Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcHọc tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhNhững mẩu chuyện về Hồ Chí Minh: "Lý Tự Trọng – một trong tám thiếu niên cộng sản ngày ấy…"

Những mẩu chuyện về Hồ Chí Minh: "Lý Tự Trọng – một trong tám thiếu niên cộng sản ngày ấy…"

Cập nhật ngày 19/04/2020
Nội dung

Cuối năm 1924, từ Liên Xô, Bác Hồ về Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động “tiếp xúc với các nhà cách mạng Việt Nam”. Người xúc tiến việc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để thành lập một Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân Việt Nam. Trong việc chuẩn bị đó, Bác Hồ đã quan tâm đào tạo 8 thiếu niên đầu tiên cho cách mạng Việt Nam. Thời gian hoạt động này, Bác lấy tên Lý Thụy. “Trong số các em đó, có Lý Tự Trọng, về sau là một đoàn viên đầu tiên của Đoàn thanh niên Cộng sản nước ta, cũng là người Cộng sản đã oanh liệt đấu tranh đến hơi thở cuối cùng cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng”.​

Sự việc này có một ý nghĩa rất quan trọng, chính Bác Hồ kính yêu cũng đã nhiều lần nhắc đến.
Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ VIII của Đoàn thanh niên lao động Việt Nam (nay là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) ngày 24-3-1961, Bác Hồ nói: “Bao giờ Nam Bắc sum họp một nhà thì Bác có thể tự hào rằng mình là một trong những người sung sướng nhất thế giới, vì lý do sau đây: Từ năm 1925, ngay khi mới thành lập, Hội Thanh niên cách mạng đồng chí đã lo đặt viên đá đầu tiên để chuẩn bị cho tổ chức thanh niên sau này”.

Ngày 26-3-1966, trong buổi lễ kỷ niệm 35 ngày thành lập Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) Bác Hồ nhấn mạnh thêm: “… Khi nói đến lịch sử của Đoàn, chúng ta nên đi ngược lên đến năm 1925. Năm 1925, Hội thanh niên cách mạng đồng chí thành lập nhằm chuẩn bị điều kiện để tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay sau khi thành lập, Hội đã lo đến việc tổ chức và lãnh đạo đoàn thể riêng của thanh niên cách mạng. Hội đã chọn tám em Việt kiều ở Xiêm (nay là Thái Lan) đưa sang Quảng Châu để bồi dưỡng thành hạt nhân của Đoàn Thanh niên sau này.

… Là người theo dõi tổ chức thanh niên từ buổi đầu hiếm hoi chỉ có 8 cháu, đến nay trông thấy đã có hàng triệu đoàn viên, thanh niên, hàng triệu cháu bé nhi đồng phát triển mơn mởn như hoa nở mùa xuân. Với một thế hệ thanh niên hang hái và kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Vì vậy, Bác rất tự hào, sung sướng và thấy như mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang”.

Đối với 8 thiếu niên cách mạng đầu tiên của Việt Nam đó, Bác Hồ đã viết thư đề nghị gửi sang Liên Xô để đào tạo. Ngày 22-7-1926, từ Quảng Châu, Bác Hồ đã viết thư này gửi ủy ban Trung ương Đội thiếu niên tiền phong Lenin Liên Xô nói rõ:

“Chúng tôi có tại đây (Quảng Châu, Trung Quốc) một nhóm thiếu niên tiền phong Việt Nam. Tuổi các em từ 12 đến 15. Đó là các em Cộng sản đầu tiên của nước Việt Nam…

Khi chúng tôi nói với các em về cuộc cách mạng Nga, về Lenin và về các đồng chí, những người Leninist Nga trẻ tuổi, thì các em rất sung sướng và đòi hỏi được đến với các đồng chí, để trở thành những người Leninist trẻ tuổi chân chính”.

Kèm theo bức thư đó, cũng ngày 22-7-1926, Bác Hồ viết thư gửi đại diện Đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp tại Quốc tế thanh niên Cộng sản:

“Chúng tôi có đưa đến Quảng Châu một số thiếu niên Việt Nam. Chúng tôi muốn gửi 3 hay 4 em qua Nga để các em được tiếp nhận nền giáo dục Cộng sản chủ nghĩa. Tôi đã viết thư cho ủy ban Trung ương thiếu nhi ở Mạc Tư Khoa. Tôi nhờ đồng chí ủng hộ yêu cầu của tôi và tiến hành mọi sự giao thiệp cần thiết để được trả lời thuận lợi và nhanh chóng. Tôi chờ thư của đồng chí và gửi đến đồng chí lời chào Cộng sản anh em”.

