Kế thừa truyền thống đoàn kết để giữ nước, chống ngoại xâm của tổ tiên, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đề xướng lập một mặt trận thật rộng rãi chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa trước mắt và cho công cuộc giữ nước, dựng nước lâu dài bao gồm tất cả già trẻ trai gái, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, các giới văn sĩ, phú hào, kể cả những người đi lính cho Tây, làm việc cho Tây nay đồng lòng cứu nước Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh, "hễ là người Việt Nam ai cũng có lòng yêu nước, mỗi người yêu nước theo cách của mình".
Hồ Chí Minh, sau khi trở về Cao Bằng, đã gửi nhiều thư kêu gọi đoàn kết, thư gửi riêng đến các phụ lão, đến các binh lính đang ở trong hàng ngũ chính quyền cai trị... Hiểu rõ đạo lý của Việt Nam là lấy nhân cách mà thuyết phục, mà làm gương, Hồ Chí Minh đã "ba cùng" với đồng bào địa phương, đã thực sự bằng cả trái tim, tấm lòng chân thành đoàn kết với cán bộ, hội viên trong Mặt trận, với đồng bào các dân tộc thiểu số... Không cần biết Cụ Ké là ai, tài giỏi thế nào, nhưng họ theo cách ăn ở của Cụ, đi theo con đường Cụ đang đi, đang dẫn dắt họ đến với Cách mạng tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân.
Một mặt đoàn kết vững chắc trong nước, Hồ Chí Minh còn mở rộng mối đoàn kết với người nước ngoài có tấm lòng với cách mạng Việt Nam, với các cơ sở bạn bè, đồng minh, với phong trào công nhân cộng sản quốc tế đảm bảo thêm vững chắc cho thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Nếu không có Chính cương điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930, nếu không kiên trì đường lối, phương pháp, nghệ thuật, nếu không có một nhân cách cao cả... Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng ta, Mặt trận Việt Minh trong Cách mạng tháng Tám không thể nào tập hợp được các nhà tư sản dân tộc như Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện... đã ủng hộ hàng ngàn lạng vàng cho quỹ Độc lập. Những địa chủ như Cát Thành Long đã nuôi hàng tháng nhiều đơn vị bộ đội. Những con cháu vua chúa dòng dõi hoàng tộc như Vĩnh Mẫn, Bảo sằng, Bảo Tôn, Tôn Thất Hoàng... theo Cụ Hồ khởi nghĩa đánh giặc. Những quan lại triều đình từ thượng thư đến tổng đốc, án sát như khâm sai đại thần Phan Kế Toại, thượng thư Bùi Bằng Đoàn, Phạm Phú Tiết, tổng đốc Vi Văn Định, tri phủ Tạ Quang Đệ... Kể cả con cháu những quan lại không may bị "nạn" vẫn một lòng với Cụ Hồ, với Đảng, với Tổ quốc như giáo sư Phạm Khuê, nhạc sĩ Phạm Tuyên...
Nếu không có đường lối đại đoàn kết của một dân tộc đã có bề dày văn hóa hàng nghìn năm thì không thể thuyết phục được hàng nghìn sĩ quan, binh lính Nhật đóng quân trên đất Việt, án binh bất động, đang chờ nhưng vẫn có thể nổ súng (trong Cách mạng tháng Tám) trước khi quân đồng minh đến giải giáp. Không có Cụ Hồ với đường lối đoàn kết dân tộc chúng ta làm sao có được Chu Văn Tấn, Lê Quảng Ba (người dân tộc), và cả Vũ Đình Tụng, Hồ Thành Biên (Công giáo)...
Không có đại đoàn kết dân tộc làm sao có những trí thức lớn như Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Đào Duy Anh, Trần Duy Hưng, Hoàng Đạo Thúy... ở trong nước lại có thể hợp tác ngay trong Cách mạng tháng Tám với cộng sản trong khi họ chưa và không phải là đảng viên mà lại được giữ trọng trách trong Chính phủ...
Nếu không có một đường lối chính sách đại đoàn kết của Đảng làm sao có Võ Quý Huân - Việt kiều từ Pháp về, Trần Hữu Tước, Lương Định Của từ quốc đảo Nhật đến rừng Việt Bắc.
Với chủ trương đoàn kết, đại đoàn kết, Chính phủ ta đã có được sự giúp đỡ, ủng hộ của Thái Lan, đặc biệt của Thủ tướng Pridi, của Myanmar, Ấn Độ đã mở ra một lối thông với quốc tế sau Cách mạng tháng Tám.
Đứng về một mặt nào đó, về lý luận, về triết học có thể coi tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, đại đoàn kết là một phát hiện lịch sử, thời đại, đã đem lại cuộc sống tự do, hạnh phúc cho hàng triệu con người thể hiện rõ nhất trong Cách mạng tháng Tám ở nước Việt Nam.
Với "Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ", Nguyên Ái Quốc đã góp vào học thuyết Mác - Lênin một lý luận mới về dân tộc, về lòng yêu nước của các dân tộc phương Đông, của Việt Nam, về tình hình xã hội, động lực, đối tượng cách mạng phản đế trước, phản phong sau - mở đầu một kỉ nguyên mới cho Quốc tế Cộng sản, thực chất là cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới...
Có thể ở đâu đó, ai đó chưa nhận thức được đầy đủ tầm vóc vĩ đại, lịch sử của "báo cáo" ấy nhưng đường lối, chính sách, nghệ thuật về đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc xuất phát từ báo cáo này sáng ngời trong những ngày tháng 8 năm 1945 sẽ mãi mãi tồn tại như một mốc son lớn trong lịch sử Việt Nam và cả trong lịch sử thế giới.
Và không phải dân tộc nào, nếu không có một lịch sử văn hóa lâu đời, lại có thể có một Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với một "phép màu" là đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc và đã được thực tiễn hùng hồn chứng nhận, chứng minh trong những ngày chói lọi của mùa thu Cách mạng tháng Tám năm 1945.
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)