Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcHọc tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhNhững mẩu chuyện Hồ Chí Minh: "Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về trách nhiệm cao quý của nhà báo"

Những mẩu chuyện Hồ Chí Minh: "Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về trách nhiệm cao quý của nhà báo"

Cập nhật ngày 13/09/2023
Nội dung

           Ở nước ta trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, các nhà yêu nước hoạt động chính trị đều rất quan tâm đến việc sử dụng báo chí, coi đó là một lực lượng quan trọng. Có thể nói ở hầu hết các địa phương, trong nhà lao, nhà tù, trường học... đều có báo chí của Đảng, của cách mạng dưới nhiều hình thức. Các lãnh tụ Đảng ta, tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đều là những nhà báo với ngòi bút chiến đấu đã tuyên truyền, giác ngộ đồng bào, tập hợp mọi lực lượng yêu nước, tổ chức các đồng bào dân tộc đấu tranh, vượt qua mọi khó khăn gian khổ để giành thắng lợi cuối cùng.
          Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam đã chỉ ra một bài học, một nguyên lý: Không thể làm cách mạng mà không có báo chí cách mạng và người cách mạng, đảng viên cộng sản đầu tiên Nguyễn Ái Quốc cũng là nhà báo cộng sản Việt Nam đầu tiên đã sáng lập ra những tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta như: Le Paria, Thanh niên, Đồng thanh, Thân ái, Việt Nam độc lập...
            Nguyễn Ái Quốc quan niệm rằng "là người Việt Nam ai cũng có lòng yêu nước". Nhà báo Việt Nam đã có lòng yêu nước nhưng lại phải làm sao cho lòng yêu nước đến với dân, thấm vào dân để dân hiểu rõ vì sao đói nghèo nô lệ, phải làm gì để đòi lại tự do độc lập, xóa nhục mất nước.
           Tóm tắt lại nhiệm vụ này, nhà báo Nguyễn Ái Quốc đã dùng gọn trong mấy chữ: Báo phải làm cho ta mở mắt, mở tai (Báo Việt Nam độc lập số đầu tiên). Có thể coi đây là tuyên ngôn về mục đích, nhiệm vụ, chức năng, trách nhiệm của báo chí cách mạng. Trước đó 18 năm, năm 1923 trong thư gửi đồng bào vận động giúp tài chính để ra báo Hồn Nam Việt, Nguyễn Ái Quốc cũng viết rằng: Báo này mong mỏi người mình mở mày mở mặt. Trong kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn các cơ quan báo chí tuyên truyền: Các nhà báo phải làm cho dân hiểu, dân nhớ, dân làm. Vì nâng thuyền lên cũng là dân, dìm thuyền xuống cũng là dân, trên bầu trời này không sức mạnh nào bằng sức mạnh nhân dân. Muốn vậy, các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng, nhà báo phải nói đúng sự thật, bảo vệ sự thật, để cho dân hiểu bản chất vấn đề từ đó có thể hành động đúng đắn. Bác Hồ từng nói: "Quan tham vì dân dại", dại ở đây có nghĩa là kém hiểu biết. Bác cũng nói: "Một dân tộc ngu dốt là một dân tộc yếu hèn". Dân đã không biết, không hiểu pháp luật thì hoặc là sợ hãi, bị các "quan cách mạng" lừa bịp, đe dọa. Không hiểu được bổn phận của mình đối với dân, với nước, họ có thể vi phạm luật pháp... Sở dĩ có những hiện tượng ấy là do trách nhiệm của nhiều cơ quan, Chính phủ, đoàn thể. Nhưng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lại tin cậy giao trách nhiệm vinh dự nặng nề vào tay các nhà báo.
             Bác tin các nhà báo. Là một nhà báo, Bác hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ. Nhà báo - như Bác Hồ - là tấm gương soi về đạo đức cách mạng, về tri thức, về đổi xấu ra tốt, đổi cũ ra mới. Có gương mẫu, có hiểu biết, có tâm, có đức, nhà báo mới không xấu hổ về những con chữ mình viết ra, về những lời mình nói lên. Nhà báo là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Nhà báo còn là đại diện cho công lý dù không phải tòa án, viện kiểm sát...
              Hơn tám mươi năm qua, nếu kể từ thời Thanh niên, gần một thế kỉ qua, nếu kể từ tờ Le Paria, báo chí cách mạng và nhà báo cách mạng đã hết lòng, tích cực mở mắt mở tai để cùng đồng bào đấu tranh giành độc lập tự do. Ngày nay nhiệm vụ mở mắt mở tai còn to lớn hơn nhiều, rộng rãi hơn nhiều đòi hỏi các nhà báo phải vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng với lòng tín nhiệm của nhân dân, xứng đáng là con cháu của nhà báo vĩ đại Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.


(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.