Trong kháng chiến chống Pháp, Chiến dịch Biên giới của quân đội ta triển khai năm 1950 đã thu được thắng lợi giòn giã, vang dội. Chuẩn bị cho chiến dịch này, Bác Hồ trực tiếp đi quan sát thực địa và quán triệt với cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn Quân Tiên phong: "Chúng ta quyết thắng trận này. Để thắng trận này, các chiến sĩ ở mặt trận phải kiên quyết, dũng cảm trăm phần trăm...". Ngày tổng kết chiến dịch, Bác khen rất nhiều và dặn: "Không phải địch co lại để nằm yên mà co lại để rồi nhảy ra"...
Cho đến hôm kết thúc hội nghị tổng kết chiến dịch, Bác gặp mặt và chụp ảnh chung với tất cả những ai tên là Dũng có mặt tại hội nghị. Lúc đó có hai người tên Dũng là Nguyễn Thái Dũng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 88 và một Dũng là Tiểu đoàn trường "Dũng Mã".
Hai đồng chí Dũng được mời đến nơi ở của Bác tại một hang đá nhỏ. Bác ôm hôn, hỏi thăm quê quán gia đình từng người. Thái Dũng bị thương còn một tay, Bác ân cần hỏi:
- Tay chú như vậy thì leo núi, hành quân chiến đấu chắc là vất vả khó khăn lắm.
- Thưa Bác, cháu thường phải gắng sức, nhất là khi leo núi đá vất vả, hoặc khi định viết lách gì, và muốn viết nhanh thì chưa thật quen. Đi lại đường xa thì cháu vẫn cưỡi ngựa như thường.
- Vậy là chú rất cố gắng. Người ta hay nghĩ những ai bị thương tật là người tàn phế rồi. Chú có tàn nhưng không phế, trái lại chú đã hoàn thành nhiệm vụ không kém gì người lành lặn chân tay. Bác biết là chú bị thương từ năm 1948 gần Bằng Khẩu. Hai năm thử thách chứng tỏ chú rất cố gắng.
Ba Bác cháu trò chuyện một lúc thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới. Bác bảo chụp ảnh chung làm kỷ niệm. Lúc chụp ảnh, Bác còn nói: "Bác còn định gặp một vài chú nữa, nhưng các chú ấy đã về đơn vị rồi. Hôm nay chụp ảnh với hai chú thôi là các chú kia lại suy bì đấy".
Tấm ảnh đó là một kỷ niệm thiêng liêng nhất mà Thiếu tướng Nguyễn Thái Dũng còn giữ nguyên vẹn đến ngày nay.
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)