Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcHọc tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhNhững mẩu chuyện về Hồ Chí Minh: "Cớ sao "Trồng Người" mà lại phải dùng đến "kế""

Những mẩu chuyện về Hồ Chí Minh: "Cớ sao "Trồng Người" mà lại phải dùng đến "kế""

Cập nhật ngày 22/11/2021
 Nội dung

         Mấy năm trước có một cô gái đang giữ trẻ được điều động tới làm việc tại thư viện xã, than phiền rằng cô đã trở thành người thất nghiệp. Thinh thoảng mới có đôi ba cụ già dắt cháu đi hóng mát ghé qua lật xem trang bìa mấy tờ họa báo, hoặc nhẩm đọc hàng tít chữ to đầu đề một vài bài báo. Cũng có khi lũ trẻ kéo tới nô đùa là chính... Người có sức lực trong làng kéo nhau ra thành phố kiếm ăn, mỗi người một nghề, chẳng ai có thì giờ quan tâm đến công việc của cô. Tôi an ủi là phải kiên trì chờ đợi, khi kinh tế phát triển, mọi người nhất định sẽ phải quan tâm đến sách. Cô gái lặng im không nói.
         Lần này trở lại thăm thư viện xã đó, một ông già về hưu thay thế vị trí cô gái nọ niềm nở đón tiếp tôi. Ông cho biết cô “thủ thư” xưa đã ra thành phố làm nghề thu gom đồng nát, giấy vụn.
         Được biết ông vốn là giáo viên, tôi tâng bốc: ngày xưa người ta coi “độc thư” (đọc sách) chính là đi học. Như thế là Cụ chưa dứt nổi cái nghiệp giáo dục đâu.
          Ông già tán đồng quan điểm của tôi khiến câu chuyện giữa chúng tôi trở nên đằm thắm. Xuất thân từ trong một gia đình khoa bảng nên thấy tôi võ vẽ nói ra đôi ba từ âm Hán Việt, ông như người ngã xuống ao vớ được cọc: Không tốn công mà tự nhiên có kẻ tìm đến để ông dốc bầu tâm sự.
           Cũng muốn tranh thủ học hỏi thêm những điều bổ ích ở ông, tôi hỏi:
           -Thưa cụ, tôi nghe có người nói câu “….vì lợi ích trăm năm trồng người” đã có từ lâu?
          Ông già bực tức nói:
          - Ai lại ăn nói vội vã như vậy? Có là có thế nào? Trái cam cũng là “trái”, trái quýt cũng là “trái”, nhưng không thể là một.
          Ông rót nước mời tôi và thong thả nói:
         - Đúng là trong sách Quản Tử có nói một câu gần như vậy, nhưng không phải vậy. Sách nói rằng: Kế một năm là kế trồng lúa, kế mười năm là kế trồng cây, kế chung thân là kế trồng người (Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc, thập niên chi kế mạc như thụ mộc, chung thân chi kế mạc như thụ nhân). Mới nghe qua tưởng như câu này gần giống với câu Cụ Hồ đã nói khi bàn về giáo dục, nhưng bản chất chúng lại rất khác nhau.
         Ông già thủ thư pha lại một ấm trà ngon cùng uống với tôi, rồi thùng thẳng giải thích:
         - Cũng cần phải xem lại: Khi Cụ Quản Trọng đã phải dùng đến “kế” để “trồng người” thì đó là vì lợi ích của ai?
         ... Cụ Hồ của chúng ta nói tới “lợi ích” là lợi ích của tất cả mọi người, trước hết là của người học.
       Ông già thủ thư nhìn tôi, cho rằng những lời ông vừa nói chưa đủ sức thuyết phục, ông chậm dãi nhấp từng ngụm trà nhỏ, rồi nói tiếp:
         - Nếu không tin lời tôi nói, bác cứ mở lại bức thư Cụ Hồ gửi cho học sinh nhân ngày khai trường ngay sau cách mạng Tháng Tám mà coi. Vị Chủ tịch nước đã phải dùng đến từ “nhờ” khi nói “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước vào đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”
         Chữ “nhờ” ấy cho thấy Cụ Hồ quan niệm sự nghiệp “trồng người” là vì lợi ích của cả dân tộc, chứ chẳng phải vì lợi ích của riêng một ai.
         Ông già thủ thư nói như hỏi chính mình:
         - Mà dễ đâu ai cũng có điều kiện để cắp sách tới trường?
        Kế nhiệm vị trí của cô gái vì mưu sinh đã phải bỏ lên thành phố lao động cực nhọc, ông già thủ thư tự hào về công việc mới của mình, nói như khoe:
        - Bác nói đúng. Làm sao tôi có thể rứt được công việc giáo dục... Giúp mọi người đọc sách (độc thư) nghĩa là giúp họ “học ngoài nhà trường”. Như thế là tôi vẫn tiếp tục nghề cũ của mình đấy!...
        Ngước nhìn những cuốn sách tuy chưa nhiều, nhưng đủ loại được xếp ngay ngắn trên giá sách, ông giáo về hưu mãn nguyện nói:
          - Cụ Hồ đã từng nói “Độc thư bất vong cứu quốc. Cứu quốc bất vong độc thư”
          Đôi mắt ông giáo già - thủ thư ánh lên tươi trẻ:
         - Thấy người làng tôi phải ly hương kiếm sống cực nhọc, tôi chẳng có gì để “cứu” họ ngoài sự hiểu biết của mình, nên tôi cảm thấy sung sướng khi được ngồi vào cái ghế mà người ta đã bỏ đi này.
(Trích "Vì lợi ích trăm năm trồng người". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KDVV12.9073,   Phòng mượn: MEVV12.1208)

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.