Sáng ngày 24 tháng 9 năm 1968, có tin từ Phủ Chủ tịch đưa đến nhà khách của Tổng cục Chính trị: Bác bảo mấy cháu dân quân gái ở Quảng Bình, Vĩnh Linh đến gặp Bác.
Các cháu đó là anh hùng Trương Thị Khuê, chị Trần Thị Bưởi (Vĩnh Linh) và Nguyễn Thị Xuân (Quảng Bình). Niềm vui đến thật đột ngột. Các chị tíu tít chuẩn bị vào Phủ Chủ tịch.
Đến nơi, các chị thấy Bác ngồi bên chiếc bàn tròn, đang chăm chú đọc báo. Ba chị em đứng xếp hàng trước thềm. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, vào nói với Bác:
- Thưa Bác, ba cháu dân quân khu Bốn được Bác cho vào đã đến.
Bác ngẩng lên. Ba chị đứng nghiêm giơ tay lên vành mũ chào Bác. Bác cười rất vui, chỉ tay mời mọi người ngồi quanh chiếc bàn đã bày sẵn một đĩa kẹo và một đĩa bánh. Bác đội chiếc mũ vải, kiểu mũ của những cụ già, mặc bộ quần áo màu gụ, chân đi dôi dép cao su quai to, da dẻ hồng hào. Ba chị yên lặng kính cẩn ngắm Bác. Đồng chí Vũ Kỳ giới thiệu tên tuổi, quê quán, thành tích của ba chị. Nghe xong, Bác cười, nói:
- Các cháu ăn kẹo, ăn bánh đi!
Ba chị ăn hết chiếc bánh thứ nhất, Bác lại đưa cho mỗi người một chiếc nữa rồi nhìn chị Khuê:
- Vĩnh Linh quê cháu có bị B.52 đánh nhiều không?
Khuê xốn xang cả người khi nghe Bác hỏi đến vùng quê nhỏ hẹp của mình. Chị cảm động thưa:
- Thưa Bác, máy bay B.52 của địch đánh vô xã cháu năm lần rồi, còn bom tọa độ, pháo bờ Nam và tàu biển của chúng bắn vào thì nhiều lắm ạ.
Một nét buồn thoáng hiện trên đôi mắt hiền từ của Bác, Bác hỏi tiếp:
- Địch đánh như thế, bà con ta ăn ở ra sao?
- Thưa Bác, bà con ta vẫn có cách ạ. Ăn ở đều dưới hầm, đi lại từ nhà này sang nhà khác, xóm này sang xóm khác thì đã có hào giao thông ạ.
- Ăn ở dưới hầm, sức khỏe bà con ta có đảm bảo không?
- Dạ thưa Bác, hầm ngủ cũng rộng rãi mát mẻ, tối vẫn mắc được màn. Ngoài hầm ngủ ra còn có hầm làm bếp, hầm trâu bò, hầm hội họp... Thỉnh thoảng lại được xem văn công hoặc chiếu bóng ạ.
- Thế có sản xuất được không? Bà con ăn có no không?
- Thưa Bác, sản xuất được ạ. Bà con làm cả hầm tránh phi pháo ngoài đồng... Bình quân một đầu người ăn 16 ki-lô-gam thóc một tháng. Còn sắn, khoai, muốn ăn lúc nào cũng sẵn ạ.
Bác cười vui vẻ. Chòm râu Bác rung rung, ánh mắt lấp lánh:
- Thế là tốt. Bà con ta ăn no, đánh Mỹ giỏi là tốt.
Rồi Bác hỏi chị Xuân về tình hình chiến đấu và sản xuất của bà con Quảng Bình.
Chuyện trò với ba cháu xong, Bác bảo lấy giấy gói cho mỗi người một phần kẹo mang về làm quà cho anh chị em ở nhà.
Bác lại hỏi các chị:
- Ra Hà Nội, các cháu đã đi xem những đâu, nhớ được những tên phố nào kể cho Bác nghe với.
Ba chị thành thực thưa với Bác:
- Thưa Bác, chúng cháu chưa đi đâu cả ạ.
Bác cười:
- Để Bác bảo các chú bên Tổng cục Chính trị đưa các cháu đi thăm phố xá, sau này về còn kể cho bà con ở nhà nghe chứ.
Nắng đã dịu, trời đẹp. Bác đứng dậy sửa lại cổ áo, dẫn ba cháu đi chụp ảnh. Khi người cầm máy đang loay hoay chọn chỗ chụp, Bác hỏi:
- Cháu nào muốn đứng gần Bác?
Các chị cùng nói:
- Cháu ạ!
Bác cười độ lượng:
- Vậy cho mỗi cháu đứng gần Bác một lượt.
Chụp ảnh xong, Bác dẫn ba chị tới trước một bồn hoa phong lan đang nở rộ trước nhà. Bác ngắt cho mỗi người một chùm rồi ân cần nói:
- Các cháu về Quảng Bình, Vĩnh Linh cho Bác gửi lời thăm bà con trong đó. Bác chúc bà con chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi. Riêng ba cháu cũng phải chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi và học tập cũng giỏi!
Hai ngày sau, ba chị được đi xem những phong cảnh đẹp của thủ đô. Vừa về đến nhà khách, lại được tin Bác gọi vào Phủ Chủ tịch cho xem văn công. Ba chị em đến hội trường được một lúc thì Bác đến. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trung tướng Song Hào và thiếu tướng Lê Hiến Mai cũng đến xem. Bác cho ba chị em tới ngồi bên Bác rồi giới thiệu với các cô các chú ở hội trường. Bác nhớ rất tỉ mỉ, ai quê ở đâu, bao nhiêu tuổi, học hành ra sao, chiến đấu thế nào... mặc dù hôm trước đây Bác chỉ nghe đồng chí Vũ Kỳ giới thiệu một lượt. Đặc biệt Bác lại đặt cả thơ giới thiệu thành tích chiến đấu của anh hùng Trương Thị Khuê.
Xem văn công biểu diễn xong, ba chị em theo Bác ra cửa. Đến bậc thứ tư, Bác quay lại:
- Các cháu muốn nói gì với Bác nữa không?
Nghe Bác nói thế, cả ba chị đều đứng sững, nước mắt rưng rưng vì quá xúc động trước tấm lòng của Bác. Lát sau, chị Khuê mới mạnh dạn thưa:
- Dạ thưa Bác!... Xin phép Bác cho chúng cháu được hôn Bác ạ.
Được Bác cho phép, ba chị lần lượt kính cẩn hôn lên má Bác.
(Theo: Bác Hồ kính yêu)
Trích “Những chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trang 77 - 81. Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ bạn đọc tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp: Phòng đọc tại chỗ: KEVV16.1784; Phòng mượn: MEVV16. 4856-4857.