Hiện nay, thế giới đang có sự chuyển biến và thay đổi nhanh chóng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đối với ngành thư viện việc chuyển đổi số mang tính cấp thiết nhằm ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của thư viện, bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, thu hút đông đảo người đọc quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.
Những năm qua, công tác chuyển đổi số tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp cũng được chú trọng đẩy mạnh phát triển nhằm từng bước cụ thể hóa việc triển khai thực hiện hiệu quả, đưa thư viện dần trở thành trung tâm thông tin, môi trường tự học, tự nghiên cứu ngoài nhà trường lý thú dành cho mọi đối tượng người đọc.
Với xu thế phát triển thông tin toàn cầu, chuyển đổi số là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa trong thời gian tới. Thư viện phải có khả năng chia sẻ thông tin rộng khắp, không hạn chế số lượng, đối tượng phục vụ giúp người đọc khai thác thông tin nhanh hiệu quả. Tài liệu thư viện không bị lệ thuộc vào không gian lưu trữ và thời gian phục vụ, khả năng bảo quản tài liệu được lâu dài đáp ứng nhu cầu người đọc mọi nơi, mọi lúc với nguồn tư liệu phong phú trong và ngoài nước, kết hợp được các thông tin, hình ảnh, âm thanh,… Đây là giải pháp hữu hiệu để phát triển văn hóa đọc đến mọi tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Thư viện tỉnh Đồng Tháp đã ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội nhằm giới thiệu tài liệu đến người đọc, là kênh tiếp nhận phản hồi, đăng ký làm thẻ, gia hạn hay mượn trực tuyến, tài liệu số,... phục vụ hiệu quả việc cung cấp thông tin, tư liệu cho bạn đọc nhanh, chính xác và thuận tiện. Trung bình phục vụ toàn hệ thống thư viện công cộng giai đoạn 2016 – 2021: là 900.000 lượt người/1.600.000 lượt tài liệu. Trong đó, Thư viện Tỉnh trên 600.000 lượt người/1.200.000 lượt tài liệu.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, hiện nay, thư viện không đơn thuần là “nơi chứa sách” mà đã trở thành ngôi nhà tri thức. Đến thư viện, ngoài việc mượn sách, đọc sách theo kiểu truyền thống người đọc còn được tham gia nhiều hoạt động đọc sách thú vị và bổ ích. Thông qua đó, giúp hình thành vốn tri thức, kỹ năng sống và phát triển nhân cách con người.
Tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp, công tác chuyển đổi số đã và đang triển khai từng bước đạt hiệu quả mang lại, tiêu biểu như:
Về hạ tầng số: Trong những năm qua, Thư viện tỉnh Đồng Tháp luôn coi chuyển đổi số là nền tảng cho sự phát triển của thư viện. Đơn vị đã chủ động tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kế hoạch triển khai thực hiện “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trình UBND Tỉnh phê duyệt trong đó ưu tiên đầu tư Hệ thống Thư viện điện tử sẽ là tiền đề nhằm tổ chức lại hệ thống cung cấp thông tin, từng bước tiến đến xây dựng một hệ thống thông tin tổng thể quản trị thư viện theo mô hình thư viện hiện đại và thông minh.
Để triển khai tốt việc chuyển đổi số và liên thông ngành thư viện thì việc đầu tư cơ sở vật chất đóng vai trò vô cùng quan trọng. Những năm gần đây, cơ sở vật chất hạ tầng số của thư viện từng bước đầu tư hoàn thiện, hệ thống máy chủ, máy tính tại Thư viện Tỉnh đều được kết nối mạng Internet tốc độ cao. Đơn vị cũng đã sớm đưa vào vận hành phần mềm Quản lý thư viện E-Libman do cán bộ Thư viện Tỉnh lập trình từ năm 2009, đến nay qua nhiều lần cập nhật điều chỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng và phục vụ người đọc.
Về nền tảng số: Trước tình hình dịch Covid -19 trong những năm qua diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến công tác phục vụ người đọc. Thư viện tỉnh Đồng Tháp đã chủ động đề ra các giải pháp chuyển đổi hình thức phục vụ bạn đọc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Bên cạnh việc sử dụng trang thông tin điện tử thư viện để truyền tải thông tin đến người đọc. Thư viện còn phát triển thêm các kênh thông tin có thể tiếp cận nhanh chóng đến với người đọc như: thành lập kênh facebook, youtube. Đẩy mạnh việc phát triển các nội dung số trên nền tảng các trang thông tin và mạng xã hội thư viện như: Giới thiệu sách nhân các ngày lễ, sự kiện lớn của tỉnh; Giới thiệu sách theo chuyên đề “Học tập và làm theo, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Kể chuyện chiếu bóng 02 kỳ/tháng; Khéo tay hay làm 01 kỳ/tháng; Kiến thức quanh ta 01 kỳ/tháng; Tự hào Sử Việt phát sóng 24 kỳ; Đọc sách kết nối du lịch; Đọc sách giải ô chữ; Tham gia các cuộc thi trực tuyến do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai,… tất cả các nội dung đều do viên chức và người lao động thư viện thực hiện từ khâu biên tập, ghi hình, dàn dựng và công chiếu phục vụ.
Kênh youtube Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Bên cạnh đó, Thư viện còn thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động như: tổ chức tập huấn nghiệp vụ thư viện cho hệ thống cơ sở bằng hình thức trực tuyến, sinh hoạt Câu lạc bộ đọc sách định kỳ trên nhóm Zalo trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; Thực hiện công tác số hóa tài liệu, ưu tiên tài liệu địa phương, quý, hiếm; Ứng dụng mã QR Code trong trưng bày, triển lãm tài liệu phục vụ người đọc; Thực hiện biên soạn 28 sản phẩm thông tin phục vụ trên các trang thông tin thư viện. Đặc biệt là xây dựng và phát triển phần mềm quản lý tài liệu số phục vụ người đọc trên nền tảng mã nguồn mở Dspace phục vụ bạn đọc.
Có thể thấy, chuyển đổi số là xu thế tất yếu nhằm tổ chức lại hệ thống cung cấp thông tin, từng bước tiến đến xây dựng một hệ thống thông tin tổng thể quản trị thư viện hiện đại. Đồng thời, góp phần cải tiến chất lượng phục vụ của thư viện theo xu hướng nội dung mở, hội nhập và nâng cao chất lượng phục vụ người đọc, nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập đáp ứng nhu cầu của người dân trong nền kinh tế số, xã hội số trên quê hương Đất Sen hồng.