Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcHọc tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhNhững mẩu chuyện về Hồ Chí Minh: "Các cô cứ cố gắng, đã có Đảng giúp"

Những mẩu chuyện về Hồ Chí Minh: "Các cô cứ cố gắng, đã có Đảng giúp"

Cập nhật ngày 30/08/2017
Nội dung mẩu chuyện

Năm 1982, tôi tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Năm 1930, tôi dự lễ tuyên bố thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương tại một gian nhà nhỏ phía sau đường lên ga Vinh. Tôi có nghe nói đến việc thống nhất được ba nhóm cộng sản nhưng chỉ biết có sự chủ trì của “đồng chí xuất dương” chứ chưa biết rõ tên họ đồng chí đó. Ngày 1-5-1930, chúng tôi được nghe lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đó, cái tên Nguyễn Ái Quốc là nguồn động viên phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trước sự tra tấn dã man của mật thám Pháp, và trong những nhà tù của bọn đế quốc, phong kiến. Cái tên Nguyễn Ái Quốc đem đến cho tôi lòng tin tưởng chắc chắn vào thắng lợi cuối cùng. Cách mạng tháng Tám thành công, tôi nóng lòng mong mỏi được thấy Bác. Tôi định làm theo kế hoạch của chị Lê Thị Quế, đánh liều mua ít cam ra tận Hà Nội, xin vào thăm Bác. Tôi lại định chở gạo chống đói ra Bắc nộp, may ra được gặp Bác chăng. Ai cũng cười, tôi chẳng dám đi. Cho đến ngày Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất (tháng 4 – 1950), sau hai mươi năm mong mỏi tôi mới được thực hiện điều mong ước nói trên. Đại biểu chẳng ai bảo ai, nhưng mọi người đều tin chắc rằng thế nào Bác Hồ cũng đến thăm Đại hội. Ai cũng biết là Bác đến kiểu du kích, nhưng ai cũng có chuẩn bị thật sẵn sàng về mọi mặt. Nhất là nếu được Bác hỏi đến thì phải thưa với Bác thật đầy đủ về phong trào phụ nữ địa phương mình.

Riêng tôi, vừa được chỉ định thay chị Hoàng Ngân làm Bí thư Đảng Đoàn phụ nữ Trung ương từ cuối năm 1949, tôi rất lo. Tôi lo công việc Đại hội chưa chu đáo, tôi cũng mừng vì sắp được gặp Bác. Tôi cố đoán xem Bác sẽ đến khi nào, Bác đi một mình hay đi cùng với những đồng chí nào. Tôi chú ý các lối vào Đại hội để Bác đến là có thể thấy ngay. Tôi hồi hộp quá, không thể ngồi yên, cứ muốn sửa cái này một tí, xếp lại cái kia cho dễ coi hơn, bàn với đồng chí này một chút, nói với đồng chí khác một điểm… Một buổi trưa nắng ấm, các đại biểu còn đang nghỉ thì Bác đến. Cả khu đại hội bật dậy. “Bác đến! Bác đến!” Mọi người vừa reo vừa chạy ra sân hội trường đón Bác, không còn ai giữ nổi “trật tự” nữa. Và tôi là người đến chậm nhất. Tôi chỉ kịp nhận ra rằng Bác đi ngựa tới, cùng đi với Bác có năm, sáu đồng chí nữa. Bác mặc áo kaki, ngoài khoác áo choàng ngắn. Bác đi từ phía cuối vào. Mọi người cứ chờ Bác, thế mà khi Bác tới thì lại sửng sốt, ngơ ngác. Bác bình dị quá. So với ảnh Bác chụp khi nhân dân ta mới giành được chính quyền, Bác có gầy đi chút ít. Nhưng Bác rất vui và nhanh nhẹn.

Bác xuống ngựa. Mọi người quây quanh Bác. Chị Điều Thị Thảo, mặc kiểu dân tộc gọn gàng, có gương mặt tươi hồng của những cô gái vừa lớn lên, đứng cạnh Bác. Bác hỏi:

- Cô ở Việt Bắc hay Tây Bắc?

