Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcHọc tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhNhững mẩu chuyện Hồ Chí Minh: "Chuyện xảy ra bất ngờ"

Những mẩu chuyện Hồ Chí Minh: "Chuyện xảy ra bất ngờ"

Cập nhật ngày 22/02/2024
Nội dung

          Dạo ấy, tôi còn là giáo viên trường mẫu giáo Măng Non. Một buổi sáng mùa hè, tôi đưa các cháu đi chơi theo chương trình học ngoại khóa, định bụng sẽ đưa các cháu qua Phủ Chủ tịch ra Hồ Tây và đến Vườn Bách thảo.
          Ở lớp, tôi thường kể cho các cháu nghe nhiều mẩu chuyện về Bác Hồ. Những lúc ấy các cháu chăm chú lắng nghe, cháu nào cũng ngoan ngoãn, không ồn ào. Các cháu thích nhất những chuyện Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng. Nhiều lần các cháu xúm xít quanh tôi ríu rít hỏi:
           - Thưa cô, nhà Bác Hồ ở phố nào ạ?
           - Thưa cô, bây giờ Bác đang làm gì ạ?
         Tôi thật khó trả lời hết những câu hỏi ấy. Thường tôi chỉ dặn các cháu ngoan ngoãn, giữ vệ sinh, chăm học để bao giờ được gặp Bác sẽ báo cáo với Bác.
          Bây giờ, qua Phủ Chủ tịch, tôi chỉ và nói cho các cháu biết "đó là nơi Bác ở". Câu chuyện rắc rối bắt đầu từ lúc tôi nói với các cháu câu ấy. Các cháu tản ra như một bầy chim, sà đến, bâu vào hai cánh cửa sắt. Và, còn lạ gì cảnh ồn ào của các cháu mỗi khi các cháu có điều gì thích thú. Thế rồi, tôi nhìn thấy một đồng chí công an bước ra với vẻ mặt lúng túng. Đồng chí nhìn tôi như tỏ ý trách móc. Điều đó làm tôi thêm ân hận. Quả tình là tại tôi. Tôi tự nghĩ: "Giá mình không cho các cháu biết thì chẳng đến nỗi này". Lúc ấy, tại cổng Phủ Chủ tịch, các cháu vẫn ríu rít gọi nhau, chen chúc nhau để được nhìn thấy "Nhà của Bác Hồ". Ở đây, ngày thường vốn yên tĩnh nên bây giờ chỉ thêm mấy chục cháu nhỏ đã thấy cảnh ồn ào. Đồng chí công an lắc đầu bảo tôi:
         - Cô xem, như thế có vui không chứ?
       Câu nói của đồng chí như một lời phê bình nghiêm khắc đối với tôi nên tôi càng lúng túng. Tôi cứ đứng ngây người nhìn đồng chí hết ngọt lại xẵng, nói cho các cháu ra ngoài chơi. Vất vả quá. Các cháu cứ nhảy lên, ríu rít.
         - Chú cho cháu xem nhà Bác Hồ nào?
         - Chú công an! Chúng cháu chỉ xem một lát nữa thôi!
        "Không được! Các cháu làm ồn quá". Tôi nghĩ vậy và chạy vào dìu các cháu ra. Nhưng thật khó lòng mà ngăn được ý muốn của bọn trẻ.
        Tôi thổi còi. Nếu phải ngày thường ở lớp thì các cháu đã im lặng ngồi đâu vào đấy cả rồi. Còn bây giờ, đám ồn ào ấy vẫn không hề dịu đi tí nào trước tiếng còi của tôi. Tôi tự thấy mình có lỗi vì tôi chưa hề dạy cho các cháu phải biết giữ trật tự trong trường hợp như thế này. Thật thế! Nhưng cũng còn một điều nữa, đó là ước mong thiết tha mà hết sức ngây thơ của các cháu muốn được gặp Bác Hồ. Đồng chí công an có thông cảm với tôi điều đó không? Điều ấy cũng chưa hoàn toàn có thể giảm nhẹ khuyết điểm của tôi bởi lẽ ra khi dẫn các cháu qua đây, trước hết tôi phải dạy các cháu biết giữ trật tự.
         Thế rồi không hiểu sao tôi lại khóc. Có lẽ vì đồng chí công an đã gắt với tôi? Có lẽ vì lòng tôi tự day dứt?
        Nhưng đột nhiên tôi sửng người lại vì nhận ra Bác đứng ở trên thềm cao Phủ Chủ tịch, Bác Hồ thật rồi! Bác đang nhìn ra cổng. Bác vẫy tay gọi đồng chí công an. "Thôi rồi, chắc Bác sắp khiển trách đồng chí ấy đây!". Càng nghĩ, tôi lại càng khóc. Tôi muốn nói to lên để Bác nghe "Thưa Bác, không phải lỗi tại đồng chí công an đâu, tại cháu đấy". Nhưng ai lại gào lên thế. Tôi nhìn về phía thềm cao, và nghe Bác đang nói gì với đồng chí công an. Thấy Bác cười, tôi đỡ lo. Nhưng tôi lại thấy hồi hộp bồn chồn khi đồng chí công an quay ra:
         - Cô giáo ơi, lại đây tôi bảo. – Đồng chí ấy gọi.
         Tôi bước từng bước như đếm đến chỗ đồng chí công an.
         - Bác bảo cô cho các cháu vào gặp Bác.
