Biết người, biết mình rồi lại phải so sánh mình với địch xem ai hơn, ai kém để định kế hoạch tác chiến. Về sự so sánh mình với địch, Tôn Tử nói: "Xem đôi bên chính phủ bên nào đối với nhân dân thi hành chính sách nhân nghĩa, bên nào có những tướng tá đủ tài năng giúp việc, bên nào có đủ thiên thời, địa lợi hơn, bên nào thi hành kỷ luật và mệnh lệnh nghiêm ngặt, lại binh sĩ bên nào nhiều hay ít, và được huấn luyện thành thục hay không thành thục, vũ khí bên nào tinh nhuệ hơn. Thưởng phạt bên nào công minh hơn".
Thật vậy, trước khi giao chiến nếu so sánh kỹ càng như lời Tôn Tử, có thể định đoạt được thắng bại. Nhưng chiến tranh ngày nay, không những riêng về mặt quân sự mà bao gồm cả chính trị, kinh tế, ngoại giao.
Vậy cần phải so sánh cả những phương diện trên đây nữa mới thực là toàn vẹn.
Đặt ra kế hoạch rồi, lại cần xem các tướng tá, binh sĩ thừa hành kế hoạch có phải là những người trung thực, chịu theo đúng kế hoạch không, nên Tôn Tử lại nói:
"Nếu tướng tá nào chịu theo mệnh lệnh, hết sức thừa hành kế hoạch đã định, là những tướng tá nên dùng làm chân tay giúp việc, thời dễ nắm được thắng lợi. Trái lại những tướng tá nào ngang ngạnh, không chịu theo kế hoạch, thích tự do hành động dễ làm hỏng việc, phải nên loại bỏ đi".
Trong quân sự, phục tùng mệnh lệnh, trên dưới mới nhất trí, chỉ huy mới đắc lực. Nếu các cấp dưới thấy mệnh lệnh trên có chỗ không đi sát với hoàn cảnh, không thể thực hiện được, phải hỏi cấp trên có cho phép quyền biến mới được. Như thế là cốt để chỉ huy được thống nhất, mệnh lệnh thi hành được chu đáo.
Khi đã định kế hoạch có lợi cho mình rồi và khi đã dùng được tướng tá biết tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh rồi, người làm tướng chỉ huy còn phải theo như Tôn Tử chỉ dẫn "xem xét tình thế bên ngoài để tạo ra những điều kiện khách quan giúp ích cho những hành động quân sự của mình", như phao tin đồn, đề xướng chính nghĩa, gây dư luận hoặc dùng mọi mánh khoé ngoại giao làm cho các nước láng giềng đối với mình có thiện cảm để giúp mình hoặc về vật chất, hoặc về tinh thần và làm cho nước địch bị cô lập.
Chiến tranh ngày nay, đánh ở mặt sau, đánh về kinh tế, về chính trị, về tinh thần cũng không kém phần quan trọng như đánh ngoài mặt trận. Phải biết phối hợp mọi phương pháp ấy mới có thể đi tới thắng lợi hoàn toàn.
Ngoài ra muốn định đoạt kế hoạch xác đáng, Tôn Tử còn nói thêm:
"Về việc binh, cần phải nghiên cứu kỹ càng địa hình, đo xem chiến trường cao thấp, rộng hẹp, xa gần và bằng phẳng hay hiểm trở thế nào. Rồi lại tính xem cần phải số quân nhiều ít, mạnh yếu thế nào để quyết định sức chiến đấu giữa quân mình với quân địch".
(Trích "Bác Hồ với ngành quốc phòng". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KEVV17.2595, Phòng mượn: MEVV17.5654-5655)