Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcHọc tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhNhững mẩu chuyện về Hồ Chí Minh: "Biết dựa vào quần chúng là tốt"

Những mẩu chuyện về Hồ Chí Minh: "Biết dựa vào quần chúng là tốt"

Cập nhật ngày 25/08/2017
Nội dung mẩu chuyện

Tôi tham gia hoạt động cách mạng năm 1938 khi đang còn là cô giáo tiểu học và được kết nạp Đảng giữa năm 1939. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, tôi đã có vinh dự được gặp Bác, được bác trực tiếp dạy dỗ, chỉ bảo ân cần. Đó là niềm vui, niềm tự hào to lớn và là những kỷ niệm không bao giờ phai trong tôi…

Tháng Mười năm 1945, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Cứu quốc Thành Hoàng Diệu được thành lập. Bác Hồ bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn sắp xếp thời giờ, mỗi tối dành một vài tiếng giảng dạy chính trị cho sáu, bảy cán bộ của Bắc Bộ và Thành ủy, trong đó chỉ có tôi là nữ.

Trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6 tháng Giêng năm 1946, phụ nữ Hà Nội đã có hoạt động cổ động tích cực như có xe ô tô kết hoa lá và nữ đoàn viên mặc áo dài đi xe đạp hai bên. Tết năm 1946, phụ nữ Hà Nội chủ trương quyên góp quà để tặng cho trẻ em mồ côi Cô nhi viện, các anh giải phóng quân ở chiến khu về nằm điều trị tại các nhà thương. Chị em ở các khu mượn xe bò, kết hoa lá, kéo xe quyên góp được nhiều bánh trái, mứt kẹo đổ đầy một gian nhà ở trường Hàm Long (nay là trường Ngô Sĩ Liên) là nơi phụ nữ Cứu quốc Hà Nội đóng trụ sở lúc đó.

Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị đại biểu phụ nữ các khu, các tỉnh toàn Bắc Bộ do đồng chí Nguyễn Lương Bằng chủ trì. Tôi được phân công chịu trách nhiệm làm đề án. Mỗi tỉnh có một vài chị về họp, hội nghị diễn ra trong ba ngày ở trụ sở Phụ nữ Cứu quốc Hà Nội. Mọi việc ăn uống do chị em buôn bán ở chợ Hôm đảm nhiệm. Tiếp đó, tôi được dự Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng mở rộng họp ở ngoại thành và được báo cáo về phong trào của phụ nữ ở hội nghị. Khi nghe về các hoạt động của chị em trong việc cổ động Tổng tuyển cử và quyên góp bánh trái dịp Tết nguyên đán thì được Bác nhận xét: “Các cô làm biết dựa và quần chúng thu được kết quả như thế là tốt”.

Khi Bác đi Pháp về, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc Hà Nội huy động chị em các tầng lớp đi đón Bác. Vào dịp kỷ niệm ngày 8 tháng Ba năm 1946, sau một thời gian làm việc quá sức, tôi bị thổ huyết. Khi biết tin tôi ốm, Bác giao cho chị Thanh tìm nhau bà đẻ xào lên, mang đến cho tôi. Tôi ăn được năm, sáu lần, nhờ đó sức khỏe hồi phục…

Thời gian này, phong trào phụ nữ Việt Nam chưa có điều kiện thống nhất. Đồng chí Phạm Văn Đồng sang thăm Pháp về cho biết ở Pháp có Hội Liên hiệp Phụ nữ Pháp và Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế cũng vừa mới thành lập do bà Ơ–Giê–ni–cốt–tông là Chủ tịch, có trụ sở tại Pari, Thủ đô nước Pháp… Bác Hồ đã chỉ thị cho đồng chí Phạm Văn Đồng gặp tôi truyền đạt ý kiến của Bác và đề nghị xúc tiến việc thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tôi đã viết đơn lấy tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xin gia nhập Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế, gửi đồng chí Phạm Văn Đồng đưa lên Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế khi đồng chí đi họp ở Phông-ten-nơ-bô-lô (1946). Giữa năm 1947 bà Ơ-giê-ni-cốt-tông là Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế đã có văn bản công nhận phụ nữ Việt Nam là một thành viên của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế.

Sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tôi lên Việt Bắc hoạt động. Tham gia trong Ban Liên khu ủy khu I, là trưởng ban dân vận, trực tiếp làm trưởng ban phụ vận của Liên khu. Một lần tôi đi dự họp ở Trung ương cùng với các chị Hà Giang, Hoàng Ngân… Sau cuộc họp chúng tôi được Bác mời đến ăn cơm với Bác.

