Cách mạng Tháng Tám đổi đời cả một dân tộc sau ngót trăm năm đô hộ của thực dân Pháp, không khí nhân dân cũng đang rộn ràng chuẩn bị đón Tết độc lập đầu tiên.
Là một nữ sinh Hà Nội mười sáu tuổi, noi gương các anh lớn trong gia đình tôi hăng hái lao vào cơn lốc của cách mạng, nhận mọi nhiệm vụ mà cách mạng giao cho.
Từ một nữ Hồng Thập tự, tôi hăng hái xin gia nhập tổ chức quân y đầu tiên để phục vụ các thương bệnh binh là quân giải phóng từ chiến khu Việt Bắc mới về.
Ban Y tế Vệ quốc đoàn do bác sĩ Vũ Văn Cẩn phụ trách đặt tại trại lính Bảo An trước cửa rạp chiếu bóng Majestic (tức là rạp Tháng Tám ngày nay). Tôi làm việc ngày đêm không biết nghỉ ngơi, rất ít về gia đình, thích sống gian khổ ở tập thể mà lòng lại thấy thú vị và rất vui.
Một buổi sáng sương mù Hà Nội còn dầy bàng bạc, mùi hoa sữa thơm lừng, ca trực đêm của tôi chưa bàn giao, thì bỗng từ cổng chính có một xe ô tô con đi vào. Một cụ già đầu đội mũ rộng vành, chiếc khăn quấn cổ che bộ râu, bộ quần áo kaki bạc mầu, chân đi đôi dép lốp, nhanh nhẹn xuống xe vào phòng thường trực. Trong phòng lúc này chỉ có một mình tôi. Tôi chợt giật mình và nhận ngay ra Bác Hồ, tim tôi đập nhanh và lúng túng. Sỡ dĩ tôi nhận ra Bác vì hôm mít tinh lớn của Hà Nội ngày 2 tháng Chín năm 1945 tôi cũng là nữ cứu thương sẵn sàng cấp cứu nhân dân dự ngày tuyên bố Độc lập ở Ba Đình, tôi đã được nhìn thấy Bác không xa lắm. Thấy tôi ở lại trực Bác hỏi thăm và bảo:
- Sao cô không về nhà ăn Tết?
- Thưa Bác, cháu còn trẻ nhường các anh chị có gia đình về nhà ăn Tết ạ. Vả lại cháu rất muốn ở lại để phục vụ thương bệnh binh trong cái Tết đầu tiên của quân đội.
Bác gật đầu và nói:
- Tinh thần thế là tốt! Giữ mãi tinh thần đó nhé.
Bác bảo tôi đưa Bác đi thăm thương bệnh binh đang điều trị ở đây. Tôi lúng túng và đề nghị cho phép được mời đồng chí phụ trách. Bác bảo:
- Không cần. Cô đưa Bác đi là đủ rồi.
Thế là vinh dự đến với tôi, một nữ thanh niên mới mười sáu tuổi đầu đã được đưa vị Chủ tịch nước mà mọi người tôn kính đi thăm thương bệnh binh trong một cơ sở đầu tiên của quân đội. Đến giường bệnh nào Bác cũng ân cần hỏi thăm cặn kẽ từng người: “Chú có ăn được không, có ngủ được không, chú quê ở đâu? Vào bệnh viện lâu chưa?”. Khi thấy một bệnh nhân gầy yếu, Bác dừng lại lâu hơn, lật chiếu xem dưới giường có êm không. Bác khuyên anh em yên tâm điều trị, phục tùng ý kiến cán bộ chuyên môn để mau lành bệnh, sớm trở lại công tác. Trước sự ân cần săn sóc của Bác, không ai cần được nước mắt. Bác đi nhanh xuống xem nhà bếp, kiểm tra nhà vệ sinh, lướt mắt nhìn khu sân xem có sạch sẽ không. Khi Bác quay lại phòng trực thì các cán bộ nhân viên được tin Bác đến đã tập trung đông đủ. Mọi người vừa ngạc nhiên, vừa lo sợ vì sự sơ suất không kịp đón Bác của mình, vừa liếc nhìn tôi vì tôi may mắn được một mình dẫn Bác đi thăm. Tôi bỗng nhớ lại, chiều hôm qua khi mang máng được tin Bác sẽ đến thăm bệnh viện, anh Vũ Văn Cẩn huy động chúng tôi quét dọn, lau chùi, sắp xếp nhà cửa cho thật ngăn nắp, sạch sẽ. Nhưng chờ mãi không thấy Bác đến.
Thế mà sáng nay rất bất ngờ thì Bác lại xuất hiện. Tác phong này của Bác làm cho tôi suy nghĩ mãi là công tác không được dối trá, đối phó với cấp trên.
Kỷ niệm nhỏ này, lúc mới vào đời công tác cách mạng, tôi thật sự không bao giờ quên câu Bác dặn: “Giữ mãi tinh thần đó nhé!”. Câu nói đó đã chỉ đường cho mọi công việc của tôi ở mọi lúc, mọi nơi, trên mọi cương vị công tác.
Năm 1953-1954 trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đoàn pháo binh cơ giới của chúng tôi hành quân ra mặt trận, tôi được phân công ở lại phụ trách đội điều trị sư đoàn để thay thế cho ba đồng chí chuyên môn đi chiến dịch. Một mình tôi vừa quản lý, vừa điều trị cho một số lớn bệnh nhân, có nhiều ca bệnh nặng vượt quá khả năng chuyên môn của tôi. Nhưng nhớ lời Bác dặn, tôi đã phấn đấu hết lòng phục vụ bệnh nhân, thể hiện tinh thần “Lương y như từ mẫu”, khắc phục mọi khó khăn, phát huy mọi sáng kiến khi thủ trưởng chuyên môn vắng mặt để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, khi sư đoàn làm lễ mừng công, tôi là người phụ nữ duy nhất của Sư đoàn được vinh dự nhận Huy hiệu Hồ Chí Minh. Từ việc dẫn Bác đi thăm thương binh năm 1945 đến tấm huy hiệu Hồ Chí Minh tặng thưởng năm 1954 là một chặng đường dài phấn đấu với tôi. Nhưng chính Bác đã chỉ đường cho tôi đi, chỉ cách cho tôi làm và tôi lại được thưởng Huy hiệu có hình ảnh Người để đeo trên ngực mãi mãi.
Tôi vẫn tự mình bảo mình hãy vững vàng đi theo con đường vinh quang mà Bác Hồ và Đảng đã chọn cho dân tộc ta và cho phụ nữ chúng ta.
Vũ Minh Hằng – Đại tá – Bác sĩ quân y
(Theo: Bác Hồ trong trái tim phụ nữ Việt Nam)
Trích “Những chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trang 138 - 141. Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ bạn đọc tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp: Phòng đọc tại chỗ: KEVV16.1784; Phòng mượn: MEVV16. 4856-4857.