Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcHọc tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhNhững mẩu chuyện Hồ Chí Minh: "Chiếc áo mùa đông binh sĩ ấy"

Những mẩu chuyện Hồ Chí Minh: "Chiếc áo mùa đông binh sĩ ấy"

Cập nhật ngày 31/08/2023
Nội dung

            Suốt cuộc đời mình, Bác Hồ của chúng ta chỉ tâm niệm làm sao cho dân tộc ta, đồng bào ta được tự do, có cơm ăn, áo mặc, được học hành. Trong số những người được Bác quan tâm đặc biệt là các chiến sĩ đang xông pha trước đường tên mũi đạn, lấy sự sống của mình làm con đê vững chắc ngăn bước chân bọn xâm lược. Là người yêu thơ Đường, Bác từng đọc cho anh cảnh vệ nghe bài thơ:
                    "Chàng ở chân trời, thiếp ở Ngô
                    Chàng đi nhớ thiếp, thiếp mong chờ
                    Mỗi lần thư đến bao hàng lệ
                    Rét đến bên chàng, áo đến chưa?"
               Mùa đông 1946, biết trước cuộc chiến tranh, dù ta đã cố kìm chân nhưng chắc sẽ phải xảy ra, bộ đội sẽ rời khỏi thành phố, về nông thôn, lên rừng núi. Nhà nước mới thành lập công quỹ không có là bao. Số tiền thu được trong Tuần lễ vàng chủ yếu dùng để mua, đổi lấy vũ khí. Còn trang phuc cho chiến sĩ, Chính phủ chưa lo được nhiều.
               Bác chủ trương tổ chức Ủy ban vận động Mùa đông binh sĩ tiếp nhận sự đóng góp của nhân dân về vật liệu, tiền bạc nhằm may áo trấn thủ (chữ Hán có nghĩa là đóng quân nơi xa). Áo này có dáng như áo may ô, không có tay, có hai lớp vải, bên trong lót bông. Tấm áo này qua thực tế sử dụng tuy không bằng các loại áo ấm cao cấp khác nhưng đã giúp chiến sĩ ta giữ ấm ngực, bớt bị ho. Chiến sĩ biết áo này là công sức, tiền của của nhân dân, ông bà, cha mẹ họ nên càng thấy ấm lòng hơn để chiến đấu.
             Tuần lễ Mùa đông binh sĩ được tổ chức trong cả nước, ủy ban vận động ở Hà Nội đã mời Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số thành viên trong Chính phủ tới dự ngày phát động vào tối 17 tháng 10 năm 1946. Trời cuối thu, chớm đông nhưng cũng đã rét. Bác mặc một áo len và tay cầm một gói bọc giấy báo. Người nói: Nước ta được giải phóng nhờ có xương máu của các chiến sĩ đã hy sinh nơi tiền tuyến, ơ hậu phương chúng ta có gia đình ấm áp. ơ tiền tuyến binh sĩ phải chịu rét mướt. Bây giờ tôi có hai áo rét. Một chiếc tôi mặc đã mấy năm nay, một chiếc ủy ban vừa may biếu tôi. Cả hai chiếc tôi tặng các binh sĩ ngoài mặt trận". Nói rồi Người cởi chiếc áo len đang mặc và cái bọc áo len mới gửi ban tổ chức.
               Ban tổ chức nhân hành động cảm động này đã tiến hành bán đấu giá chiếc áo len của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lấy tiền may được nhiều áo trấn thủ. Ông Trương Văn Thìn và vợ là bà Dung, giáo viên trường nữ sinh Trưng Vương, Hà Nội mua được với giá 3.500 đồng tiền Đông Dương, tương đương 100 cây vàng (theo thời giá lúc đó). Vì không đủ tiền mặt, gia đình bà Dung phải bán thêm một số đồ nữ trang để nhận tấm áo ấy của Bác Hồ.
Không có điều kiện đi tản cư, gia đình ông Thìn ở lại nội thành nhưng tấm lòng luôn hướng về Cụ Hồ. Năm 1954, bọn phản động dụ dỗ ông vào Nam, vì "Chúa đã đi Nam" nhưng ông Thìn không đi, ở lại Thủ đô với chiếc áo của Bác. Năm 1969, sau khi Bác đã đi gặp các cụ Mác, cụ Lênin, gia đình ông Thìn đã trao tặng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam chiếc áo mùa đông binh sĩ của Bác Hồ mà gia đình đã gìn giữ, nâng niu, quý hơn bạc vàng. Đây là chiếc áo lên đã mang hơi ấm của Người.
              Mùa đông binh sĩ năm ấy trong cả nước cùng với các tổ chức khác ở địa phương như Hội Binh sĩ bị nạn, Hội Binh sĩ bị thương, đã giúp cho chiến sĩ ta có thêm nhiều áo ấm để công tác và chiến đấu. Và cũng có thể coi các hình thức tổ chức ấy là tiền thân cho ngày thương binh, liệt sĩ năm sau đó.

(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)
 

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.