Năm 1952, khi tôi ở trong Ban Chấp hành Phụ nữ tỉnh Quảng Trị và trong Ban Chấp hành Nông hội tỉnh, tôi được cử đi dự lớp nghiên cứu về chính sách giảm tô ở Việt Bắc. Một hôm, chúng tôi được thông báo ngắn gọn: “Các đồng chí chuẩn bị đón khách nhé!”. Thế là chúng tôi sửa sang đường đi, lối lại, quét dọn nhà sàn, sắp xếp nơi ăn chốn ở cho thật gọn.
Lần đầu tiên trong đời tôi được tận mắt nhìn thấy vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc! Tôi mừng quá. Cả đời tôi, chưa bao giờ tôi cảm thấy sung sướng như vậy.
Bác Hồ vừa tới đã giơ hai tay vẫy vẫy bảo:
- Các cô, các chú ngồi xuống, ngồi xuống.
- Rồi Bác tươi cười thăm hỏi tình hình sức khỏe, tình hình công tác của chúng tôi, và Bác nói chuyện với chúng tôi về chính sách mới của Đảng.
Bác hỏi thế nào là chính sách giảm tô? Thế nào là bần nông, cố nông. Chúng tôi trả lời, người thế này, người thế khác, người nói đúng, người nói chưa thật đúng. Bác cười hồn hậu rồi giảng giải thêm cho chúng tôi, thật là dễ hiểu. Bác còn dặn, đại ý:
Phải biết dựa vào quần chúng, và phải chú ý đến phụ nữ, không thì đấu tranh không thắng lợi đâu. Đánh lô cốt địch còn dễ hơn đấy, vì nó đứng lù lù trước mặt mình. Các cô, các chú có nhiệm vụ học cho giỏi, nắm vững chính sách, làm công tác cho tốt, giành lại quyền lợi cho giai cấp.
Có lần Bác quay sang hỏi tôi:
- Cô ở đâu, làm gì?
Vừa mừng, vừa lo, tôi khẽ thưa:
- Dạ thưa Bác, cháu ở Quảng Trị làm công tác Nông hội.
Bác nhìn tôi bằng đôi mắt dịu hiền và hỏi thêm:
- Ở Quảng Trị, phụ nữ vào Nông hội được bao nhiêu?
- Dạ thưa Bác, được một phần ba.
- Một phần ba là mấy? Không nên nói chung chung.
Chúng tôi được nói chuyện với Bác chừng 30 phút, lúc ra về, Bác còn dặn:
- Các cô, các chú làm nhiệm vụ cho tốt, sau này Bác sẽ có dịp nói chuyện thêm.
Đêm hôm đó, nằm thao thức, tôi nghĩ ngợi nhiều, mừng thì rất mừng song lại thấy thương Bác, tuổi cao mà vất vả bao nhiêu là công việc...
Năm 1961, khi đó, tôi đã công tác nhiều năm ở Khu tự trị Thái mèo (Tây Bắc). Tôi là Ủy viên Đảng ủy Khu tự trị và trong Ban chấp hành Khu hội phụ nữ. Tôi được nhận nhiệm vụ dẫn đầu một đoàn đại biểu phụ nữ Tây Bắc về dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ ba.
Các đại biểu dự Đại hội rất đông, Bác Hồ chú ý nhiều nhất đến các đoàn phụ nữ dân tộc. Giờ nghỉ, Bác gọi hai đoàn Việt Bắc và Tây Bắc đến chụp ảnh với Bác. Bác căn dặn chúng tôi: Các đại biểu phụ nữ Việt Bắc và Tây Bắc được vinh dự thay mặt phụ nữ các dân tộc miền núi về dự Đại hội, khi trở về địa phương nên cố gắng sao cho chị em miền núi tiến bộ hơn nữa, thi đua với chị em miền xuôi. Trước tiên, lo sao cho chị em đủ ăn, đủ mặc, biết cách nuôi dạy con khỏe, con ngoan... Bác còn thân mật hỏi chuyện mấy đại biểu như chị Cang, người dân tộc Thái ở Mộc Châu, chị Dí ở Tủa Chùa và một chị người Dao ở Sình Hồ.
Năm 1965, bắt đầu thời kỳ chiến tranh phá hoại của Giônxơn, tôi về công tác ở Vĩnh Linh, làm Trưởng ban kiểm tra của Đảng trong khu vực, đi dự Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra toàn quốc.
