Năm 1946, tổ điện đài của đồng chí Trương Duy Thái phục vụ ở Văn phòng Chủ tịch phủ tại Việt Bắc. Một tối mùa hè, tổ phải phát đi một bức điện tối khẩn, nhưng máy móc ậm ạch, đài bạn lại ở xa nên đánh vật mãi từ chập tối đến gần hai giờ sáng mới xong việc.
Thái đang mơ mơ màng màng thì nghe có tiếng chân người. Theo thói quen của người lính, anh nằm yên hé mắt nhìn ra.
Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu, Thái thấy Bác Hồ, mặc bộ quần áo bà ba trắng, đang cúi xuống giắt màn cho anh. Thái không động đậy nằm im, trong lòng xốn xang, xúc động... Bỗng anh chiến sĩ quay máy từ đâu chạy huỳnh huỵch vào nhà.
Bác giờ tay lên miệng, ra hiệu bước nhẹ nhàng, chỉ tay về phía anh em đang ngủ, ý bảo để anh em ngon giấc.
Bác vẫy đồng chí "quay viên" lại hỏi nhỏ:
-
Đêm qua các cháu làm việc đến mấy giờ?
-
Thưa Bác, gần hai, ba giờ sáng ạ.
Bác lại ghé sát tai hỏi:
-
Làm xong có được bồi dưỡng không?
-
Thưa Bác, việc thường xuyên xảy ra như thế, nên cũng không có bồi dưỡng ạ.
Bác nói:
-
Sáng mai, các cháu được ngủ đến sáu giờ sáng, tập thể dục sau. Cháu lên giường ngủ đi, nhẹ nhàng để anh em khác khỏi thức giấc. Bác sẽ nói với các chú đánh kẻng.
Sáng hôm ấy, đồng chí Thắng bên tiểu đội cấp dưỡng mang sang cho tổ đài một đĩa men to cơm rang với trứng, đầy có ngọn. Thắng nói:
-
Bác bảo đêm hôm qua các cậu làm việc khuya, Bác gửi bồi dưỡng cho các cậu.
Nếu chúng ta biết, dạo ấy ở Việt Bắc chiến sĩ mỗi bữa được một bát cơm lưng lửng còn toàn ăn độn ngô, khoai, sắn... Bác cũng chỉ ăn như anh em và được thêm một bát nước cơm bồi dưỡng thì mới thấy "giá trị" đĩa cơm trứng ấy và tấm lòng của Bác...
(Theo tài liệu Bảo tàng Thông tin)
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)