Một đồng chí phụ trách nhi đồng Hà Nội có kể lại câu chuyện về lần được gặp Bác vào mùa đông năm 1945. Anh đã chuẩn bị "thành tích" để báo cáo với Bác về phong trào thiếu nhi theo anh là đáng tự hào. Anh kể: "Vì lúc đó, chúng tôi đang rất uất ức thấy thực dân Pháp mở rộng xâm chiếm Nam Bộ, trong các đoàn biểu tình các em mang cả súng gỗ đi một hai như những đội quân tí hon. Các đội thiếu nữ, nhi đồng gái thì hóa trang thành những chiến sĩ cứu thương. Chúng tôi cho các em đi diễu hành qua Phủ Chủ tịch (lúc đó là Bắc Bộ Phủ ). Khi cưỡi ngựa qua Phủ Chủ tịch, một số đội viên lớn có đeo súng trường thật đã nổ súng chào... Khi nghe tiếng súng tôi cũng không thấy "nguy hiểm" gì. Có người còn khoái chí "Các em của ta dũng cảm nhỉ!". "Bọn thực dân hãy coi chừng!". Khi diễu hành qua Phủ Chủ tịch, các em hô vang: "Hồ Chủ tịch muôn năm!...". Nói chung, đồng chí của ta rất vui và tự hào về những gì đã làm được. Bác ân cần đón và chỉ cho tôi ngồi ở chiếc ghế đối diện. Rồi Bác hỏi:
- Các cháu nhi đồng đang hoạt động thế nào?
- Dạ thưa, chúng con đang tổ chức các cháu lại, hướng dẫn các cháu vui chơi, ca hát, tập thể dục, quân sự...
- Như thế là tốt. Thế các chú đã lo cho các cháu học tập như thế nào?
Lúc này, tôi đớ người, không trả lời được suôn sẻ vì chưa coi việc học tập là mặt hoạt động quan trọng nhất của Đội lúc bây giờ.
Tôi nhớ mãi lời dặn có ý nghĩa phê bình, nhắc nhở của Người:
- Các chú cần chăm lo cho các cháu học tập, chớ cho các cháu biểu tình nhiều, vừa bêu nắng, vừa hít bụi...
... Tôi hứa với Bác. Bác tươi cười gật đầu, rồi hỏi tiếp một câu làm tôi lại bị bất ngờ.
- Các chú đã tổ chức các cháu đi bán báo, đánh giày... vào Đội chưa?
- Dạ thưa, gần đây chúng con có ý định tổ chức mồ côi trẻ em ở Dục Anh đường và Bảo Anh đường...
- Tổ chức Đội ở mấy nơi đó là cần thiết, song chưa cấp bách bằng việc tổ chức Đội cho trẻ bán báo, đánh giày. Ở những cơ sở do các nhà từ thiện lập ra nói trên đã có những người trông nom các cháu rồi, nay cần lo cho các cháu được ăn tô't hơn. Còn các cháu bán báo, đánh giày, đang sống tự lập, cần được dìu dắt. Cho nên phải xem việc tổ chức Đội ở nơi nào trước cần hơn, ví như "con trâu phải đi trước cái cày".
- Thưa vâng, chúng con xin hứa làm ngay việc này.
... Chỉ một tuần sau, Đội trẻ bán báo Hoàng Văn Thụ đã ra đời. Về sau trở thành nòng cốt của đội giao thông liên lạc Hoàng Cường, một đội thiếu nhi giao thông liên lạc dũng cảm của Thủ đô thân yêu..."
Câu chuyện của đồng chí phụ trách nhi đồng Hà Nội đồng thời là tác giả của nhiều bài hát được các em yêu mến, nhạc sĩ Phong Nhã đã phần nào nói rõ tấm lòng trìu mến rộng lớn của Bác Hồ đối với từng số phận trẻ thơ, Bác cũng thấy được sức mạnh tiềm tàng cần được khơi gợi, bồi đắp cho các em.
(Theo Bác Hồ kể chuyện - Vũ Kỳ,
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005)
(Trích "Truyện kể Bác Hồ với ngành giáo dục". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KEVV20.5013, Phòng mượn: MEVV20.8800 - 8801)