Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcHọc tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhNhững mẩu chuyện về Hồ Chí Minh: "... Hậu học văn"

Những mẩu chuyện về Hồ Chí Minh: "... Hậu học văn"

Cập nhật ngày 30/11/2021
 Nội dung

           Cổ nhân sống thọ lắm. “Cụ nhà tôi với cụ nhà ông là hai ông cụ”. Cụ nào cũng là cụ. Chỉ cần mở đầu bằng hai chữ “nghe nói” là có thể xếp hai ba Cụ sống cách nhau hàng ngàn năm ngồi nói chuyện với nhau một cách thoải mái.
           Nghe nói: Một hôm ông vua Phục Hy khoác trên mình một tấm da thú đi lang thang trên bờ sông Hoàng chợt nhìn thấy một con long mã rẽ nước nổi lên, trên lưng hiện lên chằng chịt nhiều vệt đứt nối. Vua cho rằng con vật đó là do trời sai bảo mang công cụ khai mở trí tuệ đến cho loài người, bèn chép lấy, ngồi xuống vạch đi vạch lại lên mặt cát. Vị vua ấy vừa nhìn những nét ngắn dài do tay mình phác họa, vừa đặt ra câu hỏi vì sao loài người lại có thể nối tiếp nhau sinh tồn. Ông bèn gạch một vạch liền đặt tên là Dương, vạch một vạch đứt ở giữa đặt tên là Âm. Từ hai ký hiệu Âm Dương ấy, đảo điên chắp nối là đã có thể thâu tóm được cả vũ trụ này. Thế là cái “Văn” đầu tiên của loài người đã ra đời.
          Lại nghe nói: Lúc vua Phục Hy đang mải mê dùng que vạch trên mặt cát thì có một con vật kỳ quái từ dưới nước nhô lên. Vua Phục Hy hốt hoảng ngã ngồi trên bãi cát, mồm há hốc sợ hãi...
            Lát sau định thần lại, nhà vua thấy “con quái vật” ấy không những không có ý định hại mình, mà còn cầm một con cá to vừa bắt được, đưa biếu tặng nhà vua để tỏ tình thân thiện. Lấy lại bình tĩnh, vua Phục Hy dụi mắt soi mói xem xét kẻ mới xuất hiện thì thấy hắn cũng có đủ mắt mũi, chân tay... như một con người. Chỉ có khác một điều là trên nước da đen bóng vì dầm dãi nắng mưa của hắn có những hình xăm chằng chịt, giống hệt như một... con quái vật.
            Vừa lúc ấy có ông Trang Tử thủng thẳng bước lại. Vua Phục Hy đem chuyện lạ ra thỉnh giáo ông Trang. Nghĩ một lát, ông Trang nói: chắc hẳn hắn làm vậy không phải để dọa nạt chúng ta đâu... mà vì kế mưu sinh hắn phải “dọa các quái vật dưới nước” đó. Lúc ấy nhà vua mới thấy kẻ hậu sinh này thật là “khả úy” (đáng nể trọng).
            Vua Phục Hy kính nể kẻ hậu sinh quê mùa này vì chữ “Văn” của ông là trời cho không, còn chữ “VĂN” mà tên ngư phủ kia có được đã phải đánh đổi bằng biết bao xương máu của đồng bào hắn.
         Vua Phục Hy bước lại, cởi tấm áo da thú đang khoác trên mình, choàng lên vai trần của kẻ ngư phủ mới từ dưới nước nhô lên đó.
           Trang Tử đứng tủm tỉm cười....
          Nhận thức được và sao chép lại cái đẹp có sẵn trong tự nhiên mới là bước đầu của tư duy văn hóa. Nhận thức và phản ánh cái bản chất của sự việc và hiện tượng một cách khái quát mới là thứ tinh hoa văn hóa. Chẳng hạn như từ cái hiện tượng có thật là lửa nóng làm cho nước bốc hơi trở thành mây (vân - văn), mây gặp lạnh tụ lại thành mưa, mưa rơi xuống, tạo ra sự sống... đã gợi ý để con người tạo ra “cái Văn” thể hiện ở quẻ “Kí tế” có cấu tạo dưới là “Hỏa” trên là “thủy” . Biểu tượng đó nói rõ sự vận động không ngừng trong cõi càn khôn. Đó là một trong những biểu trưng của cái “tốt đẹp nhất mà mọi sinh vật, trong đó có con người, không có nó không thể tồn tại được.
