Tháng 7 năm 1955, tôi được về Hà Nội dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ hai. Tuy không nói ra với các bạn, nhưng tôi đoán lần này thế nào cũng được gặp Bác, nhất định Bác sẽ đến thăm Đại hội. Tôi nghĩ lúc ấy chắc sẽ vui lắm, và nếu được gặp Bác, mình sẽ phải thưa với Bác như thế nào...
Tối hôm trước Đại hội, một đồng chí trong ban tổ chức đến cho biết: "Sáng mai Bác Hồ sẽ đến thăm Đại hội". Nghe tin này tất cả chúng tôi phấn khởi và hồi hộp lắm. Đêm hôm đó, chúng tôi không sao ngủ được, ai cũng chỉ mong cho trời mau sáng. Hội trường được trang hoàng lộng lẫy. Phía trên tấm diềm nhung đỏ là khẩu hiệu lớn với hàng chữ vàng: "Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!", phía dưới khẩu hiệu là tấm ảnh Bác Hồ cỡ to lồng khung kính...
Ngồi giữa hội trường, trong những phút chờ đợi Bác đến, tôi cố ngắm Bác kỹ hơn trong tấm ảnh lớn, có ý muốn làm cho mắt mình quen dần, lát nữa gặp Bác khỏi cảm thấy bỡ ngỡ. Các đồng chí ngồi cạnh tôi, không ai bảo ai nhưng tất cả cũng nhìn lên ảnh Bác...
Hội trường đã có mặt đông đủ. Bác đến. Đi cùng với Bác có đồng chí Nguyễn Chí Thanh và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tất cả anh em đều dồn lên phía trước, ai cũng cố tìm chỗ đứng cho thật cao để được nhìn thấy Bác rõ hơn. Thấy vậy đồng chí Nguyễn Chí Thanh đứng lên nói:
Các đồng chí! Hôm nay chúng ta rất vui sướng được Bác đến thăm, các đồng chí ngồi xuống để Bác nói chuyện...
Lúc ấy tất cả chúng tôi đều muốn chạy lên ôm chầm lấy Bác. Lòng tôi phấn khởi lâng lâng, chỉ ước gì mình được như một con chim mà bay về tận Tây Nguyên để chia sẻ cùng đồng đội và đồng bào niềm vui sướng này. Không nén được niềm vui sướng, nhiều đồng chí đã hô to:
- Hồ Chủ tịch muôn năm!
- Bác Hồ muôn năm!
Cả hội trường bỗng chốc sôi nổi và náo nhiệt hẳn lên. Bác giơ tay vẫy vẫy cho mọi người im lặng, rồi Bác đi từng hàng ghế bắt tay và thăm hỏi từng người. Đến lúc này tôi mới được nhìn rõ Bác. Bác khỏe mạnh, da dẻ hồng hào và rất vui. Bác mặc bộ quần áo ka ki đã bạc màu, chân đi đôi dép cao su mòn gót. Tôi đang say sưa ngắm Bác, thì Bác lại gần và thân mật hỏi:
- Cháu tên là gì?
- Thưa Bác, cháu là Đặng Quang Cầm.
- Cháu công tác ở đâu?
- Thưa Bác, trước cháu phụ trách con đường giao thông liên lạc Hồ Chí Minh ở Tây Nguyên, cháu mới tập kết ra Bắc.
Bác âu yếm hỏi tôi:
- Sức khỏe cháu hiện nay như thế nào, có bị sốt rét không?
Đến lúc này tim tôi đập rất mạnh, tôi phải cố gắng lắm mới trả lời Bác được từng câu rành rọt. Được đứng gần Bác, lại được Bác thăm hỏi ân cần, lúc này tôi đã trở nên mạnh dạn; bàn tay tôi nằm gọn trong lòng tay của Bác, bàn tay ấm áp của vị Cha già dân tộc, và hơi ấm ấy đã truyền cho tôi nguồn sức mạnh. Tôi cảm thấy mình như lớn lên và cứng cáp hơn nhiều. Tôi kính cẩn thưa với Bác:
- Thưa Bác, Bác có khỏe không ạ?
Bác nhìn tôi cười, nụ cười hiền hậu mà chẳng bao giờ tôi quên được, Bác nói nhỏ:
- Bác khỏe lắm!
Như sực nhớ đến lời dặn dò của anh em và đồng bào khi tôi đi tập kết, tôi thưa nhỏ với Bác:
- Thưa Bác, anh em bộ đội và đồng bào Tây Nguyên nhớ Bác lắm!...
Lúc này tôi bất giác nhớ đến tấm ảnh Bác trên những tờ giấy bạc ở Tây Nguyên. Hồi ấy trông Bác gầy, râu dài và đen, duy chỉ có đôi mắt lúc nào cũng hiền từ, nhân hậu. Bây giờ trông Bác hồng hào khỏe mạnh hơn nhiều, tuy mái tóc Bác có nhiều sợi bạc và vầng trán Người đã có nhiều nếp nhăn hơn.
Tôi ngước lên nhìn Bác, thấy trong đôi mắt Người thoáng gợn một nét buồn. Tôi hối hận về câu nói của mình. Bác kéo tôi sát vào Người và hỏi:
- Cháu học văn hóa lớp mấy rồi?
Nghe Bác hỏi, tôi bồi hồi nhớ lại cảnh nghèo khổ đi ở khi xưa, không được học hành... Tôi rưng rưng nước mắt nói thật với Bác:
- Thưa Bác, văn hóa cháu kém lắm, cháu mới biết đọc, chưa biết viết.
Bác nắm vai tôi, động viên:
- Bây giờ cháu phải đi học, cố gắng mà học. Học để sau này còn xây dựng binh chủng nữa chứ, bộ đội tiến lên chính quy hiện đại cần phải có văn hóa... - Và Bác quay sang nói với đồng chí Nguyễn Chí Thanh:
- Phải cho chú Cầm đi học, trước kia chưa học thì bây giờ phải học...
Đời tôi vinh dự được gặp Bác nhiều lần, cứ mỗi lần gặp Bác, tôi lại thấy mình trưởng thành hơn. Trong những lần gặp Bác, Bác đã dành cho tôi những tình cảm đầm ấm và những lời dạy bảo quý báu...
Anh hùng thông tin Đặng Quang Cầm
(Trích sách "Bộ đội thông tin đời nhớ Bác" năm 1970)
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)