Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcHọc tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhNhững mẩu chuyện về Hồ Chí Minh: "Tiên học lễ"

Những mẩu chuyện về Hồ Chí Minh: "Tiên học lễ"

Cập nhật ngày 25/11/2021
 Nội dung

         Ngay sau đợt đi công tác tại một tỉnh ở vị trí địa đầu, nơi được gọi là “mái nhà của Tổ quốc'’, tôi lại được vời ngay vào giảng dậy tại lớp Đại học Quản lý văn hóa tại một tỉnh nơi tận cùng ở Phương Nam.
          Lần đầu tiên, và có lẽ cũng hiếm có lần thứ hai tôi lại được đến nơi mà cụ Nguyễn Tuân gọi là “ngón chân còn vương bùn vạn dặm” này nữa. Bởi thế, một trong các ao ước của tôi là muốn được đi thăm thú các danh thắng, những di tích có ở nơi đây.
          Một anh sinh viên có tên là “út Nhớn” nhiệt tình dùng xe máy, bỏ cả nửa ngày chủ nhật (mà sau này tôi biết là anh vẫn phải đi làm thêm để mưu sinh), dẫn tôi đi hết chùa này đến di tích nọ.
           Trên đường về tôi tò mò hỏi vòng vo: Vì sao ở Phương Nam này có nhiều người tên là “Em” vậy?
          Người sinh viên tại chức vốn ở lớp vẫn rất ít nói, chỉ chăm chú ngồi nghe giảng và chọn lọc ghi chép những ý cần thiết nhất, trả lời:
          - Chắc hẳn vì quý quá nên đặt tên như vậy đó thầy à... Ngừng lại trong giây lát, anh hóm hỉnh giải thích thêm: ... Có lẽ, cũng giống như anh nhạc sỹ nào đó bảo một cô gái là “nhỏ xíu”. “Nhỏ xíu” ở đây đâu có phải là chỉ vóc dáng, mà là người ta muốn “vo tròn” cô bé để cất giữ vào nơi sâu thẳm làm kỷ niệm cho riêng mình...
           Thấy anh sinh viên nói năng thoải mái, tôi tấn công:
            - Thế sao tên anh đã là “Út” lại còn “Nhớn”?
            Anh sinh viên có tên “Út Nhớn” buồn buồn trả lời:
          - Ông bà già nhà tôi sinh nhiều bận, nhưng chỉ nuôi được tôi... Hẳn các cụ mong con cháu đông vui... Nhưng các cụ nhiều tuổi rồi, nên “Nhớn tôi” vẫn mãi chỉ là “Út”.
          Tôi miên man suy nghĩ. Ở vùng châu thổ sông Hồng quê tôi, những ai hiếm muộn con lại lôi những từ xấu xí nhất như cột, kèo, cóc nhái... thậm chí cả những chữ đáng lý không nên nói ra mồm, để gọi đứa con yêu quý của mình. Còn ở miền sông nước Phương Nam này, tiếng nói là phương tiện để người ta nói tuột ra những mong muốn của mình.
           Bởi vậy mới hiểu, gọi cái vật để đựng cơm là cái bát, cái đọi, hay cái chén cũng vậy cả thôi. Muốn gọi thế nào là tùy nơi, tùy thói quen của từng vùng, từng thời. Miễn sao cho hợp lý là được.
           Sau khi giải phóng miền Nam, người miền Bắc nghe từ “xe ôm” lạ hoắc, nhưng rồi nghe miết thành quen tai, và ngày nay người ta đã dùng nó như một thứ “hang hiệu mới về”.
             Hóa ra, người xưa nói “khi có tên gọi, chẳng còn là cải tên nữa”, cũng có lý.
            Bệnh nghề nghiệp khiến tôi băn khoăn về câu khẩu hiệu “Tiên học lễ...”được treo trang trọng ở nhiều nơi, mà lâu nay vẫn còn như một câu đố cho cả người đọc lẫn người viết ra nó.
            Vạn vật ban đầu vốn không có tên. Vì cần phải phân biệt chúng, người ta phải đặt tên cho nó phù hợp với thói quen, mục đích của mình (vào lúc đó).
           Hàng ngàn năm về trước, căn cứ vào các đồ thờ cúng thánh thần, mấy người chứa nặng niềm tin về sự “cứu rỗi” của các lực lượng siêu nhiên đã nghĩ ra chữ “Lễ”. Bản thân con chữ ấy không có tội tình gì cả, nhưng ngày nay chúng ta sử dụng lại nó, e là gượng ép. Khổ một nỗi, “ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép mấy xấp trẻ nhỏ”, bắt chúng cứ phải theo cái điều chúng không cần phải theo.
