Vị đại biểu B phát biểu rất mạnh tại bàn nước bên lề hội nghị. Ông bảo, phải trị thẳng tay đối với những kẻ gây ra hành vi bạo lực học đường. Ông còn nói, sở dĩ ông “nên người như hôm nay” cũng là nhờ các cụ nhà ông trước đây rất dữ đòn.
Những người ngồi quanh bàn nước im lặng. Đại biểu B nhìn mọi người, nói: Sao các ông không nói gì? Hèn thế!
Vào hội nghị, đại biểu B im lặng bởi một trong những kẻ gây ra bạo lực học đường vừa xẩy ra trong địa bàn là con trai đồng chí chủ tọa hội nghị.
Khi bàn tới vấn đề nóng bỏng này, một cô giáo trẻ rụt rè đứng dậy xin có ý kiến:
- Tôi là giáo viên nên đây cũng là việc tôi phải làm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Nhưng trước hết chúng ta phải tìm ra những nguyên nhân cơ bản, nguyên nhân cốt lõi mới có thể tìm ra phương hướng giải quyết vấn đề.
Cô giáo trẻ đỏ mặt lúng túng, hình như cô cảm thấy có điều khó nói trước các cây đa cây đề. Lát sau, lấy lại bình tĩnh, cô nó tiếp:
- Lâu nay nhiều người cứ nói “trẻ em như tờ giấy trắng". Đấy, cái chết là ở chỗ đó. Vì quan niệm trẻ em là vật vô tri vô giác như tờ giấy trắng, ai muốn viết cái gì lên đó chúng cũng cam chịu, nên mới gây ra sự bức xúc trong lớp “tuổi tin”...
Không kìm được, cô giáo trẻ buột miệng nói ra:
- Theo tôi... chúng ta luôn sợ “măng mọc quá pheo” nên cứ muốn áp đặt lối sống của mình đã được hình thành từ trong quá khứ để buộc thế hệ trẻ hôm nay phải sống như mình... Bạo lực học đường chẳng qua chỉ là thứ quả đắng do người trồng để lẫn hóa chất bất lợi vào phân bón.
Hội trường bị hâm nóng lên bởi một ý kiến “trái chiều” lại được phát ra từ miệng của một đại biểu “mới trúng hội đồng”. Chưa cần biết đúng sai, nhiều đại biểu cho như thế là ... “hơi xấc xược”.
Một vị đại biểu sắp hết tuổi làm việc, biết chắc khóa sau mình sẽ “ngồi nhà”, chợt nảy ra ý nghĩ phải nói ra điều gì đó. Ông rào trước đón sau, rồi dùng cách dẫn lời người xưa như một thứ bia đỡ đạn.
Ông nói:
- Cổ nhân đã từng ví trẻ em như một dòng suối trong vắt chảy ra từ dưới chân núi... ông chêm vào mấy tiếng nho nhe như để nhờ cậy những người đã khuất chở che: “Sơn hạ xuất tuyền...”. Thấy không ai phản ứng, ông nói tiếp “Người lớn phải liệu cơm gắp mắm, đo bò làm chuồng... để tìm ra cách dậy dỗ trẻ con sao cho thích hợp” (quân tử dĩ quả hành dục đức)
Và như để có sự an toàn tuyệt đối, người sắp “hạ cánh an toàn” dùng những lời nói nôm na để giải thích thêm:
- Thời buổi ngày nay có “ối” chuyện bất ngờ xảy ra ngoài ý muốn của chúng ta... Muốn dậy dỗ trẻ em cũng phải hiểu chúng đang phải sống như thế nào, đang nghĩ gì... Nhiều người đang biến con em mình thành “người già trước tuổi”.
Cả hội trường lặng im, nghĩ suy trước “lời nói phải” của người đã ở vào tuổi “lục thập nhi bất hoặc” - không còn phải nghi ngờ điều gì nữa.
Một vị Tiến sĩ đã ngồi ghế hội đồng hai khóa lúc ấy mới đứng dậy ủng hộ ý kiến của cô giáo trẻ. Anh chắp nối các ý kiến và đưa ra nhận định về việc nhân loại nói chung, dân tộc ta nói riêng đang bước vào giai đoạn lịch sử phát triển mà có nhiều điều chúng ta chưa hiểu rõ, với nhiều yếu tố “bất định” nên người lớn phải biết lắng nghe để giáo dục trẻ em một cách hợp lý...
Để ý kiến của mình có thêm trọng lượng, anh vận quan điểm giáo dục Hồ Chí Minh coi thế hệ trẻ là một nhân cách đang hình thành với nhiều sự tác động khác nhau, chẳng khác gì “búp trên cành”. Muốn giải quyết chuyện “bạo lực học đường” hiện nay, trước hết phải xuất phát từ nhận thức về mục tiêu phát triển xã hội “dân chủ, công bằng và văn minh”...
Vị đại biểu cao tuổi đứng lên định dẫn ra thêm nhiều câu nói của người xưa bàn về giáo dục nhưng lại sợ người ta phê phán là cổ hủ, là phong kiến nên vội lái đi, mượn lời Bác Hồ nói rằng: Trong những điều của cụ Khổng Tử nói về giáo dục xưa kia cũng có nhiều điều đúng, và ông nói như hụt hơi: Cứ đào tạo kiểu... ấp trứng vịt bằng máy như hiện nay, thì nguy lắm!
Chót bật nói ra câu ấy, ông già vội ngồi xuống, rút khăn lau mồ hôi lấm tấm trên trán.
Cũng may, chẳng ai để ý câu nói “thất thố” ấy, vì họ còn chú ý đến vị đại biểu nữ vừa tìm lại được con sau khi nó bỏ nhà ra đi cả tháng trời chỉ vì một sự nóng giận của người lớn. Bà ngậm ngùi đau sót nói:
- Con em chúng ta giờ đây chẳng khác gì những chiếc cốc pha lê mỏng manh đặt trên bậu cửa sổ cánh cửa mở toang, trong khi đang có những trận bão ập tới...
Nhà khoa học nói thêm: Những ai chỉ thích dùng kỷ luật để bắt lớp trẻ phải tuân theo ý muốn chủ quan của riêng mình thì đúng là “ném chuột, ném vỡ luôn cả cái bình quý” .
Vị đại biểu B vẫn mạnh mồm ở bàn nước bên lề hội nghị, luôn muốn kỷ luật tất cả bọn trẻ con hư (trừ con trai đồng chí chủ tọa...) lủi ra hành lang ngắm trời ngắm đất.
(Trích "Vì lợi ích trăm năm trồng người". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KDVV12.9073, Phòng mượn: MEVV12.1208)