         Tôi bàng hoàng cả người, không tin lời đồng chí công an. Nhưng đồng chí ấy nhắc lại:
         - Nào, tập hợp các cháu lại đi!
        Tôi cuống quýt tập hợp các cháu, dặn qua loa các cháu mấy điều cần thiết khi gặp Bác. Các cháu reo lên sung sướng và ngoan ngoãn nghe lời tôi dặn.
        Lát sau, tôi đưa các cháu vào gặp Bác. Từ những cái miệng bé nhỏ, xinh xinh ấy, nhiều tiếng chào non nớt và đầy vẻ kính yêu.
         - Chúng cháu chào Bác ạ!
         - Chúng cháu chào Bác ạ!
        Các cháu hồn nhiên quá. Còn tôi, có lẽ lúc ấy...
        Bác thấy tôi lúng túng quá, nên Bác đến gần thân mật hỏi tôi:
        - Cháu ở phố nào?
        - Thưa Bác, cháu ở phố Phạm Hồng Thái.
        - Cháu dạy học lâu chưa?
        - Thưa Bác, cháu mới vào nghề, còn kém lắm ạ.
        Tôi báo cáo với Bác tình hình của lớp. Bác gật đầu tỏ vẻ hài lòng. Bác lại dặn:
        - Dạy các cháu nhỏ rất khó, nhưng rất cần, cháu phải cố gắng.
        Tôi ngoan ngoãn vâng lời.
        Bác quay lại hỏi các cháu:
        - Nào, bây giờ các cháu thích gì nào?
         Đám trẻ nhao lên:
        - Thưa Bác chúng cháu muốn xem vườn của Bác, nhà của Bác ạ!
        - Thưa Bác, cháu muốn nhìn thấy cây vú sữa của Bác ạ!
        Bác xoa đầu từng cháu và dặn các cháu phải ngoan, luôn vâng lời bố mẹ và cô giáo. Sau đó, Bác dắt các cháu đi xem khắp nơi. Tôi theo Bác, xem từng khóm hoa, từng gốc cây do chính tay Bác trồng và tự nghĩ: "Bác bận trăm công nghìn việc mà vẫn dành thì giờ trồng cây". Ngày thường tôi nghe nói Bác rất chăm vun xới cây vú sữa đồng bào miền Nam gửi ra biếu Bác. Có lần tôi đã tần ngần đứng hồi lâu ngắm tấm ảnh Bác tưới cây vú sữa các anh tôi mua về treo ở nhà. Bây giờ cây vú sữa ấy vẫn vươn cành, xanh lá như tình cảm của Bác đối với đồng bào ruột thịt nửa nước đang chiến đấu.
        Trước đây, tôi cứ tưởng tượng rằng nơi Bác làm việc phải lộng lẫy lắm, nhưng được đến đây tôi thấy mọi thứ rất giản dị, rất Việt Nam mà vẫn không kém vẻ đẹp trang nghiêm.
       Hồi Hà Nội tạm bị chiếm, gia đình tôi ở trong vùng địch, tôi chỉ nghe chuyện Bác Hồ qua người lớn kể lại. Tôi không thể ngờ được có ngày gặp Bác như hôm nay.
        Bây giờ đứng bên Bác như đứng bên người cha, tôi cảm động quá, nước mắt cứ trào ra. Các cháu xúm lại hỏi tôi:
         - Cô ơi, sao cô lại khóc?
         Tôi biết trả lời các cháu thế nào đây? Lúc ấy tôi đang nghĩ về Bác. Một vị lãnh tụ của cả nước đang đứng trước mặt mình, vẫn bộ quần áo kaki đã cũ, vẫn đôi dép cao su như ngày đầu kháng chiến. Bác giản dị và gần gũi biết chừng nào!
          Biết Bác còn bận bao nhiêu việc lớn, tôi đành bảo các cháu:
         - Bác bận việc nhưng vẫn cho phép các cháu vào thăm. Bây giờ Bác phải làm việc, các cháu xin phép Bác ra về đi!
         Đám trẻ tần ngần chưa muốn về, nhưng hình như các cháu cũng hiểu được câu nói của tôi nên chúng chắp tay lễ phép:
          - Thưa Bác, chúng cháu xin phép Bác cho về ạ!
        Bác gọi các cháu lại, đứng vòng quanh mình dặn dò một lần nữa. Bác bảo cháu nào ngoan ngoãn, chăm học Bác sẽ khen thưởng. Các cháu đồng thanh hát bài "Bé yêu Bác Hồ"; bao nhiêu tình cảm các cháu đều dồn vào giọng hát nên khác với ở lớp, các cháu hát đều và rất hay.
        Sau buổi học ngoại khóa ấy, các cháu càng ngoan ngoãn. Nhân dịp đó, tôi tổ chức một đợt giáo dục các cháu "Vâng theo lời Bác Hồ dạy". Mỗi ngày các cháu tự kể những việc làm tốt của mình với các bạn, do đó nhiều cháu trước đây nghịch ngợm đã trở nên ngoan ngoãn, biết vâng lời cô giáo và bố mẹ.
Phạm Thị Mỹ kể, Hùng Mạnh ghi
(Theo Nhớ lời Bác dạy - Nguyễn Văn Khoan,
Mặc Văn Trọng, Nxb. Lao Động, Hà Nội, 2001)

 
(Trích "Truyện kể Bác Hồ với ngành giáo dục". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KEVV20.5013, Phòng mượn: MEVV20.8800 - 8801)

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.