Hồi Bác Hồ ở Pác Bó, để giữ bí mật, nước sinh hoạt được đựng trong những ống dài để trong hang. Trừ những khi ốm đau, sáng nào Bác cũng đi "kỉn" nước (tiếng Tày "kỉn" là "lấy").
Ong nước làm bằng ống luồng, hoặc bương (loại tre lớn) sẵn trong rừng, đục thông các "mắt" lấy dây thừng hay mây buộc lại đầu trên và dưới, để gánh bằng đòn. Có ống không cần buộc dây, để vác thẳng lên vai.
Một sáng sớm, trời còn sương, mặt trời chưa lên tỏ, Bác và một đồng chí bảo vệ, mỗi người hai ống trên vai, ra suối "kỉn" nước. Bác đặt chân nhẹ nhàng lên các hòn đá, vục ống xuống suối lấy đầy nước, dựng vào một hòn đá, khỏa nước rửa tay chân... Đồng chí bảo vệ tuy là người miền núi, người địa phương nhưng bước đi không vững, trẽn vai lại hai ống nước nặng, đặt ống không thăng bằng, nên vấp đá, chẳng may trượt ngã.
Bác đến nâng đồng chí dậy, dạy cách đặt, cách vác ống nước, cách đi trên đá. Rồi hai bác cháu ra về.
Lên bờ, Bác nói:
- Làm việc nước nặng nề, khó khăn nên phải hết sức cẩn thận, cháu ạ.
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại. Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)