Tháng Bảy năm 1949, chị Hoàng Ngân mất, tôi được Trung ương Đảng điều về thay chị Hoàng Ngân làm Bí thư Đảng điều về thay chị Hoàng Ngân làm Bí thư Đảng Đoàn Phụ nữ Trung ương. Tôi nhận lệnh về cơ quan phụ vận Trung ương và gấp rút bước vào chuẩn bị cho Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ I. Chị Hà Quế được điều về phụ trách toàn bộ công tác tổ chức của Đại hội. Phụ nữ tiếp quản toàn khu vực cơ sở mà Tổng công đoàn mới tiến hành đại hội xong.

Đối với Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ I, Bác hết sức quan tâm. Bác đã trực tiếp góp ý kiến cho Báo cáo chính trị của Đại hội do chị Hà Giang và tôi soạn thảo. Bác sắp xếp thời gian dự với Đại hội hai ngày, nắm tình hình chung của Đại hội, theo dõi phát biểu của các đại biểu và góp ý kiến xây dựng.

Khi Trung ương Đảng có chủ trương giảm tô, tôi đã tham gia 3 đợt. Đến đợt thứ 4 (1954) tôi làm đội trưởng một đội có gần 40 anh chị em, trong đó có chị Tạ Chinh – y sĩ, chị Trâm – y tá. Do làm việc quá sức, đang đêm ở nhà dân thì tôi lên cơn ho thổ huyết. Chị Chinh can không cho tôi làm việc tiếp. Trước khi trở về, tôi phải nằm để phổ biến lại toàn bộ kế hoạch đợt 4 cho hai đồng chí đội phó, nhờ hai đồng chí thay tôi triển khai bước một ngay ra xã. Khi chị Chinh thưa chuyện này với Bác, Bác nói: “Thôi chết, cô Trà bị lần này là lần thứ hai đấy!”. Tôi rất ngạc nhiên hỏi chị Chinh: “Ai bảo mà Bác biết mình bị thổ huyết lần này là lần thứ hai? Bác nhớ lâu thế?”…

Nhiều lần đi công tác Bác đều kết hợp ghé thăm Cơ quan Phụ vận Trung ương. Dạo ấy Bác gầy, thường mặc quần áo nâu hoặc màu lá cây, đội mũ lá, dùng khăn che bộ râu. Tôi nhớ có một lần, khi chị em sang Văn phòng Trung ương Đảng xem văn công thì Bác đến thăm cơ quan, một cô chạy sang gọi, tôi về ngay. Hôm đó Bác ở lại ăn cơm và nghỉ tại Cơ quan Phụ vận.

Lúc đó Hội Phụ nữ đã mở được ba khóa đào tạo các cô mẫu giáo (mỗi khóa 3 tháng). Nhưng để các cô ra làm việc được hợp pháp, tôi đề nghị Bộ Giáo dục cấp bằng tốt nghiệp cho số chị em ra trường. Từ khóa thứ tư trở đi công tác đào tạo do Bộ Giáo dục phụ trách. Chương trình mẫu giáo được đưa vào hệ thống của chương trình giáo dục, và Bộ Giáo dục đã thành lập Phòng mẫu giáo rồi tiến lên Vụ Mẫu giáo.

Đảng Đoàn Phụ nữ Trung ương nghiên cứu luật Hôn nhân và Gia đình của các nước xã hội chủ nghĩa rồi đề nghị Nhà nước ra luật này để bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em. Nắm được kinh nghiệm của nước bạn, Đảng Đoàn Phụ nữ Trung ương cho rằng Hội Phụ nữ là người đại diện cho quyền lợi của phụ nữ, biết sự thiệt thòi đau khổ của chị em trong vấn đề hôn nhân gia đình do ảnh hưởng nhiều tàn dư phong kiến tư sản nên đề nghị được tham gia cùng ngành Toàn án, Tư pháp nghiên cứu thảo ra Luật Hôn nhân và Gia đình. Ban trù bị dự thảo luật được thành lập và tôi là đại diện cho Hội Phụ nữ làm trưởng ban. Để trưng cầu ý dân, ban trù bị dự thảo luật tổ chức một đoàn gồm ba nhóm đi thực tế ở Hà Nội, Nghệ An, Hải Dương. Tôi là thường trực của đoàn chỉ đạo trưng cầu dân ý đồng thời phụ trách nhóm về Hà Nội.