- Thưa Bác, cháu là người dân tộc Thái ở khu Tây Bắc ạ.

Bác gật đầu rồi quay sang hỏi cô Nga:

- Cô là đại biểu khu nào?

- Dạ thưa Bác, cháu ở khu IV ạ!

Nghe giọng nói quê hương, Bác hỏi tiếp:

- Nghệ An hỉ?

Cô Nga thấy Bác nói trúng tiếng quê mình, mừng quá, đáp ngay:

- Dạ phải.

Bác lại hỏi:

- Huyện mô?...

Thấy cụ Triệu đứng mãi ngoài xa, không chen được với các đại biểu trẻ để đứng gần, Bác hỏi với ra:

- Cụ là đại biểu khu nào?

Giọng run run, cụ Triệu đáp:

- Thưa, khu X.

Bác hỏi tên tỉnh, cụ Triệu nói rõ:

- Thưa, Phú Thọ.

Lúc ấy có chị Hồ Thị Minh đi dự Hội nghị Phụ nữ châu Á về cùng dự đại hội với chị Hồng, chị Phương, đại biểu phụ nữ Nam Bộ mới vượt Trường Sơn ra Bắc. Bác thương các cháu gái miền Nam xa xôi, vượt núi trèo đèo, đến dự đại hội ở Việt Bắc.

Bác dự đại hội, lắng nghe các đại biểu phát biểu ý kiến. Lúc nghỉ, Bác ân cần hỏi han từng người. Bác dành hẳn một buổi giải đáp các câu hỏi của các đại biểu. Chị em thẳng thắn hỏi tất cả những điều mình chưa rõ. Bác trả lời rất sáng rõ và thân thiết.

Bác hỏi các đồng chí trong Đảng Đoàn về tình hình công tác phụ nữ, về việc chuẩn bị đại hội và cả tình hình sức khỏe, tình hình gia đình từng người. Một số chị em không khỏe lắm, Bác rất thương. Bác hỏi chị em nỗi lo lắng về công việc và cả hoàn cảnh riêng của mình, Bác nghe rất thương. Số chị em trong Đảng Đoàn lúc ấy cũng ít. Bác dạy: “Các cô cứ cố gắng, các cô chú ý giữ gìn sức khỏe, còn công tác thì có Đảng giúp”…

Tôi muốn thưa với Bác là tôi từ Quảng Trị ra Bắc, bị sốt rét liên miên, trình độ văn hóa lại kém, tôi rất lo lắng không làm tròn nhiệm vụ. Nhưng tôi không dám nói. Những lúc không họp ở hội trường, Bác đi thăm chỗ ở, chỗ cấp dưỡng, nước suối và nơi vệ sinh. Bác chỉ bảo từng li từng tí và động viên mọi người. Trong các buổi nghỉ giải lao, Bác gọi từng đoàn đại biểu ra chụp ảnh với Bác. Chị em liên khu IV đóng kịch diễn lại cảnh bà cụ nông dân nghèo khổ ở vùng bị địch chiếm, bọn lính thực dân Pháp và lính ngụy đến cướp thóc gạo và đánh đập đồng bào rất tàn nhẫn. Bác xem, ứa nước mắt. Sau này, mỗi khi tôi đi dự các cuộc họp, được gặp Bác, Bác hay bảo tôi báo cáo Bác nghe về tình hình phong trào phụ nữ. Công tác phụ nữ có rất nhiều khó khăn, nhưng sự chăm sóc của Bác động viên tôi rất nhiều.

