Tôi đang bận rộn chuẩn bị cho cuộc hội nghị vận động các gia đình thành phố nâng cao trách nhiệm giáo dục con cái thì có điện thoại bảo là sáng mai (27-5-1969), đúng 7 giờ lên gặp Bác. Tôi rất mừng nhưng cũng rất lo. Tôi hỏi xem Bác gọi điện lên có việc gì. Đồng chí bí thư của Bác bảo, sắp đến ngày tết thiếu nhi, Bác lại hỏi về việc giáo dục chăm sóc các cháu thôi, còn cụ thể thế nào thì chưa biết. Đồng chí ấy nhắc tôi là, Bác vừa gửi thư khen hợp tác xã măng non Phú Mần (huyện Yên Phong, Hà Bắc) nên chuẩn bị thật đầy đủ mọi vấn đề cụ thể để nếu Bác có hỏi thì báo cáo cho rõ ràng, tỉ mỉ.
Tôi vội vã gặp gỡ anh chị em cán bộ và phóng viên theo dõi phong trào hỏi thêm, để có thể báo cáo với Bác đầy đủ, cụ thể hơn.
Tôi hồi hộp bước theo đồng chí Vũ Kỳ đến gặp Bác. Trước mặt tôi hiện lên một ngôi nhà sàn giản dị. Giữa bóng cây lá xanh tươi, ngôi nhà gợi nhớ đến một vùng quê dưới chân núi chiến khu Việt Bắc những ngày đầu dựng nước.
Ngôi nhà gỗ nhỏ bé, những đòn tay và kèo đã lên màu thời gian thẫm đỏ. Những chiếc mành chung quanh buông xuồng một màu xanh trang nhã, mát mẻ. Ngôi nhà sàn chỉ to bằng một nếp nhà sàn bình thường của một gia đình nhỏ đồng bào Tày. Bậc thang nhẵn bóng dấu dép cao su Bác thường lên xuống. Trên mái nhà là cả một bầu trời lồng lộng. Hai cây dừa miền Nam toả bóng trước nhà, như lòng Bác bao la vẫn toả bóng ôm trùm một nửa phần Tổ quốc đau thương mà anh dũng. Tôi vội đưa mắt nhìn cây vú sữa miền Nam mười mấy năm nay Bác vẫn thường tưới vun chăm chút với tình thương yêu da diết. Nhà Bác ở nhìn ra mặt hồ như một tấm gương phẳng lặng và thanh thản. Đôi khi, có gợn một đôi vòng tăm cá xao động, đó là những đàn cá rô phi nhớ giờ Bác cho ăn nổi lên đớp sóng. Tiếng chim của một buổi sớm mùa hè thánh thót như lọc làm cho bầu trời như xanh hơn, cao hơn...
Nơi tiếp khách và nơi làm việc của Bác cũng chi là hai phòng nhỏ, đơn giản như những ngôi nhà bình thường khác. Bước vào gian phòng đợi, lòng tôi dịu lại vì màu vôi xanh dịu dàng trang nhã, bàn ghế ở đây đơn giản gây cho tôi một cảm giác quen thuộc. Đồng chí Vũ Kỳ khẽ reo:
- Bác đến.
Tôi đứng dậy. Bác đã đứng cách tôi chừng hai bước, giơ tay ra cho tôi. Tôi bàng hoàng nắm bàn tay Bác. Bàn tay Bác gầy quá. Những đốt xương nổi rõ dưới làn da nhăn. Chòm râu bạc như thưa hơn. Vầng trán Bác như càng thêm mênh mông trên đôi mắt trũng sâu và sáng lung linh. Bác xanh quá, lòng tôi thắt lại nghẹn ngào.
- Bác ơi! Mong Bác giữ gìn sức khoẻ... Chúng cháu lo lắm.
Bác cười hiền hậu rung rinh chòm râu bạc như cước:
- Cô không lo, Bác rất khoẻ, vẫn ăn khoẻ, ngủ khoẻ...
Đồng chí Kỳ đỡ lời:
- Chị mà đến tuổi như Bác liệu chị có khoẻ được bằng Bác không mà chị cứ lo cho Bác.
Tôi cứ đứng sững bàng hoàng, Bác đã nhẹ nhàng dựa gậy trúc bên bàn và ngồi xuống ghế gỗ. Bác cười bảo tôi ngồi xuống ghế. Bác hỏi ngay:
- Cô đã đọc bài báo này chưa?
Tôi nhìn tờ báo Hà Nội mới Bác cầm trên tay, thấy dòng chữ đầu bài: "Làm thế nào để giáo dục các em nghịch ngợm ở thành phố". Tôi chột dạ và lúng túng vô cùng. Quả thật tôi mới đọc lướt qua, chưa kịp đọc kỹ.
