Năm 1990 trụ sở được dời về thị xã Cao Lãnh (nay là thành phố Cao Lãnh), tổ chức hoạt động chung trong khuôn viên Bảo tàng Tỉnh. Đến năm 1995, Thư viện Tỉnh được tiếp nhận cơ sở Văn Thánh Miếu làm trụ sở hoạt động.
1. Hình ảnh trụ sở Thư viện Tỉnh tại Công viên Văn Miếu
Những ngày đầu thành lập với khoảng 10.000 tài liệu, chủ yếu ở dạng giấy do Thư viện tỉnh Vĩnh Phú (nay gồm 02 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) biếu tặng, lực lượng cán bộ, viên chức ban đầu chưa đến 10 người, song Thư viện Tỉnh đã dần dần khẳng định được vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình là một thiết chế văn hóa quan trọng không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa.
Được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh, các cấp, các ngành và bằng sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi với tinh thần trách nhiệm cao vì sự nghiệp chung của nhiều thế hệ lãnh đạo, Thư viện Tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ và gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Đến nay, Thư viện Tỉnh đã có một cơ ngơi, một diện mạo mới khang trang. Trở thành điểm đến lý tưởng của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Năm 2010, công trình xây mới Thư viện Tỉnh đã được khởi công và hoàn thành chính thức đưa vào sử dụng đầu năm 2015 tại số 05 Phạm Hữu Lầu, phường 4, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
2. Hình ảnh Thư viện Tỉnh tại trụ sở mới
Không gian Thư viện Tỉnh nằm trong không gian văn hóa gồm gồm Bảo tàng Tỉnh, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Tỉnh, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, trụ sở làm việc của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tỉnh - Nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa – nghệ thuật, là điều kiện thuận lợi để Thư viện là điểm đến hấp dẫn của người dân trong việc tìm kiếm và khai thác thông tin. Bằng sự năng động, sáng tạo, Thư viện Tỉnh luôn đổi mới về hình thức và nội dung bên trong, bên ngoài thư viện đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của người dân, phục vụ hiệu quả 06 ngày trong tuần với 07 phòng phục vụ (đọc - mượn, thiếu nhi, thực hành thiếu nhi, báo - tạp chí, thư viện điện tử, thư viện dành cho người khuyết tật, không gian đọc sách và tự học), hàng năm trung bình tại Thư viện tỉnh phục vụ hơn 600.000 lượt người/1.200.000 lượt tài liệu, cấp mới trên 2.000 thẻ bạn đọc.
Để làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Thư viện tỉnh Đồng Tháp tổ chức 03 phòng chức năng (Thông tin và Tư liệu, Công tác người đọc, Tổ chức - Hành chính và Quản trị) với tổng số 25 nhân sự, luôn rèn luyện năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đoàn kết, thân thiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
3. Tập thể Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Đến nay, vốn tài liệu tại Thư viện có trên 110.700 tên sách/221.544 bản sách, báo; tạp chí có trên 90 tên các loại, hàng năm sưu tập, bổ sung trung bình khoảng 12.000 bản sách mới, tăng gần 2.000 bản so với kế hoạch năm (sưu tập trung bình hàng năm từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp được trên 7.000 bản sách, từ nguồn biếu tặng được 5.000 bản sách); số hóa tài liệu mỗi năm đạt trên 6.000 trang tài liệu điện tử. Năm 2016, thư viện dành cho người khuyết tật ra đời với vốn tài liệu ban đầu gồm 207 tài liệu chữ Braille, 76 tài liệu minh họa nổi, 271 đĩa CD và tài liệu nghe nhìn. Điều này góp phần tích cực vào việc nâng cao tri thức cho người khuyết tật trên địa bàn. Bên cạnh đó, công tác bổ sung vốn tài liệu phù hợp với nhu cầu của người đọc được chú trọng, chất lượng tài liệu được nâng lên; huy động nguồn sách tặng, biếu, góp phần làm phong phú kho tài liệu hiện có, và hơn hết là thể hiện sự chung tay xây dựng thư viện của các tầng lớp nhân dân.
Về trang thiết bị đã có những bước nhảy vọt trong đổi mới công nghệ, tiếp cận với xu hướng chung của thư viện hiện đại trên thế giới, tự lập trình phần mềm quản lý thư viện dùng chung cho hệ thống thư viện toàn tỉnh, chia sẻ cho các thư viện cấp huyện, các thư viện trường học trên địa bàn. Các phòng phục vụ được trang bị máy vi tính và kết nối internet, phần mềm tra cứu tài liệu đáp ứng tốt nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của người đọc.
Từ năm 2013 được Dự án Bill - Gates đầu tư 185 máy vi tính, trang thiết bị trong hệ thống thư viện công cộng toàn tỉnh (Thư viện Tỉnh, 09 thư viện huyện, thị và 11 Thư viện đặt tại Trung tâm văn hóa – Học tập cộng đồng cấp xã) nhằm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet cho người dân, giúp tiếp cận các ứng dụng mới, những tiến bộ khoa học công nghệ, giúp vươn ra thế giới.
