Trưa ngày 27/9/2022, lớp tiếng Anh chuyên đề tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đồng hành cùng học viên vào thăm không gian ảo của Liên Hiệp Quốc với toà thư viện đầy ắp sách chuyên đề và một hệ thống văn bản nghị quyết đã ban hành. Giảng viên TS Lê Thanh Hải đã chọn nghị quyết số A/RES/70/1 về Nghị trình Phát triển Bền vững để cả nhóm thực hành lại phương pháp đọc.
Về cơ bản, có thể tiếp cận một tài liệu bằng cách đọc lướt - scanning, hay đọc chuyên sâu chỉ một vấn đề - skimming. Trước hết, tổng quan của nghị quyết này là 17 mục tiêu (goals) chia thành 169 tiêu chí (targets) cần đạt được muộn nhất là vào năm 2030. Các nội dung trong đó lần lượt được triển khai qua nhiều cơ quan quốc tế bằng các nguồn ngân sách phù hợp, giúp rút ngắn khoảng cách giữa các nước, và khuyến khích tăng cường quan hệ giữa chính các nước đang phát triển với nhau.
Khi đã nắm bắt được một vài nét chính về văn bản, thì người đọc có thể khái quát hoá về cấu trúc (structure) của nó, hay như cách thường gặp khi trình bày là chia thành các điểm (point - một là, hai là v.v.). Ngoài ra còn có thể tra cứu nhanh bằng từ khoá (keyword) mà ngày nay với văn bản điện tử chỉ cần đơn giản là một thao tác nhấp chuột. Từ khoá mà các học viên vẫn luôn quan tâm từ đầu là "sáng tạo" (innovation) xuyên suốt nội dung nghị quyết này, được coi như là một trong số những phương tiện giúp các nước hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ lần hai là Phát triển bền vững. Từ phương pháp đọc này các học viên có thể áp dụng để nghiên cứu và học tập nghị quyết tại Việt Nam, từ trung ương xuống tới cấp địa phương, một cách hiệu quả hơn.
Từ góc độ chuyên môn của thư viện, có thể thấy mục tiêu cần phấn đấu được ghi rõ trong tiêu chí 4.7: trở thành không gian để người dân có cơ hội học tập suốt đời (lifelong learning opportunity). Đúng vậy đọc sách và tham gia các hoạt động tìm hiểu những gì khi còn trẻ không có thời gian và điều kiện chính là phương pháp học đơn giản và bổ ích nhứt cho người già. Ngoài ra thư viện còn là cây cầu để chuyển giao tri thức sáng tạo, giúp phát triển đô thị (urban development) và đặc biệt là tiêu chí về đa dạng hoá sinh học (biodiversity) cho một tỉnh thuần nông như Đồng Tháp mình.
Lớp học cũng đón nhận thêm một học viên mới từ đơn vị bạn cũng trong ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Chị Mai Thảo từ Khu di tích Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vốn đang tự học tiếng Anh qua phần mềm máy tính với mục tiêu có thể giao tiếp được với du khách quốc tế để giới thiệu quê hương mình ra thế giới. Các học viên mới tiềm năng muốn tham dự xin mời liên lạc với cán bộ thư viện Thanh Duyên (Email: thanhduyen@thuviendongthap.com, Facebook: Duyen Tran).
.