          Từ xa xưa, người Phương Đông với hình thức tư duy “quy nạp”“quán tưởng” muốn thâu tóm các hiện tượng đơn lẻ để hiểu vượt ra ngoài sự hạn hẹp của năm giác quan trời cho, nên đã gửi gắm vào khái niệm “Văn” rất nhiều. Nó không chỉ “cái tốt đẹp nhất” của thế giới khách quan đã được con người nhận thức, mà còn chỉ chính sự nhận thức của con người; Nó không chỉ nói đến cái đã có, đang có, mà còn nói tới cái sẽ có; Nó không chỉ nói về thế giới khách quan bên ngoài con người, mà còn nói về chính con người...
           Khác với sự nhận thức về chữ “Lễ” còn nặng tính thực dụng chủ quan cố níu kéo, dựng lại xã hội theo mô hình một xã hội không còn phù hợp nữa, sự nhận thức chữ “VĂN” có sự đóng góp của nhiều người trải dài trong lịch sử. Tuy sự nhận thức ấy vẫn còn cần bổ sung thêm, nhưng nó đã và đang đến gần chân lý hơn.
           Một tiêu chí để có thể nói khái niệm chữ “Văn” ngày một hoàn chỉnh là nó đã được nhận thức một cách “xã hội hóa” trên cơ sở lợi ích cộng đồng.
           Vì để tồn tại, người Việt từ xa xưa đã “xăm mình” lặn xuống nước bắt cá, nhờ thế mà chữ “Văn” đã hình thành. Vì để bảo vệ và phát triển cuộc sống, dân tộc Việt nước ta lại đã “xăm vào tên nước” tên tuổi của những người đã có cống hiến lớn lao cho lợi ích cộng đồng.
          Khác với thế giới sinh vật tồn tại trong quy luật cạnh tranh sinh tồn, xã hội loài người phải hợp tác với nhau, phải dựa vào nhau để tồn tại và phát triển.
          Xưa kia, nhà nghiên cứu văn hóa Lưu Hướng coi văn hóa như một phương tiện hỗ trợ, che chắn cho việc dùng vũ lực để cai trị dân. Do các hàng số văn hóa của mình, dân tộc ta, tiêu biểu là Nguyễn Trãi tự đáy lòng nói ra “Chỉ có cai trị bằng VĂN mới có thể đưa xã hội tới thái bình”.
         Năm 1468 ngay giữa lúc duyệt đội thủy chiến tập luyện ở biển Đông, Lê Thánh Tông ví quan hệ giữa người với người tựa như các bộ phận trên một cơ thể, từ đó đã đưa ra luận điểm “Tăng văn giảm võ’’ (tu văn yển vũ)
        Như cách nói “ngày đẹp nhất là ngày chưa tới”, như “ánh lửa trong đêm”chập chờn mời gọi từ phía trước, như ánh sáng mặt trời soi đường, như ngọn cờ vẫy gọi... khái niệm “Văn hóa” là “cái tốt đẹp nhất” luôn luôn còn ở phía trước.
         Quẻ Sơn Hỏa Bí là biểu trưng cái tốt đẹp hơn cần phải có.
         Cái Văn phản ánh những cái tốt đẹp nhất đã và đang có là vô cùng quan trọng, là cơ sở để ta có thể nhìn ra cái tốt đẹp hơn cần phải có.
         Trên cơ sở những cái tốt đẹp nhất đã và đang có, con người phải lao động sáng tạo hết sức mình mới có thể làm ra được những cái tốt đẹp hơn cần phải có.
           Vạn vật luôn luôn biến đổi trong vòng quay “chu hoàn” (revolucion circulaire) của vũ trụ thì những cái “văn” (cái tốt đẹp nhất) mà chúng ta đang thấy có hôm nay, buộc phải biến thành cái “văn” (cái tốt đẹp hơn) cần phải có trong tương lai.