Vừa lúc đó có tiếng súng nổ dữ dội. Bọn giặc lái Mỹ lẻn vào bầu trời Hà Nội đang bị pháo binh ta vít đường chặn đánh quyết liệt. Đồng chí bảo vệ đề nghị Bác ra hầm.
Tranh thủ lúc ở dưới hầm, tôi đọc thật nhanh rồi lại đọc lại lần nữa. Lúc trở về, Bác hỏi ngay với nụ cười hóm hỉnh:
- Cô đọc bài báo này ở nhà hay ở đây?
Thật không có gì có thể giấu Bác được. Tôi ấp úng: "Thưa Bác, thưa Bác...".
Đồng chí Vũ Kỳ tủm tỉm cười. Bác cũng cười độ lượng như một người cha hiền hậu.
Bác hỏi ngay vào câu chuyện, như có ý tránh cho tôi cái phút lúng túng.
- Thế các cô các chú đã có kế hoạch như thế nào rồi?
Tôi báo cáo với Bác ý kiến của ủy ban thiếu niên nhi đồng Trung ương, "Hiện nay trong ba môi trường giáo dục: nhà trường, xã hội và gia đình, thì khâu giáo dục gia đình còn rất yếu, chưa thành nề nếp, quan điểm chưa thông nhất, chưa có phương pháp, nội dung kế hoạch thông nhất. Vừa rồi cháu có lên thăm trường phổ thông công nghiệp của Bộ Công an. Cháu nghiên cứu thấy có nhiều nguyên nhân đưa các em sa vào con đường lầm lỗi, nhưng khâu cuối cùng vẫn là khâu gia đình. Sau khi rời bỏ gia đình, các cháu đó dần dần có những hành động không lành mạnh. Vừa rồi, cháu có lên thăm lại trường, thấy các em cũng chưa được ngoan."
Bác chăm chú nghe và hỏi ngay:
- Cô ở trên ấy bao nhiêu ngày?
- Dạ, cháu ở một tuần lễ.
Bác trầm ngâm lắc đầu:
- Cô ở đây có một tuần thôi à, như thế hãy còn ít...
Bác chỉ nói vậy thôi, nhưng tôi hiểu ngay ý Bác muốn nhắc tôi phải quan tâm nghiên cứu vân đề này hơn nữa. Tôi báo cáo với Bác về công việc mà chúng tôi đã chuẩn bị để mở hội nghị phát động phong trào nâng cao trách nhiệm gia đình đối với con cái.
Tôi báo cáo tiếp với Bác thành tích học tập, đạo đức, tư cách của các cháu, Bác cười bảo đồng chí Kỳ:
- Cô Trà đang khoe đây.
Sau đó Bác kể chuyện một em bé ở Hải Phòng biết nhường hầm cho một người khách nước ngoài. Bác biết rất rõ từng chi tiết tỉ mỉ. Bác bảo: "Đứa trẻ biết nhường hầm là một đứa trẻ rất tốt. Các cháu thiếu nhi ta đều tốt. Còn một số ít cháu chưa ngoan thì phải tìm mọi cách mà giáo dục. Việc này không thể làm nóng vội qua loa được đâu. Phải làm một chỗ rút kinh nghiệm, rồi mở rộng ra như vết dầu loang. Tất cả mọi người, mọi cấp ủy Đảng, mọi đoàn thể, mọi ngành, và gia đình phải có trách nhiệm góp sức làm và phải có kế hoạch cụ thể và làm cho bằng được mà cấm không được đánh các cháu. Phải làm từ thành phố, đến khu phố, đến gia đình".
Bác nói đến các ông bố bà mẹ, anh chị, ông bà đừng nhìn vào đồng tiền trước mắt, không nhìn thấy tác hại về sau, mà bắt con cháu đi bán hàng, đi xếp chỗ để bán lấy tiền. Những nơi làm tốt phải phổ biến cho nơi khác làm theo. Hội đồng phụ huynh làm gì, hội đồng nhân dân làm gì, đều phải bàn bạc với nhau cho thật cụ thể. Tất cả các cơ quan đoàn thể, cha mẹ học sinh đều phải giúp đỡ nhà trường thực hiện chương trình giáo dục. Phải tổ chức thi đua và phải có khen thưởng.
Tôi thưa với Bác; xin Bác viết cho một bài báo nhân ngày Thiếu nhi Quốc tế, Bác cười:
- Cô cứ viết đi, cô viết cũng được, sao lại cứ phải Bác viết?
Bác hỏi vui vậy nhưng rồi Bác cũng nhận lời. Bác bảo tôi dự thảo bài báo trước, rồi đem đến Bác cháu cùng sửa chữa.
Tôi mừng quá, được Bác viết một bài báo thì còn gì bằng nữa. Bỗng Bác hỏi:
- Bác thấy cô hồi này khoẻ hơn trước.
