Khi cách mạng thành công, trên cương vị của một Chủ tịch nước nhưng Bác vẫn giữ lối sống đơn giản, bình dị và vô cùng tiết kiệm. Sau cách mạng tháng Tám, trước nạn đói rất nghiệm trọng, Người phát động phong trào sẻ áo nhường cơm, mỗi người cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa để góp gạo cứu dân nghèo và chính Người gương mẫu thực hiện.
Một lần Bác đọc trên báo Hà Nội mới có tin ở Hợp tác xã thủ công Ngũ Xã, Hà Nội chuẩn bị đúc tượng đồng bán thân Bác. Bác nói ngay với các đồng chí văn phòng yêu cầu dừng việc đó lại và dùng số tiền ấy xây thêm một phòng học cho các cháu học sinh. Lẽ thường, người đời ai chẳng thích được mọi người tôn sùng, có người còn tự bỏ tiền ra để đúc tượng, tạo dựng hình ảnh của mình trước thiên hạ. Nhưng với Bác điều đó đồng nghĩa với việc lãng phí, dùng tiền không đúng mục đích, mặc dù việc đúc tượng Bác là xuất phát từ tấm lòng kính yêu của mọi người dành cho Bác, nhưng Bác nhận thấy rằng đất nước còn khó khăn, nhân dân còn thiếu thốn, việc dùng số tiền ấy để xây dựng phòng học là việc hợp lý, đáng làm.
Năm 1957, Bác thăm Liên Xô và một số nước Đông Âu, Bác hài lòng khen: “Các chú tổ chức chiêu đãi vừa tiết kiệm, vừa trang trọng, các món ăn không thừa, không thiếu”. Sau đó, Bác kể chuyện có sứ quán do tính toán không kỹ, khi chiêu đãi khách, các món ăn thừa rất nhiều. Bác nói: “Ăn uống lãng phí, Bác xót xa lắm, vì đây là tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân. Bà con ta ở trong nước làm đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có miếng mà ăn. Vì vậy để lãng phí, xa hoa là có tội với nhân dân”.
Không chỉ tiết kiệm của công mà trong đời sống sinh hoạt hàng ngày Bác cũng có ý thức tiết kiệm từ những cái nhỏ nhất. Ngay từ bánh xà phòng Bác dùng cũng được để trong hộp nhựa, dưới để những viên sỏi nhỏ, Bác bảo: sỏi sẽ hút nước làm xà phòng rắn lại, làm như thế sẽ lâu hết, tiết kiệm để cho các cháu gái vùng cao hàng tháng có xà phòng dùng. Những ngày hè oi bức, bác dùng chiếc quạt lá cọ do các đồng chí bảo vệ làm cho Bác, rất ít khi Bác dùng quạt điện, vì Bác muốn tiết kiệm điện dùng cho sản xuất, cho đời sống sinh hoạt của dân.
Vào dịp Quốc khánh 2-9 hàng năm Bác vẫn cho các đồng chí lãnh đạo tổ chức bắn pháo hoa chào mừng kỷ niệm ngày lễ dù Bác biết rằng việc làm này rất tốn kém. Ngày 31-8-1969, tình hình sức khoẻ của Bác rất xấu, các đồng chí tổ chức xin phép ngày lễ 2-9 tới sẽ không bắn pháo hoa, nhưng Bác không đồng ý vì Bác tâm niệm “bắn pháo hoa để nhân dân vui”. Bác hiểu ngày Quốc khánh trọng đại là thành quả của nhân dân. Làm lễ lớn để kỷ niệm cũng chính là cổ vũ tinh thần, giúp nhân dân hăng hái học tập, sản xuất và chiến đấu, xây dựng đất nước.
Nguyễn Văn Dương