          Sự tiến đến “Cái Văn cần phải có” ấy có biểu tượng là quẻ Sơn Hỏa Bí cấu tạo nội quái “Hỏa” ở dưới, ngoại quái Sơn ở trên.
            Sở dĩ người ta coi quẻ Sơn Hỏa Bí quá trình tiến đến “cái Văn tốt đẹp hơn cần phải có” bởi hai lý do:
           1/ Quẻ Sơn Hỏa Bí ở vị trí số 22 trong 64 quẻ của sách Kinh Dịch. Trước đó, ở vị trí số 21 là quẻ Phệ Hạp có hình tượng như một cái miệng có vật ngăn cách giữa hai hàm răng. Để hai hàm răng có thể mở ra khép lại được thì phải cắn đứt vật ngăn ở giữa chúng. Hạp tức là “hợp”. “Phệ hạp” tức là tiến tới sự gặp gỡ nhau. Muốn “hợp” hoặc “tan” được đều phải có “cách thức”.
           Mối quan hệ “tan hợp-hợp tan”của con người trong xã hội cũng tương tự như cái việc hai hàm răng mở ra khép lại: sinh ra là hợp/mất đi là tan; cưới là hợp/ly hôn là tan; khai mạc là hợp/bế mạc là tan... Muốn hợp hoặc tan được cũng phải có “cách thức”.
             Lật ngược quẻ “Phệ Hạp” (quẻ số 21), ta sẽ có quẻ “Bí” (quẻ số 22). Quẻ Bí được hiểu là “Văn” chính là vì nó biểu trưng cho sự “tan hợp - hợp tan” một cách hợp lý nhất, tốt đẹp hơn trong quan hệ giữa con người với con người.
           2/ Vạn vật luôn luôn biến đổi, cách thức ứng xử giữa người với người cũng phải biến đổi theo. Có nhiều cái trước đây là tốt hoặc đẹp, hôm nay không còn là tốt hoặc đẹp nữa.
            Xưa kia các cô gái ước mơ nằm võng điều theo chồng về quê là một giấc mơ chính đáng. Còn ngày nay dù có các thêm tiền mà “rước”, chắc chắn chẳng cô gái nào dám liều mạng nằm võng cho người ta “khiêng về quê”
             Những cô con gái có hàm răng “đen nhưng nhức như hạt na”, có nụ cười ... “như mùa thu tỏa nắng”ngày xưa đã làm bao văn nhân tài tử say đắm tìm đến, nhưng nếu ngày nay, vẫn “giữ gìn bản sắc văn hóa” như thế, chắc khó níu kéo được những bàn chân hốt hoảng chạy xa.
             Cấu tạo của quẻ “Bí” trên là núi, dưới là lửa. Lửa làm cho núi “rạng rỡ” lên. Nhưng muốn núi được rạng rỡ lại phải có lửa vừa phải, hợp lý. Lửa to quá thiêu cháy núi. Lửa nhỏ quá thành lửa ma quái.
            Cái Văn đúng nghĩa nhất (hợp lý) phải là cái Văn vì lợi ích cộng đồng. Nguyễn Văn Siêu có lẽ là người Việt Nam đầu tiên bàn về khái niệm Văn hóa, khi ông đưa ra một nhận định bất ngờ, hiếm thấy ở các vị túc nho, là: những người được sinh ra ở Trung nguyên (nơi được hiểu là có nền văn hóa lâu đời) nhưng nếu hại dân bán nước, thì cũng là “không có văn hóa”!.
             Lãnh tụ Hồ Chí Minh có một ham muốn, ham muốn tột bậc, đó là: “làm sao cho đất nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
              Đó chính là cốt lõi của văn hóa.
              Đó chính là nền tảng tinh thần nhân văn Hồ Chí Minh.
           Đôi câu đối về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh mà người dân nước ta đã nói ra:
“ VĂN lo việc nước “Văn” thành VÕ.
VÕ thấu lòng dân, “Võ” thành VĂN”.
         đã lý giải một cách sinh động và chính xác chữ “VĂN” gắn liền với cuộc sống của cộng đồng mà “Thần Siêu” nêu ra như một nguyên tắc.
(Trích "Vì lợi ích trăm năm trồng người". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KDVV12.9073,   Phòng mượn: MEVV12.1208)
 

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.