng ạ!
- Vì Đàn nguyện lấy thân mình làm giá súng để thu hút hỏa lực địch, mở đường cho đồng đội tiến công! Đúng không?
- Thưa Bác đúng ạ! - Tôi thấm thìa, dạ lia lịa...
Bác nói tiếp:
- Vậy thì đừng tránh nữa nhé! "Đàn giữ vững không lay chút nào" kia mà!
Tôi trả lời:
- Thưa Bác, cháu hiểu ạ!
(Theo Nguyễn Kiểm)
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)