Vậy 8 thiếu niên cách mạng đầu tiên đó là những ai?

Theo thư của bác Hoan, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, gửi ban Tuyên huấn Thành Đoàn Hải phòng năm 1971 và tài liệu khoa Lịch sử Đoàn của Trường Đoàn cao cấp năm 1983, 8 thiếu niên đó là:

1. Lý Tự Trọng, tên thật là Lê Văn Trọng

2. Lý Văn Minh, tên thật là Đinh Chương Long

3. Lý Thúc Chất, tên thật là Vương Thúc Thoại

4. Lý Anh Tợ, tên thật là Hoàng Tự

5. Lý Nam Thanh, tên thật là Nguyễn Sinh Thản

6. Lý Trí Thông, tên thật là Ngô Trí Thông

7. Lý Phương Đức, tên thật là Ngô Hậu Đức

8. Lý Phương Thuận, tên thật là Nguyễn Thị Tích

Trong 8 thiếu niên đó, người thứ 7 và thứ 8 là nữ, còn tất cả đều họ Lý vì lúc đó Bác Hồ lấy tên là Lý Thụy. Người thứ 8 là Lý Phương Thuận, tên thật là Nguyễn Thị Tích, ngày nay tên là Hoàng Lệ Minh, sinh năm 1911, quê xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ Tĩnh, là cô Ba trong vụ án Hương Cảng năm 1930 – 1931, công tác ở Bộ Nội vụ (Đã nghỉ hưu. Ngày 26-3-1986, kỷ niệm 55 năm thành lập Đoàn, cụ đến dự trại truyền thống và nói chuyện với học viên trường Đoàn cao cấp).

Chưa hết, còn có một sự kiện liên quan đến 8 thiếu niên cách mạng đầu tiên của Việt Nam này: Ngày 3-11-1986, các đài truyền hình Liên Xô chính thức dành một chương trình đặc biệt báo tin về kết quả nghiên cứu của các nhà liên khảo sử 2 nước Liên Xô và Việt Nam. Trong đó nêu rõ các nhà nghiên cứu đã tìm được tin tức về 5 trong số 11 thanh thiếu niên Việt Nam do Bác Hồ gửi thư đề nghị được sang học tại Liên Xô tháng 7 năm 1926. Chiến tranh chống phát xít Đức bùng nổ, 5 học sinh Việt Nam kể trên đã tình nguyện gia nhập Hồng quân Liên Xô và đã lần lượt hy sinh anh dung trong cuộc chiến bảo vệ Moscow.

Ngày 22-12-1986, Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô đã ra sắc lệnh về việc tặng thưởng 5 chiến sĩ quốc tế Việt Nam huân chương chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hạng nhất về lòng dũng cảm và gan dạ thể hiện trong các trận chiến đấu chống bọn phát xít Đức xâm lược.

Ngày 8-5-1987, tại Hà Nội, Hội hữu nghị Việt – Xô đã tổ chức lễ trao tặng các phần thưởng cao quý trên. Dự lễ trao tặng có đại diện Ủy ban Việt Nam đoàn kết và hữu nghị với nhân dân các nước, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh, thành phố Hồ Chí Minh, đại diện gia đình của 5 chiến sĩ đã được truy tặng huân chương, đại sứ Marcel Cachin cùng nhiều cán bộ đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam.

Dang sách 5 chiến sĩ đó là:

1. Nguyễn Sinh Thản, bí danh là Lý Nam Thanh, anh em con chú con bác với Bác Hồ.

2. Vương Thúc Thoại, bí danh Lý Thúc Chất, cháu gọi mẹ của Nguyễn Sinh Thản là cô ruột.

3. Hoàng Văn Tự, bí danh là Lý Anh Tạo, cháu bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác Hồ.

4. Vương Thúc Chính (Tình), không rõ bí danh, an hem với Vương Thúc Thoại.

5. Lý Phú San (tên thật chưa tra cứu được).

Trong danh sách 5 chiến sĩ được truy tặng huân chương ở trên có 3 người (từ số 1 đến số 3) nằm trong danh sách 8 thiếu niên cách mạng đầu tiên của Việt Nam. (Tuy tên và bí danh của người số 3 có hơi khác một chút).

(Trích từ sách Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh,

Nxb. Thanh niên, H.1999, tr,13 – 20)

Trích “Thanh niên làm theo lời Bác” trang 10 - 14. Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ bạn đọc tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp: Phòng đọc tại chỗ: KEVV18.3925; Phòng mượn: MEVV18.7400.
 

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.