           Khổng Tử (551-479 T.CN) sống vào giai đoạn đầu của thời kỳ chiếm hữu nô lệ, xã hội đã có sự phân chia giai cấp, có hiện tượng người bóc lột người. Thế mà Khổng Tử lại nói tới chữ “Lễ” như một mơ ước dùng nó để đưa xã hội loài người trở lại sống trong nếp sống giống hệt như mô hình xã hội thuần phác có ở tận ngày xửa ngày xưa.
“Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông” - Điều mơ ước, mong mỏi của Khổng Tử, dù là thiện chí, nhưng không thể nói khác là... không tưởng!...
           Chưa nhận ra nguyên nhân quyết định sự phát triển xã hội là kinh tế, Khổng Tử dùng học thuyết “tu thân” để khuyên người ta sống tốt hơn. Nhưng chữ “Lễ” mà Khổng Tử vừa đưa ra lập tức đã bị người ta lợi dụng như một thứ thần quyền để bắt con người phải chấp nhận thân phận của kẻ “thần dân” phải biết cúi đầu trước những kẻ có quyền thế "muốn ai chết cũng phải chết”.
            Lúc đầu chữ “Lễ” là hình vẽ một cái thạp đồng, trong đó đựng hai chuỗi ngọc, dùng làm đồ tế lễ. Về sau người ta giản hóa chữ “Lễ” đó và thêm bộ “Thị” ở bên để tỏ lòng kính trọng thánh thần, dần dần mà có được chữ “Lễ” như ta thấy hiện nay.
            Để thực hiện được những điều như ý nghĩa chứa đựng trong chữ “Lễ”, Khổng Tử đưa ra bốn tiêu chí khuyên con người:
             - Phải tôn trọng đạo trời.
             - Phải tin tưởng lẫn nhau.
             - Phải nhường nhịn nhau.
             - Và phải biết tiết kiệm.
            Bốn tiêu chí ấy có sự hợp lý nào đó nhưng khi mâu thuẫn của sự ích kỷ trong lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích giai tầng đối lập với lợi ích cộng đồng thì chữ “Lễ” ấy rất dễ “đứng về phe” kẻ mạnh. Tôn trọng đạo trời không có nghĩa là khoanh tay đứng nhìn sự xoay vần của con tạo. Tin tưởng lẫn nhau không có nghĩa là phải tin tưởng cả kẻ xấu. Nhường nhịn nhau không có nghĩa là phải nuôi báo cô những kẻ chây lười. Tiết kiệm không có nghĩa là ép xác chịu khổ cực “chờ lên thiên đàng ăn một thể”.
          Bởi vậy khái niệm chữ “Lễ” mà Khổng Tử đưa ra khó có thể thực hiện được. Nhận định đó không phải chỉ là của chúng ta, những người ít nhiều đã được đọc sách Mác, mà một người cùng thời với cụ Khổng, cụ Lão Tử đã phải thốt lên là... chẳng ai làm theo đâu!.
          Sau này lãnh tụ Hồ Chí Minh của chúng ta bằng cách nói bình dị, giản đơn không thể nào hơn, đã chỉ ra một cách sáng tỏ, minh bạch sự bất lực của đường lối “đức trị” của Khổng Tử bằng câu nói “Đạo đức xưa là đi lộn đầu xuống đất”.
           Trong bộ Hồ Chí Minh toàn tập mới xuất hiện bản năm 2011 (tập II, trang 251), lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khẳng định: “vẻ đẹp đạo đức tự nó cũng phải phụ thuộc vào điều kiện kinh tế”, từ đó Người chỉ ra mặt hạn chế đáng sợ nhất trong truyền thống văn hóa của dân tộc ta là triệt tiêu phẩm chất lao động sáng tạo của cá nhân con người, và gọi nó là “tàn tích bốn ngàn năm văn hiến”.
            Thế nhưng trong giai đoạn “hội nhập với nền văn minh nhân loại” mà không chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cần thiết về tinh thần và vật chất, mà đã vội vã “mở toang cửa”, cũng rất dễ tạo ra sự bất ổn.
             Trở lại câu chuyện của anh “Út Nhớn”.
            Trong hơn nửa tháng giảng dậy tại nơi, mà lúc ấy vẫn còn gọi là thị xã chứ chưa được nâng cấp gọi là thành phố như bây giờ, tôi có điều kiện được hiểu thêm về một vấn đề đã được đặt ra từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước đây.
            Một lần ngồi nói chuyện với nhóm sinh viên trong đó có cô sinh viên tên là Ni, mà cả lớp vẫn gọi là “Ni cô”. Ni cô bảo tôi: Quý thầy lắm anh Út Nhớn mới đưa thầy tới thăm chùa đấy!.
