Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Dân tộc bị nô lệ thì thanh niên cũng bị nô lệ. Dân tộc được giải phóng, thanh niên mới được tự do. Vì vậy thanh niên phải hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc.
Nhiệm vụ chính của thanh niên học sinh là học. Dưới chế độ thực dân phong kiến, mục đích đi học là cốt được mảnh bằng để làm ông thông, ông phán, lĩnh lương nhiều, ăn ngon, mặc đẹp. Thế thôi, số phận dân tộc thế nào, tình hình thế giới biến đổi thế nào, không hay, không biết gì hết.
Mục đích giáo dục nô lệ của thực dân phong kiến chỉ để đào tạo ra những trí thức nô lệ để hầu hạ chúng.
Ngày nay, ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ, thì phải học tập.
Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân phong kiến khác hẳn nhau. Bây giờ phải học để:
- Yêu Tổ quốc: cái gì trái với quyền lợi của Tổ quốc, chúng ta kiên quyết chống lại.
- Yêu nhân dân: việc gì hay người nào phạm đến lợi ích chung của nhân dân, chúng ta kiên quyết chống lại.
- Yêu lao động: ai khinh rẻ lao động, chúng ta kiên quyết chống lại.
- Yêu khoa học: cái gì trái với khoa học, chúng ta kiên quyết chống lại.
- Yêu đạo đức: chúng ta phải thực hiện đức tính trong sạch, chất phác, hăng hái, cần kiệm; xoá bỏ hết những vết tích nô lệ trong tư tưởng và hành động.
Học để phụng sự ai?
Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm trọn nhiệm vụ người chủ của nước nhà.
Học phải đi đôi với hành: Khi ở nhà, phải thương yêu cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ về công việc, giúp đỡ về tinh thần (học được điều gì về tình hình trong nước và thế giới thì nói lại cho cha mẹ nghe).
- Ở trường thì phải đoàn kết, giúp đỡ anh chị em, thi đua học tập. Phải đoàn kết giữa thầy và trò, làm cho trường mình luôn luôn tiến bộ.
- Ở xã hội: các cháu có thể giúp được nhiều việc có ích. Thí dụ: tuyên truyền vệ sinh, giúp đỡ các em nhi đồng, xung phong dạy bình dân học vụ, v.v.
Bác khuyên lớp này thi đua với lớp khác, trường này thi đua với trường khác, trong việc học và hành, làm cho nền giáo dục của ta phát triển và tốt đẹp.
Trong mấy năm kháng chiến, các anh hùng quân đội, các chiến sĩ kiểu mẫu ở nhà máy, nông thôn, ở công trường (thanh niên xung phong) đại đa số là thanh niên. Bác mong rằng thanh niên học sinh noi gương anh dũng ấy mà làm đúng những lời Bác dặn.
Nói ngày 18-12-1954.
Báo Nhân dân, số 297, ngày 23-12-1954. (Sđd. Tập 7, tr.398-399)
(Trích "Truyện kể Bác Hồ với ngành giáo dục". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KEVV20.5013, Phòng mượn: MEVV20.8800 - 8801)