Kết hợp nghiên cứu lý luận với nghiên cứu tình hình thực tiễn vấn đề hôn nhân gia đình ở Việt Nam, Bộ Tư pháp thảo ra bản dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình đầu tiên. Suốt thời gian xây dựng Luật Hôn nhân và Gia đình, Bác đã theo dõi, góp ý nhiều trong việc chỉ đạo làm luật và đến ngày 1 tháng Mười năm 1960 Bác ký sắc lệnh ban hành Luật Hôn nhân và Gia đình.

Tháng Bảy năm 1961, sau khi đi học trường Nguyễn Ái Quốc về tôi được nhận công tác mới: Phó Chủ tịch Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng, đồng chí Nguyễn Khánh Toàn là Chủ tịch danh dự, đồng chí Hồ Trúc là Thường trực ủy ban. Nghiên cứu chức năng nhiệm vụ của Ban, nghiên cứu các văn bản nhất là chỉ thị 197 về công tác chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng, tôi thấy Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Bộ Giáo dục phải là nòng cốt trong công tác này. Về các tỉnh, tôi đặt vấn đề cần thiết phải lập Ủy ban Thiếu niên nhi đồng và vấn đề biên chế của tổ chức đó và đều được các tỉnh ủy chấp nhận. Một trong công việc tôi thường nhắc nhở địa phương là Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng các cấp cũng cần phải nhập tâm 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi.

Bác đã khen thiếu nhi có nhiều hành động tốt như cõng bạn bị liệt đi học, cứu bạn khỏi chết đuối… Để động viên các cháu, Bác bảo tôi: “Bác khen các cháu có thể chủ quan, kiêu… nên trong 5 điều: từ điều 1 đến điều 4 mỗi điều đều có 6 chữ, Bác muốn thêm vào điều 5 (thật thà dũng cảm) thành Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

Bác Hồ vô cùng bận rộn nhưng Bác luôn theo dõi, động viên phong trào các cháu thiếu nhi. Bác đã nghe chúng tôi báo cáo về phong trào và đã khen thưởng các cháu có thành tích. Nhiều lần vào dịp tết Thiếu nhi mùng 1 tháng Sáu, Bác đã đến Câu lạc bộ Thiếu nhi vui với các cháu. Đặc biệt việc Bác cho phép các anh chị em phụ trách tổ chức cho 10 vạn thiếu nhi Hà Nội vào vui chơi, mở triển lãm trong khu Phủ Chủ tịch một tuần nhân dịp mùng 1 tháng Sáu năm 1963 đã biểu lộ lòng thương yêu và quan tâm sâu sắc của Bác đối với các cháu thiếu nhi.

Ngày 27 tháng Năm năm 1969, đồng chí Vũ Kỳ gọi tôi vào báo cáo công tác thiếu nhi cho Bác. Tôi hỏi anh Kỳ: “Bác có được khỏe không?”. Anh Kỳ trả lời vui: “Bác ăn còn khỏe hơn chị đó”. Tôi chờ dưới nhà sàn chưa lâu thì thấy một đồng chí dìu Bác đến. Dáng Bác gầy và mệt, Bác ngồi xuống bên cạnh và nghe tôi báo cáo. Bác gọi anh Kỳ: “Chú Kỳ, cô Trà đang khoe về thiếu nhi của cô ấy!”. Tay Bác cầm một tờ báo, Bác giơ ra hỏi tôi: “Cô đã đọc bài báo nói về thiếu nhi trong này chưa?” Tôi lúng túng chưa trả lời thì vừa lúc còi hú báo động. Đồng chí bảo vệ dẫn Bác xuống hầm trú ẩn. Tôi nhanh ý cầm lấy tờ báo đọc bài nói về việc làm tốt của một thiếu niên. Hết báo động, Bác lên lại hỏi tiếp: “Thế cô đọc bài báo này chưa?”. Bác vừa nói vừa chỉ tờ báo đặt trên bàn.

- Thưa Bác, cháu đọc rồi ạ!

Bác bảo: “Cô mới đọc chứ gì?” và Bác nói tiếp: “Dạo này Bác trông cô khỏe hơn trước đấy!”

- Thưa Bác dạo này cháu khỏe ạ! Cháu bơi được 400m, nghỉ rồi lại bơi tiếp… Bác nói vui: “Bác bơi được 1000 mét kia!”. Từ nãy đến giờ tôi băn khoăn, nay mới thưa: “Bác làm sao cho khỏe lên, thấy Bác gầy cháy lo lắm!”. Bác trả lời: “Bác vẫn khỏe đấy chứ!”.

