Hôm đó, vào khoảng đầu tháng 4 năm 1946, sau chuyến đi từ Bến Tre ra Hà Nội, chúng tôi được gặp Bác ở Bắc Bộ phủ.
Chúng tôi vừa lên hết các bậc thềm thì có một cụ già thoăn thoắt từ phía trong đi ra làm tôi suýt reo lên. Đúng là Bác rồi! Giống hệt như trong ảnh vậy. Tôi đứng ngây người, dán mắt nhìn Bác. Bác niềm nở bắt tay từng người. Khi chưa gặp Bác, tôi nghĩ chắc Bác nghiêm nghị lắm. Nhưng khi đến gần thì bao nỗi lo âu đều tan hết. Và càng gần Bác, tôi càng xúc động về tình yêu thương chan hòa của vị Cha già đối với các con. Năm ấy, tóc Bác chưa bạc nhiều. Khi nhìn Bác nói chuyện, tôi thấy một cái răng cửa của Bác không còn. Bác chỉ vào tôi:
- Ưu tiên cho phụ nữ nói trước. Cô nói cho Bác nghe tình hình nhân dân, bộ đội ta ở Nam Bộ bây giờ thiếu thốn những gì? Các cô, các chú muốn yêu cầu, đề nghị gì?
Tôi luống cuống đứng lên. Là con gái miệt vườn mới 26 tuổi đầu, chưa bước đi đâu xa, nay trước yêu cầu của Bác, bao nhiêu điều chuẩn bị mong gặp Bác để nói, giờ chạy đâu mất ráo.
Bác cười hỏi tôi:
- Thiếu súng lắm phải không? Các cô, các chú muốn xin bao nhiêu khẩu mang về?
Thật là kỳ diệu - Bác đã nói đúng điều quan trọng nhất, mà các đồng chí lãnh đạo ở Nam Bộ đã dặn đi, dặn lại mãi trước khi chúng tôi ra đi.
- Dạ thưa Bác, thiếu lắm.
- Thế nào Trung ương và Chính phủ cũng có súng gửi vào Nam. Nhưng nước ta còn nghèo, các cô các chú về phải đánh Pháp cho giỏi, cướp lấy súng của nó thì cái vốn đó mới nhiều.
Sau đó, Bác cho chúng tôi ăn cơm. Trong bữa ăn Bác hỏi chuyện từng người. Bác bảo tôi:
- Cô ở lại học tập một thời gian rồi về tiếp tục kháng chiến với bà con. Người cách mạng phải học suốt đời... Người không học như đi đêm không có đèn, không có gậy dễ vấp, dễ té.
Ngày 19 tháng 5 năm đó, đoàn cán bộ miền Nam được đến mừng thọ Bác. Bác nói:
- Bác không có gì đãi các cô các chú cả, vì nhân dân ta ở miền Nam còn đang chịu bao nhiêu đau khổ... Các cô, các chú về báo cáo với đồng bào miền Nam rằng lòng già Hồ, lòng đồng bào miền Bắc lúc nào cũng ở bên cạnh đồng bào miền Nam ruột thịt... Cả nước ta một lòng đánh đuổi giặc Pháp, sẽ có ngày đoàn tụ Nam Bắc một nhà.
Nói rồi, Bác khóc. Chúng tôi cũng khóc luôn.
Nguyễn Thị Định
Phó Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam
(Theo sách "Không có con đường nào khác")
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)