Hồi ấy, hàng năm cứ vào vụ thu đông thì các cơ quan lại chuyển lên phía trên, ở các vùng giáp giới Tuyên Quang, Hà Giang hoặc Thái Nguyên – Bắc Cạn. Cuối năm 1950, cơ quan Hội Phụ nữ chúng tôi cũng rời đồi Hoàng Ngân (Định Hóa). Chúng tôi đi gọn nhẹ, những thứ không cần thiết thì để lại, cử chị Phái trông nom. Một hôm, Bác đi công tác qua vùng ấy. Biết là cơ quan chúng tôi đã chuyển đi nhưng Bác vẫn ghé vào thăm, thấy chị Phái một mình, Bác thương lắm. Mấy hôm sau, đến thăm chỗ cơ quan mới của chúng tôi, Bác bảo: “Các cô không nên để cô Phái ở một mình. Nên gửi các thứ còn lại cho đồng bào và đưa cô Phái về cơ quan mới hoặc về địa phương công tác”. Bác dặn đi dặn lại khi ra về: “Không nên để cô Phái một mình”. Lúc để chị Phái ở lại, chúng tôi cho rằng cơ quan ít người chỉ có thể để chị Phái ở lại, vả lại đồi Hoàng Ngân cũng gần nhà nhân dân, chị Phái ở lại đấy cũng được. Nghe Bác nói chúng tôi càng thấy Bác thương yêu cán bộ sâu sắc.

Ngày 11-2-1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng họp ở Việt Bắc. Tôi được vinh dự ở trong Đoàn Chủ tịch. Đại hội làm việc và ăn ở ngay tại địa điểm họp, hằng ngày tôi được gặp Bác. Bác điều khiển hội nghị gọn gàng, linh hoạt. Nghe đại biểu Nam Bộ, nghe đồng chí Ngô Gia Khảm phát biểu, Bác ứa nước mắt. Đến bữa ăn, Bác thường hỏi: “Các cô, các chú ăn có ngon không?”.

Thấy tôi xanh và gầy vì mới ốm khỏi, Bác bớt một ít thức ăn của Bác sẻ cho tôi, tuy Bác ngồi ăn cách chỗ tôi mấy cái bàn. Bác bảo:

- Cô ốm cần phải ăn thêm.

Tôi cảm động nghẹn ngào.

Năm 1952, đầu mùa hè, các cơ quan lục tục kéo về châu Tự do. Chúng tôi cũng rất mong được về. Chị Thanh Hương và một số chị em về trước để sắp xếp, nhưng mãi chúng tôi vẫn không có nhà ở. Bác hỏi thăm, thấy cơ quan Hội Phụ nữ chưa chuyển về được, Bác hỏi anh Hoàng Quốc Việt, anh Việt cho biết là nhân công ở căn cứ địa thiếu, chưa làm kịp nhà. Bác liền cử anh Chánh là bác sĩ chăm sóc sức khỏe của Bác xem giúp đất, tìm chỗ vừa kín, vừa thoáng. Bác lại cho anh em bộ đội bảo vệ Bác ra làm giúp nhà, đào giúp hầm. Lần đầu tiên, cơ quan Hội Phụ nữ có những cái nhà xinh xắn làm bằng tre nứa đan rất kỹ, và có hầm đào sâu ngập đầu người theo hình chữ chi. Đó là nơi chúng tôi ở cho đến khi hòa bình được lập lại. Lúc bấy giờ, chị em trong cơ quan sốt rét luôn và ăn uống rất kém. Có một lần ghé thăm, Bác hỏi: “Các cô có trồng rau không?”.

Chị em chưa có. Bác bảo đưa Bác ra thăm vườn rau.

Bác ra vườn. Quả tình là rau mọc quá lơ thơ. Bác bảo: “Bác phải cúi xuống nhìn thật kỹ mới trông thấy rau”. Chúng tôi nhìn nhau, biết rằng Bác phê bình mình làm chưa tốt. Bác bảo tiếp: “Chỗ Bác có nhiều giống rau. Bác còn thả cải xoong ở suối tốt lắm. Các cô cố gắng trồng thật nhiều rau và cố nuôi gà lấy trứng mà ăn cho khỏe”. Nghe lời Bác, chúng tôi củng cố lại ban tăng gia sản xuất. Đi qua, thấy vườn rau của chúng tôi xanh tốt, Bác vui lòng.  Năm ấy, Hội đồng Chính phủ họp khi kiểm điểm về tình hình các cơ quan tăng gia sản xuất, các đồng chí phụ trách báo cáo là công tác này tiến bộ nhiều. Bác cười bảo rằng đúng thế, vì ngay vườn rau của phụ nữ cũng tốt.

