Năm 1928, khi Thầu Chín hoạt động ở Xiêm, Người đã đến nhà ông Hoe Lợi tại tỉnh Nakon Phanom. Thầu Chín đóng vai phụ việc bán thuốc bắc cho gia đình. Cụ Hoe Lợi kể chuyện: "Thầu Chín rất nhã nhặn, chăm lo công việc, được mọi người trong gia đình yêu quý".
Cụ Hoe Lợi có bốn người con. Thầu Chín bàn và xin phép đặt tên cho anh con cả Bằng Sâm tên Việt là Cách. Chị thứ hai tên là Mệnh, anh thứ ba là Thành, anh thứ tư là Công. Gia đình Bằng Sâm năm 1960 từ Thái Lan về Việt Nam sinh sống. Chị Cách còn ở bên Thái. Anh Thành hy sinh trong trận đánh Pháp ở Thakhẹt năm 1945. Anh Công hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.
Người con trai của anh Bằng Sâm, của gia đình cụ Hoe Lợi, gia đình của Cách, Mệnh, Thành, Công là Bằng Lâm năm 1944 sinh tại Phanom rồi đi học ở trường Bam RungVitthada, Padamha Raxalay ở Thái Lan. Năm 1960 về Hải Phòng, học ở trường Ngô Quyền; trường Tmng cấp Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, vào bộ đội Sư đoàn 308 rồi tiếp tục theo học và tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Bằng Lâm hiện là trung tá, họa sĩ quân đội (1994). Mẹ đồng chí Bằng Lâm khi còn sống có kể rằng:
- Năm 1945, khi đọc báo thấy ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh gia đình đều vui mừng nhận ra đó chính là ông Thầu Chín năm 1928 đã ở nhà mình.
Hàng năm vào dịp Tết, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mời một số Việt kiều ở Thái Lan trở về nước trong đó có cụ Hoe Lợi đến Phủ Chủ tịch để Người được gặp gỡ, cám ơn và chuyện trò, ôn lại chuyện cũ...
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)