4. Lớp dẫn Tin học căn bản cho thiếu nhi tại Thư viện điện tử
Thư viện có Website, trang Facebook, kênh Youtube riêng để đăng tải, chia sẻ, kết nối với nhiều nguồn thông tin khác. Đáp ứng nhu cầu người đọc trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Về công tác cơ sở: Thư viện Tỉnh duy trì công tác hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, luân chuyển sách, hoạt động thư viện lưu động, xây dựng mạng lưới thư viện rộng khắp trong toàn tỉnh. Từ năm 2017 trở về trước có 09 Thư viện cấp huyện (trong đó có 02 thư viện trực thuộc UBND huyện, 07 trực thuộc phòng Văn hóa và Thông tin huyện). Từ năm 2018, thực hiện Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 29 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về việc sáp nhập Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Đài Truyền thanh, Nhà Thiếu nhi và Thư viện thành Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh trực thuộc Phòng Văn hóa và Thông tin thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố. Trên tinh thần là sáp nhập cơ học, vẫn đảm bảo hoạt động Thư viện phục vụ người dân tại địa phương.
Giai đoạn 2016-2020, bằng kinh phí xã hội hóa, Thư viện tỉnh phối hợp với Hội khuyến học tỉnh trao tặng 122 (ước đến tháng 12 năm 2020) Tủ sách khuyến học phục vụ cộng đồng tại các Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng xã, Hội quán nông dân, Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, Nhà văn hóa ấp. Trong đó, 69 tủ sách đặt tại Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng. Mỗi tủ từ 100 – 300 tài liệu, góp phần hình thành và làm phong phú thêm vốn tài liệu cho phòng đọc sách tại chỗ. Đây là mô hình tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp, góp phần thực hiện phương châm “sách hóa nông thôn”, đưa sách đến tay người đọc, thúc đẩy văn hóa đọc.
5. Tủ sách khuyến học tại xã Phong Mỹ năm 2019
Công tác phối hợp với các ngành các cấp tạo nên sức mạnh cùng chung tay xây dựng văn hóa đọc và vì sự nghiệp phát triển kinh tế - chính trị - xã hội bền vững của tỉnh nhà. Đến nay, đã phối hợp với hơn 60 cơ quan, đơn vị và hình thành nên lực lượng tình nguyện viên là học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, các đơn vị trường học… tham gia hoạt động.
Sau gần 45 năm hình thành và phát triển, Thư viện tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng tập thể lãnh đạo viên chức đoàn kết lao động sáng tạo, vững chuyên môn, yêu nghề, tâm huyết. Tinh thần tác nghiệp, tinh thần làm việc theo nhóm được phát huy, nhiều ý tưởng hay và mô hình sáng tạo mới, trung bình có từ 6 - 8 sáng kiến/năm. Tiêu biểu như: Ngày hội Sách và Văn hóa đọc, Con đường sách Nét đẹp Văn hóa đọc, Thư viện lưu động phục vụ thanh thiếu nhi, Mô hình xếp sách nghệ thuật, Thư viện Xanh, Tuyên truyền giới thiệu sách bằng hình thức sân khấu hóa, Chuyến xe tri thức kết hợp trao Tủ sách khuyến học, Giới thiệu sách bằng hình thức video clip, Tổ chức Hội thi gia đình đọc sách… Các sáng kiến mang lại hiệu quả tích cực trong công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, giảm bớt ngân sách nhà nước, góp phần vào việc thu hút người đọc đến với thư viện và đưa thư viện đến với cộng đồng.
6. Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2019
7. Lễ ra mắt Thư viện Xanh
8. Xếp sách nghệ thuật phục vụ Đại hội Đảng bộ khối các cơ quan Tỉnh
9. Hoạt động Thư viện lưu động Ánh sáng tri thức phục vụ học sinh khiếm thính
Khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách, báo trong đời sống xã hội, nhiều mô hình hoạt động hiệu quả của Thư viện được chọn phục vụ trong các sự kiện chính trị hằng năm của tỉnh, trở thành niềm tự hào của quê hương Đồng Tháp Sen Hồng như: Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, chương trình “Mừng Đảng – Mừng Xuân”, Ngày hội Du lịch Đồng Tháp, Tuần lễ Văn hóa du lịch, Tuần lễ học tập suốt đời…
10. Hội thi thiếu nhi vẽ tranh theo sách nhân dịp lễ giỗ lần 90 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc năm 2019
11. Triển lãm sách, xếp sách nghệ thuật phục vụ tại Những ngày Văn hóa Cao Lãnh – Hội An năm 2020
12. Xếp sách nghệ thuật và tổ chức hoạt động đọc sách
phục vụ Lễ giỗ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều
Có thể thấy, cùng với các thiết chế văn hóa khác như Bảo tàng, Di tích, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật, Thư viện có vai trò quan trọng trong xã hội, là địa điểm học tập ngoài nhà trường, là kho tàng kiến thức phù hợp mọi lứa tuổi, tầng lớp, không phân biệt giàu, nghèo, tạo sự bình đẳng trong việc tự đọc, tự học để nâng cao kiến thức, làm cho đời sống tinh thần phong phú hơn, nắm bắt cơ hội cải thiện cuộc sống vật chất.
Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa – Thông tin (28/8/1945 – 28/8/2020) là dịp để cán bộ viên chức người lao động Thư viện Đồng Tháp nói riêng và tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, tìm ra những phương thức hoạt động đổi mới, nâng cao hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc và phát huy cơ sở vật chất đã được đầu tư, thực hiện nhiệm vụ là cầu nối tri thức văn hóa đọc, góp phần vào sự nghiệp chung của ngành văn hóa, thể thao và du lịch trên quê hương Đồng Tháp – Đất Sen hồng.