- Thưa Bác, dạo này các buổi trưa cháu thường thu xếp công việc đi bơi, nên sức khoẻ cũng có phần khá hơn.
- Thế cô bơi xa được bao nhiêu thước?
- Dạ thưa Bác, cháu bơi được hai ba trăm thước ạ.
- Hồi trước, Bác bơi ở bể được một cây số mà cũng không sao cả.
Nhớ lại chuyện cũ, Bác thấy vui vui, may Bác cháu cùng cười.
7 giờ sáng 29-5, Bác cho gọi tôi đem bản dự thảo bài báo đến để Bác góp ý, Bác hỏi ngay:
- Cô đã viết xong rồi chứ, cô đọc đi.
Tôi đọc xong, Bác bảo:
- Bây giờ ta bình luận bài báo này nhé. Bình luận bài báo chứ không phải phê bình cô đâu. Bài báo này chắc nhiều người viết chứ không phải một mình cô viết chứ? Có cả "phu quân" tham gia nữa chứ gì?
- Dạ thưa Bác, chúng cháu cùng bàn bạc nhau viết và có đưa anh Nguyễn Khánh Toàn xem ạ.
Bác tự đọc lại bài báo, ngón tay gầy của Bác chỉ trên từng dòng chữ. Bác vừa đọc vừa trao đổi ý kiến và hỏi ý kiến của tôi. Đọc đến chỗ nào cần viết lại, cần sửa chữa, Bác thường bảo tôi:
- Chỗ này, ta nên viết thế này... cô đồng ý chứ.
Bác hỏi.
- Sao cô ít nói đến Ủy ban thiếu niên nhi đồng thế, cô định trốn trách nhiệm à?
Tôi thưa là có nói, nhưng chưa rõ, Bác nhắc: "Phải nói rõ trách nhiệm của ủy ban và vai trò của nó trong việc tập hợp các ngành, các cơ quan, đoàn thể để thống nhất và cùng hoạt động nâng cao sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục các cháu, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng". Bản thảo chữa xong, Bác đưa cho đồng chí Kỳ và bảo:
- Chú Kỳ chữa theo ý Bác, rồi đưa Bác chữa lại bài này theo sự thảo luận vừa rồi, xong lại đưa cô Trà góp thêm ý kiến rồi hãy gửi đăng báo nhé.
Tôi cảm động, vì tác phong làm việc hết sức dân chủ của Bác. Vui câu chuyện, Bác nói thêm về cách viết báo. Tôi vội thưa với Bác về báo Thiếu niên tiền phong in được ít bản, ít số. Ở các nước bạn, có hàng chục tờ báo thiếu niên nhi đồng, nước mình có một tờ báo mà cũng không đủ cho các cháu đọc vì thiếu giấy. Bác trầm ngâm:
- Ta còn nhiều khó khăn. Nhưng Bác nghĩ có cách này, tất cả các báo đều có trang dành riêng cho các cháu, cứ đến ngày đã định, các cháu giở báo ra đọc phần đặc biệt của mình. Cô xem có được không?
- Thưa Bác, nếu được Bác và Trung ương Đảng chỉ thị cho tất cả các báo đều chú ý dành trang đặc biệt cho các cháu thì hay quá...
Bác lại bảo, các báo chí, sách xuất bản của ta nên in khẩu hiệu: "Hoan nghênh bạn đọc phê bình...". Không lắng nghe ý kiến quần chúng thì làm sao nói lên được ý muốn của quần chúng. Đồng chí Vũ Kỳ thưa với Bác, sẽ nói ngay cho các cơ quan báo chí, xuất bản thi hành ý kiến của Bác.
Bác ngừng lại và hỏi:
- Thôi, hết việc rồi chứ? Cô về đi nhé!
Tôi muốn nấn ná, ở bên Bác thật lâu để nghe Bác dạy bảo, để nhìn Bác. Nhưng tôi sợ Bác làm việc nhiều, ảnh hưởng đến sức khoẻ nên đành chào Bác ra về.
Đúng ngày 1-6-1969, các báo đều in lên trang đầu vào nơi trang trọng nhất, bài báo ấy của Bác.
Cảm động biết bao, khi biết bài báo viết nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân chăm sóc, bảo vệ và giáo dục các cháu được viết hai mươi ngày sau khi Bác viết bản Di chúc lịch sử thiêng liêng.
Lê Thu Trà kể - Nghiêm Đa Văn ghi
(Theo Nhớ lời Bác dạy - Nguyễn Văn Khoan,
Mặc Văn Trọng, NXB Lao Động, Hà Nội, 2001)
(Trích "Truyện kể Bác Hồ với ngành giáo dục". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KEVV20.5013, Phòng mượn: MEVV20.8800 - 8801)