Lần này, đến thăm hội nghị, Bác mặc một bộ kaki giản dị. Trông Người vẫn khoẻ khoắn, nhanh nhẹn, tôi rất mừng. Bác huấn thị cho chúng tôi nhiều điều hết sức quý báu về công tác kiểm tra, về đạo đức, phẩm chất của người cộng sản. Bác dặn đi dặn lại, đại ý: Công tác kiểm tra có quan hệ đến sinh mệnh của từng người đảng viên. Làm công tác kiểm tra tốt thì có lợi cho Đảng, có lợi cho mỗi đồng chí của ta. Bác nhắc nhở các đại biểu nữ càng phải đi sâu kiểm tra, bảo đảm quyền lợi cho đảng viên phụ nữ. Chúng tôi ghi tạc những lời Bác dạy. Làm công tác kiểm tra không được thành kiến, phải có lượng khoan hồng, đồng thời cần cứng rắn về nguyên tắc.
Vào hồi chiến tranh quyết liệt nhất với bọn xâm lược Mỹ, những lời của Bác Hồ đúng như những hạt mưa quý báu tưới mát cho đất Vĩnh Linh nóng bỏng lửa đạn quân thù. Ngay từ đầu cuộc chiến tranh phái hoại của Giônxơn, Bác đã hết sức quan tâm đến mảnh đất đầu sóng ngọn gió này, Bác rất chú ý đến các cháu thiếu nhi và chị em phụ nữ Vĩnh Linh. Bác dặn: Trong cuộc chiến đấu ác liệt này, các cháu Vĩnh Linh là những hạt giống quý, những mầm non xanh tươi, phải được giữ gìn, sao cho mầm non đó cứ tươi tốt lên, dù trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ như thế nào. Bác chỉ thị: Phải sơ tán hết các cháu, không được để cháu nào bị địch giết hại ở Vĩnh Linh. Ngày Tết sắp đến, Bác nhắc các tỉnh phải gói bánh chưng gửi cho các cháu. Riêng Bác, Bác hay gửi bánh kẹo cho các cháu Vĩnh Linh. Cho đến giờ các cháu vẫn nhớ và nhắc đến “Quà Bác Hồ cho”.
Thỉnh thoảng có dịp, Bác lại hỏi thăm: Các cháu thế nào, đồng bào và phụ nữ Vĩnh Linh có khoẻ mạnh không, sản xuất, chiến đấu và học tập tốt không.
Năm 1968, địch buộc phải ngừng bắn, Bác chỉ thị ngay phải tiếp tế khẩn trương cho Vĩnh Linh, chủ yếu là đường, vải, thuốc. Các xe tải phải chuyên chở hàng cho Vĩnh Linh, Cồn Cỏ. Các đồng chí lãnh đạo địa phương tiếp thu ý Bác, coi đây là một công tác rất quan trọng. Hồi đó, tôi làm nhiệm vụ Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Vĩnh Linh, được phân công phụ trách việc phân phối hàng về các xã. Tôi chấp hành nghiêm chỉnh lời Bác dạy: Quà ít lòng nhiều, việc phân phối được bảo đảm công bằng, hợp lý... Chúng tôi rất chú ý các cháu mồ côi, các cụ già, bà mẹ, các thương binh, bệnh binh…
Đồng bào Vĩnh Linh nhận được “Quà Bác Hồ” vô cùng hồ hởi bảo nhau: Nhận được quà Bác cho, chúng ta phải làm gì để tỏ lòng biết ơn Bác.
Đối với riêng tôi, lời Bác Hồ dạy luôn luôn là nguồn khuyến khích, động viên lớn nhất. Có những buổi, đang lúc địch đánh phá, tiếng bom đạn nổ rầm trời, nhớ lại những lời dạy bảo của Bác về phẩm chất của người đảng viên, người cán bộ, phải hết lòng vì nhân dân phục vụ, lại nghĩ tới tình thương yêu của Bác đối với nhân dân Vĩnh Linh như biển cả, tôi thấy mình có thêm sức mạnh, cùng với anh chị em dân quân, du kích làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Hoàng Thị Mễ
(Theo: Bác Hồ với sự tiến bộ của phụ nữ)
Trích “Những chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trang 142 - 146. Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ bạn đọc tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp: Phòng đọc tại chỗ: KEVV16.1784; Phòng mượn: MEVV16. 4856-4857.