Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcHọc tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhNhững mẩu chuyện Hồ Chí Minh: "Binh Pháp tôn tử: Phương pháp tác chiến"

Những mẩu chuyện Hồ Chí Minh: "Binh Pháp tôn tử: Phương pháp tác chiến"

Cập nhật ngày 09/04/2024
Nội dung

         Phép dụng binh.

Phép dụng binh, mỗi thời mỗi khác, về thời cổ, theo Tôn Tử phải huy động "Nghìn chiến xa chạy thật nhanh dùng vào việc đánh phá. Phụ vào những chiến xa đó, phải có nghìn chiến xa bọc da dùng vào việc phòng ngự. Lại thêm mười vạn quân mặc áo giáp, đội mũ sơn và có đủ vũ khí".

Đã động viên một số quân đội lớn như thế, còn phải lo tính việc chở lương thực và các chiến phí khác, nên Tôn Tử nói:

"Muốn điều động đại đội binh mã đi đánh phương xa, phải lo tính làm sao chở được lương thực ra ngoài chiến trường cách xa nghìn dặm, phải trù liệu mọi thứ chiến phí khác để chi về việc chiến tranh ở trong nước cũng như ở ngoài nước; về việc tiếp đãi ngoại giao, đại sứ, về việc thuê các gián điệp, về việc sắm các vật liệu, chế tạo vũ khí, chiến xa... Tính ra mỗi ngày phải tiêu đến hàng vạn triệu".

Đời xưa bài binh bố trận cũng dùng chiến xa làm động lực chính. Những chiến xa đó có thể coi như đội cơ giới lớn ngày nay. Trong hồi chiến tranh trước và mới rồi, không nước nào không cố sức tổ chức đội cơ giới hoá có đủ các thứ chiến xa như xe tăng, xe bọc sắt, xe hơi, xe tải, súng đại bác, v.v. để tăng gia lực lượng đánh phá, chuyển vận, phòng giữ cho có hiệu quả.

Các chiến phí rất quan hệ đến sự thắng bại của chiến tranh. Quân đội với chiến phí bao giờ cũng đi đôi với nhau. Quân đội tinh nhuệ, nhưng thiếu chiến phí cũng thành quân đội hèn yếu. Chiến phí không biết thế nào gọi là đủ được. Phải do chiến tranh lâu hay chóng, quân đội nhiều hay ít, chiến trường xa hay gần mới có thể tạm thời quyết định được chiến phí.

Chiến phí ấy lấy ở đâu? Phải lấy ở dân chúng bằng cách đánh thuế, trưng thu, tịch thu... Có khi chiến tranh kéo dài, dân chúng phải tiết kiệm ăn, mặc, phải nộp cả khí cụ bằng kim khí để đúc súng, chế đạn. Vậy trước khi tham dự chiến tranh, phải lo cung cấp chiến phí cho đầy đủ mới mong chiến thắng được quân thù.

Phải đánh thật nhanh để thắng nhanh.

Về vấn đề này, Tôn Tử nói: "Chiến tranh cần phải giải quyết thật nhanh chóng, sớm ngày nào hay ngày ấy. Kéo dài ra chỉ làm hao binh, tổn tướng, mất nhuệ khí chiến đấu, làm tài nguyên của quốc gia bị kiệt quệ, nhân dân điêu đứng".

Thật vậy, chiến tranh càng kéo dài, càng bất lợi chẳng những quốc gia bị hãm vào vòng suy nhược, các nước khác lại nhân cơ hội dòm ngó hoặc gây chiến để cướp đất đai hoặc uy hiếp bắt phải nhượng bộ về phương diện này hay phương diện khác.

Vì vậy Tôn Tử khuyên: "Đã dự chiến tranh, phải tập trung hết thảy lực lượng, bày hết mưu kế thắng nhanh được quân thù mới có lợi. Trái lại, không xét tương lai, không xem tình thế để đến nỗi chiến tranh kéo dài sẽ xảy ra vạn sự không hay".

Bất đắc dĩ mới phải gây ra chiến tranh. Vậy một khi đã dự chiến tranh không sao tránh khỏi được sự hao tổn. Muốn giảm sự hao tổn đó, phải giải quyết chiến tranh một cách thật mau chóng.

Trong chiến lược của Nã Phá Luân có nói: "Rút một ngày (mười hai giờ) thành mười giờ để mà tiến quân và tác chiến rồi sau sẽ nghỉ ngơi". Chiến lược này cũng giống như chiến lược của Tôn Tử nghĩa là phải đánh mạnh như vũ bão, nhanh như chớp nhoáng. Một nhà danh tướng về hải quân là Nensông (Nelson) cũng có nói: "Giờ phút là đồng chí yêu quý của ta. Ta nên quý trọng người đồng chí ấy hơn những đồng chí khác". Trong chiến tranh, giờ phút có quan hệ lắm, chỉ sai nhau 5 phút có thể quyết định được thắng bại.

Các nhà danh tướng đời trước một khi ra trận, đều đánh thật nhanh, cướp được phút nào hay phút ấy. Thừa được lúc quân địch nhọc mệt, trễ nải không đề phòng, hay bỏ ngỏ một mặt nào, phải quyết đoán, phải dũng cảm tiến đánh cho thật nhanh. Nếu trù trừ, do dự, sẽ mất cơ hội tốt.

Nhưng đánh thật nhanh không phải là hâp tấp vội vàng mà quên cả cơ mưu. Phải vừa nhanh vừa có mưu cơ mới quyết định được thắng lợi.

Vậy về binh pháp: bất luận một động tác gì cũng phải nhanh. Hành quân nhanh, đánh trận nhanh, súng bắn nhanh, càng nhanh càng có lợi. Trong tất cả các điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hoà đều có thể tuỳ lúc, tuỳ nơi mà lợi dụng, nhưng điều kiện thời gian, điều kiện nhanh chóng vẫn là quan trọng hơn hết.

Tôn Tử rất chú ý đến điều kiện này, nên thường nhắc đi nhắc lại luôn. Để kết luận, Tôn Tử nói:

"Tự xưa đến nay, không thấy chiến tranh kéo dài mà có lợi cho quốc gia bao giờ".

Như thế là có ý nói chỉ đánh thật nhanh để quyết thắng mau chóng mới có lợi mà thôi.

Về lợi hại cho quốc gia, Tôn Tử nói:

"Người nào không hiểu rõ chỗ hại của phép dùng binh, không thể hiểu rõ được chỗ lợi của phép đó được".

Cho nên người làm tướng có mưu trí bao giờ cũng lo lắng đến lợi, đến hại. Lo đến lợi mới có đủ tin tưởng làm trọn được nhiệm vụ. Lo đến hại mới tìm mưu kế để giải trừ được gian nguy.

Q.Th. thuật

Báo Cứu quốc, số 242, ngày 17-5-1946.

(Sđd. Tập 4, tr. 558 - 560)


(Trích "Bác Hồ với ngành quốc phòng". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KEVV17.2595, Phòng mượn: MEVV17.5654-5655)

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.