Năm 1953, Hội Liên hiệp Phụ nữ cử một đoàn đại biểu đi dự Đại hội Phụ nữ quốc tế. Chúng tôi sang cơ quan Trung ương Đảng xin ý kiến. Qua đèo Re, trời mưa, đường lầy, chúng tôi đi rất chậm. Trời đã quá trưa, chúng tôi đói bụng nhưng mệt quá đành ngồi nghỉ lại. Chợt có tiếng vó ngựa. Một chị đứng bật dậy kêu khẽ: “Đúng là Bác!”. Chúng tôi đều nhận ra đúng là Bác, mặc dù chỉ thấy có đôi mắt sáng và hiền (một cái khăn quàng cổ buộc ra sau gáy bịt kín cả miệng và cằm). Bác giơ tay ra hiệu. Chúng tôi hiểu ý, ngồi yên, chỉ nhìn theo cho đến khi ngựa Bác khuất vào rừng cây. Được trông thấy Bác, bao nhiêu mệt mỏi đều tiêu tan, chị An, chị Bảo, cô Hảo và tôi giục nhau đi tiếp. Vừa đến nơi Trung ương ở, chúng tôi đã thấy anh Trường Chinh cười và bảo:

- Thôi các chị đi rửa chân rồi đi ăn cơm kẻo đói!

Thì ra Bác về đến nhà đã tự mình gọi dây nói cho anh Trường Chinh dặn chuẩn bị cơm cho chúng tôi.

Anh Trường Chinh nói. “Bác còn bảo làm cơm ngay kẻo các cô ấy đói rồi”.

Cuối năm 1953, chị Đinh Thị Cẩn, chị Lê Thị Xuyến, các cán bộ văn phòng và ban tuyên huấn cùng những chị em giỏi chữ đi vắng hết, người thì tham gia cải cách ruộng đất, người thì đi phục vụ chiến dịch. Tết đến, tôi đành phải tự tay viết thư chúc tết Bác và các đồng chí Trung ương. Tôi cầm bút, ngồi mãi chỉ viết được mấy dòng. Ngoài Tết, Bác ra thăm cơ quan Hội Phụ nữ. Khi ra về, đã qua suối, Bác còn quay lại gọi các cô bảo: “Bác quên nhắc các cô phải bớt ra một người mà dạy cô Ái học văn hóa. Cô ấy viết còn nguệch ngoạc lắm và sai nhiều quá”. Bác nhắc lại cả một số chữ tôi viết sai. Tôi rất xúc động, tự phê bình mình ngại khó, ỷ lại vào thư ký, và từ đó tôi cố gắng học.

Tấm lòng của Bác thương yêu chăm sóc quần chúng phụ nữ, thương yêu chăm sóc cán bộ phụ nữ từng li từng tí, từ việc lớn đến việc nhỏ, không thể nào ghi được hết, nói được hết. Những điều tôi kể trên đây chỉ nói lên một phần nhỏ, một phần rất nhỏ sự quan tâm ân cần và cao cả của Bác đối với phong trào phụ nữ, đối với cơ quan lãnh đạo Trung ương cảu Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khi mới thành lập trong những ngày toàn dân gian khổ chiến đấu chống thực dân Pháp.

Hoàng Thị Ái
(Theo Những kỷ niệm sâu sắc của phụ nữ với Bác Hồ và Bác Hồ với sự tiến bộ của phụ nữ)

Trích “Những chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trang 85 - 92. Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ bạn đọc tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp: Phòng đọc tại chỗ: KEVV16.1784; Phòng mượn: MEVV16. 4856-4857.

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.