Việc Bác quan tâm đến những hành động tốt của thiếu nhi đã nhắc nhở nhiệm vụ của Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng do tôi phụ trách. Những cán bộ phụ trách thiếu niên nhi đồng phải chú trọng những gương tốt, bồi dưỡng và nhân lên để mỗi một ngày xã hội ta sinh sôi thêm nhiều những công dân tương lai tốt đẹp. Lần này được và gặp Bác lại gần đến kỷ niệm Thiếu nhi Quốc tế, tôi mạnh dạn thưa với Bác: “Nhân sắp đến ngày 1 tháng Sáu, Bác viết một bài nhắc nhở các cấp ủy Đảng, các ngành và các gia đình coi trọng hơn nữa việc chăm sóc giáo dục các cháu thiếu nhiên nhi đồng”. Bác hỏi: “Sao cô không viết mà lại bảo Bác viết?”. Tôi trả lời: “Bác viết thì mọi người mới làm chứ cháu viết thì ai làm!”. Bác nói nhỏ nhẹ như dỗ dành: “Thôi thì cô về viết đi, ngày 29 tháng Năm đưa vào thông qua”. Tôi mừng rỡ về nói lại với các đồng chí trong Thường trực Ủy ban và viết vội một văn bản với nội dung như các đồng chí đã bàn rồi đưa ra tập thể Thường trực thông qua.

Ngày 29 tháng Năm tôi lại vào chỗ Bác. Lúc tôi thưa với Bác đã có bản thảo thì Bác hỏi: “Cô đọc đi, có ý kiến của phu quân chưa?” (lúc này chồng tôi là Bí thư Đảng Đoàn Bộ Giáo dục). Tôi vội thưa: “Văn bản này của Ban Thường trực Thiếu niên Nhi đồng Trung ương viết”. Bác cho ý kiến: “Vậy ta bình luận bài này”. Bác cầm cây chì đỏ, vừa đọc vừa có ý kiến cùng chữa với tôi. Có câu Bác đọc lên, định chữa ra sao thì lại hỏi tôi. Trong đó có những câu Bác muốn chữa nhưng tôi không đồng ý và nói rõ lý do thì Bác vẫn để nguyên. Đến chỗ nào cần chữa Bác hỏi: “Cô có đồng ý không?”. Cách làm việc của Bác rất dân chủ, tôi đặc biệt ấn tượng và ghi nhớ những ý kiến rất chí tình chí lý của Bác. Ví như đoạn: “Phải tích cực giáo dục trẻ em hư” thì Bác bảo “Nên nói cần tích cực giáo dục các em chưa ngoan, đừng dùng câu trẻ em hư. Nếu bảo nó hư rồi thì nó cứ hư. Khi nói gia đình thì chung quá, nên nói rõ: ông, bà, cha, mẹ, anh chị trong gia đình…”.

Bài viết của Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng Trung ương sau khi được Bác góp ý đã đánh máy gửi cho các báo, các ngành và được ra báo vào ngày mùng 1 tháng Sáu năm 1969, ký tên T.L với đầu đề “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc giáo dục thiếu niên nhi đồng”.

Trước khi ra về, tôi băn khoăn thưa với Bác: “Bác làm sao giữ gìn sức khỏe. Gặp Bác, thấy Bác yếu, cháu về nói với nhà cháu, chúng cháu lo không ngủ được”. Với cử chỉ thân mật Bác dặn tôi: “Bí mật nhé, đừng nói chuyện với ai Bác yếu nhé!”.

Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng Trung ương tổ chức tổng kết cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi vào ngày 26 tháng Tám năm 1969 ở Nhà hát lớn và mời Bác và các đồng chí Trung ương đến dự. Khi chỉ thấy đồng chí Trường Chinh mà không thấy Bác, tôi linh cảm một điều gì và rất lo lắng bồn chồn. Ngày 27 tháng Tám, tôi đi công tác Vĩnh Linh, khi trở ra thì Bác mất rồi…

Tôi và các cán bộ Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng các cấp thường nhắc nhở nhau về tình cảm vô cùng yêu thương thiếu nhi của Bác: “Bài báo cuối cùng trong đời Bác là viết cho thiếu nhi. Hình ảnh cuối cùng trong đời Bác cũng là hình ảnh của Bác vui với thiếu nhi. Làm theo lời Bác, mỗi người phụ trách thiếu niên nhi đồng chúng ta luôn luôn phải chăm lo cho thế hệ măng non của đất nước”.

Lê Thu Trà kể
Thúy Liễu ghi
(Theo: Bác Hồ trong trái tim phụ nữ Việt Nam)

Trích “Những chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trang 62 - 72. Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ bạn đọc tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp: Phòng đọc tại chỗ: KEVV16.1784; Phòng mượn: MEVV16.4856 - 4857.

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.