Đối với mỗi con người, nhu cầu được học tập là nhu cầu chính đáng và cần thiết. Việc học không chỉ ở trường lớp mà phải học cả đời, phần lớn chúng ta phải tự học thông qua việc đọc, nghe, nhìn. Trong đó, kỹ năng đọc sẽ quyết định đến việc hình thành nhân cách và tài năng của mỗi cá nhân...
Hình thành thói quen đọc sách cho thanh thiếu niên ngay từ độ tuổi sớm nhất là một nhiệm vụ quan trọng để có được một cộng đồng văn minh và phát triển, bởi vì sự phát triển của thanh thiếu niên không những quan hệ đến vận mệnh và tồn tại của đất nước, mà còn ảnh hưởng đến tương lai của dân tộc đó.
Trong bối cảnh đất nước phát triển và hội nhập, văn hóa đọc dường như đang dần bị thay thế bởi các hoạt động nhận thức khác, nhất là văn hóa nghe nhìn. Ngoài những mặt tích cực không thể phủ nhận là người đọc có thể tiếp cận một cách nhanh chóng, đa dạng, cập nhật, tiện lợi; nhưng mặt khác cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ: thông tin kém chất lượng, thông tin rác, sai trái, thậm chí phản động, đồi trụy được tự do lưu hành trên mạng mà chúng ta chưa có cơ chế hiệu quả nhằm ngăn cản, cách ly chúng khỏi các bạn trẻ.
Là lứa tuổi đang phát triển, định hướng và trưởng thành, các em cần hoàn thiện nhân cách, thỏa mãn các nhu cầu và phát triển cá nhân thông qua hoạt động giao lưu, tiếp nhận văn hóa… Vì thế, hình thành thói quen đọc cho các em thanh thiếu nhi là vấn đề cần thiết hiện nay. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đó, cần gắn chặt mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, phát huy truyền thống gia đình Việt Nam để xây dựng thói quen đọc là nền tảng góp phần xây dựng gia đình học tập, cộng động học tập hướng đến một xã hội học tập.
Gia đình cùng trẻ đọc sách
Gia đình là tế bào của xã hội. Một cộng đồng tốt đẹp bao giờ cũng bắt đầu từ gia đình, muốn một gia đình tốt đẹp thì các cá nhân trong đó phải tốt, phải đẹp. Đối với người Việt Nam, gia đình còn là một cộng đồng rất thiêng liêng, một cộng đồng được kết nối bằng mối quan hệ tình cảm, là tổ ấm, là điểm tựa, là bệ phóng cho mỗi cá nhân, đặc biệt là thanh thiếu niên. Đó là nơi mà các em đã đặt trọn niềm tin và lòng yêu thương, có lẽ, không một nơi nào khác mà mọi khuyên răn, chỉ bảo nhắc nhở được các em nghe theo một cách tự nguyện như ở gia đình. Kinh nghiệm cho thấy, hầu hết những người có sự ham mê đọc sách, những bậc trí giả đều có nguồn gốc từ những gia đình có truyền thống đọc sách. Thói quen đọc là một tập tính mà con người phải được rèn luyện và hình thành từ tuổi ấu thơ mới có thể tồn tại bền vững.
Gia đình Việt Nam, với cách tổ chức và sinh hoạt xưa nay, có điều kiện thuận lợi để trở thanh một điểm khởi đầu cho việc hình thành thói quen đọc và nuôi dưỡng hứng thú đọc cho mỗi người. Gia đình là nơi mọi người giành nhiều thời gian và tình cảm nhất, là nơi an toàn, tự tin và thoải mái nhất. Trong mỗi gia đình Việt Nam, sự quan tâm, chăm sóc cho nhau, nhất là của người trên đối với người dưới như một sự tự nhiên, như là một trách nhiệm đương nhiên. Vì vậy, việc đọc sách của các em tại gia đình sẽ được nhiều người quan tâm, khuyến khích và hỗ trợ. Việc đọc ấy, chắc chắn sẽ đạt hiệu quả tích cực.
Để mỗi gia đình Việt trở thành một xuất phát điểm và là môi trường nuôi dưỡng văn hóa đọc mỗi cá nhân, cần chú ý thực hiện những việc sau:
Thứ nhất, các bậc phụ huynh phải là những tấm gương sáng về việc đọc. Việc đọc sách trong gia đình phải trở thành nề nếp và được mọi thành viên tôn trọng.
Thứ hai, khơi gợi tình cảm đối với sách bằng những cuốn sách đẹp, bằng việc thường xuyên đọc sách cho trẻ nghe; thưởng sách cho trẻ khi đạt được những thành tích; thái độ tôn trọng đối với sách vở; thường xuyên cho trẻ đi nhà sách, hội chợ sách…
Thứ ba, mỗi gia đình cần xây dựng một thư viện gia đình, bắt đầu từ kệ sách, tủ sách. Cần bố trí một không gian đọc sách riêng, thoáng mát, yên tĩnh, mỹ quan.
Thứ tư, cha mẹ, anh chị nên bố trí đọc cùng sách cùng trẻ. Mỗi tuần, cả gia đình nên có buổi đọc sách chung và trao đổi những cảm nhận về cuốn sách cho nhau.
Thứ năm, các bậc phụ huynh nên đáp ứng mọi nhu cầu đọc chính đáng của trẻ em bằng việc mua hoặc mượn ở thư viện.
Mong rằng mỗi gia đình thường xuyên quan tâm đến việc đọc sách của trẻ, kịp thời uốn nắn những sai sót trong việc chọn sách cũng như đọc sách và giới thiệu cho các em những tài liệu phù hợp và hữu ích giúp cho trẻ rèn luyện kỹ năng, thái độ đọc, dần hình thành thói quen đọc và tự học, giúp các em có thể phát triển và hoàn thiện bản thân trong cuộc sống.
Đoàn viên tham gia hoạt động “Gia đình trẻ” đọc sách tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp
M.T