           Thấy lạ, tôi cố tìm hiểu thêm thì được biết hơn mười năm trước anh Út Nhớn xây dựng gia đình trong sự mong chờ của ông bà già. Vợ anh có bầu làm cả gia đình, cả họ hàng mừng rờ. Anh Út Nhớn thỉnh thoảng vẫn lấy xe máy lai vợ đến chùa thắp nhang cầu khấn mong cho mọi chuyện đều được diễn ra tốt lành. Gần đến ngày vợ anh sinh, một lần nữa anh lại đưa vợ tới chùa thắp nhang. Bữa ấy có cậu ấm con trai một đại gia có thế lực ở địa phương lái xe hơi đời mới đưa “bồ” tới vãn cảnh chùa. Hắn đến sau bóp còi inh ỏi khi vợ anh Út Nhớn đang nặng nhọc xuống xe. Anh Út Nhớn có to tiếng đôi câu với hắn. Không ngờ trên đường trở về, lúc nhá nhem tối, tới khúc ngoặt nơi mố cầu đoạn đường vắng tanh không một bóng người qua lại, một ánh đèn pha mạnh bật lên cùng tiếng còi lớn đột ngột khiến anh Út Nhớn lóa mắt mất tay lái ngã ra bất tỉnh. Người vợ sắp đến ngày sinh của anh bị văng ra xa. Sự cố ấy khiến vợ anh Út Nhớn trở thành người “sống thực vật” suốt mười năm nay. Đứa con phải sinh ra một cách không bình thường, ốm đau quặt quẹo suốt...
           Vụ tai nạn giao thông “khó hiểu” ấy xẩy ra giữa khoảng đồng không mông quạnh đã được “ém nhẹm” vì... “không đủ chứng cứ”để xác minh là có người cố tình gây ra.
             Gia đình anh trở nên khó khăn, đau thương không biết bao giờ mới có thể hóa giải nổi... Cả gia đình gồm hai bố mẹ già yếu, người vợ nằm sống thực vật, đứa nhỏ còm cõi... trông cả vào anh. Anh cứ lặng lẽ làm việc ngày đêm để cứu gia đình.
            Tôi hỏi Út Nhớn tại sao gia đình khó khăn chất chồng như vậy mà anh vẫn cố gắng đi học? Tại sao anh không tiếp tục đến chùa thắp nhang cầu xin sự may mắn nữa mà vẫn đưa tôi tới thăm chùa?.
             Anh trả lời tôi một cách đơn giản:
            - Biết là mình không gặp may, nhưng đời là của mình, chẳng lẽ cầu trời khấn phật mãi ư? Lý tưởng của đạo Phật cũng có điều tốt đẹp, nhưng... phải “tự cứu lấy mình” thôi, chứ biết làm sao, hở thầy...
            Anh Út Nhớn, anh học trò của tôi, người bạn của tôi, đồng thời cũng là người thầy của tôi vì đã cho tôi bài học dũng cảm trước cuộc sống hiện đang còn không ít khó khăn...
           Cụ Mác gội những niềm tin cứu rỗi gửi vào các đấng thiêng liêng nào đó là “thuốc phiện”. Thiết nghĩ, trong khi nhân loại vẫn còn những nỗi đau, thì thứ thuốc giảm đau đó vẫn là cần thiết. Nhưng thuốc “giảm đau” cũng chỉ nên dùng có chừng mực trên đường đưa tới bệnh viện cấp cứu.
            Lời nói của một người đang còn phải bổ túc thêm nhằm hoàn thiện tiêu chí để làm việc (cử nhân) nào có khác mấy với câu nói của một vị túc nho đã đỗ giải nhì khoa “Yêm bác văn học” năm Tân Tỵ (1882). Mặc dù vị quan văn ấy thấy xã hội đương thời có quá nhiều khuyết tật, nhưng khi quốc gia hữu sự, giặc Tây xâm lấn, ông đã rũ áo ra đi, phò tá vua Hàm Nghi đánh Pháp. Hành xử như vậy bởi ông nghĩ “đất trời là của ta, ta phải thờ phụng”.
           Người xưa đã từng nói, ngẩng đầu đi lên mới đáng mặt anh tài. Còn ai vừa đi vừa luyến tiếc ngoái nhìn về quá khứ đã mất, thì thà về ‘‘'‘ngồi bếp làm cung bắn ruồi' cho xong.
         “Tiên học Lễ” - mà bắt người ta phải nhấm nháp quá khứ, thì mãi mãi vẫn còn như một câu đố đánh đố mọi người...
(Trích "Vì lợi ích trăm năm trồng người". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KDVV12.9073,   Phòng mượn: MEVV12.1208)

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.