Trên đường đi vào phía Nam, anh Thành đã dừng lại dạy học một thời gian ngắn ở trường Dục Thanh.
Thầy Thành dạy học ở đây không lâu, nhưng đã để lại những ấn tượng và tình cảm sâu đậm trong học trò, thầy giáo của trường.
Năm đó, thầy Thành 20 tuổi, dáng người thầy thanh thanh, tóc hớt ngắn, trán cao, đôi mắt sáng long lanh. Thầy thường mặc bộ bà ba màu trắng, thắt lưng màu hoa lí như những thầy giáo trong trường.
Lúc ở Dục Thanh, thầy thường ăn chung với học trò. Hằng ngày thầy dành thời giờ để đọc sách, chấm bài và trò chuyện với các thầy giáo, học trò, cũng như bà con lao động xóm chài.
Buổi sáng, thầy Thành dậy sớm, quét dọn nhà cửa, gánh nước, tưới cây với học trò. Những buổi lên lớp, thầy Thành giảng bài rất kĩ. Giọng của thầy nghe rất ấm và truyền cảm. Gặp những chỗ khó, thầy giảng đi, giảng lại cho học trò hiểu mới thôi. Thầy Thành là giáo viên đầu tiên dạy quốc ngữ ở trường Dục Thanh. Thầy dạy lớp nhì và cả các lớp khác. Thầy không bao giờ đánh, mắng học trò. Giờ nghỉ học, thầy thường đưa học trò đi chơi dọc bờ sông hay bờ biển. Những lúc đi như vậy, thầy Thành thường giảng về địa lí và lịch sử đất nước cho học trò nghe. Thầy còn kể chuyện Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung... rất say sưa và hấp dẫn.
Thầy cũng là người khởi xướng phong trào tập thể dục, thể thao ở trường. Lúc ấy, Dục Thanh là trường duy nhất có phong trào thể dục, thể thao.
Sáng sáng, tiếng của thầy Thành hô vang trên sân trường. Lúc đó, thầy hô theo âm Hán, như "một, hai, ba, bốn" thì hô là "nhất, nhị, tam, tứ".
Còn chấm bài lúc ấy chưa gọi là điểm mà gọi là "công". Bài học trò làm đúng và sạch sẽ thầy khen và cho "10 công". Bài làm sai và bẩn thì “1, 2 công". Thầy Thành chấm bài rất kĩ và phân minh. Thường có kèm theo lời dặn dò chu đáo. Đối với những học trò kém, ngoài giờ dạy ở lớp, thầy còn ra bài cho làm thêm và thầy chấm đầy đủ.
Thầy Thành dạy học bằng cả tình thương yêu, coi học trò như em ruột mình, nên được học trò quý trọng, thương yêu, coi như người anh cả trong gia đình.
Nhiều lần, nhất là vào những ngày chủ nhật, ngày lễ, thầy đưa học trò đi chơi ở động Thiềng Đức, đình làng Đức Nghĩa.
Thầy còn dẫn học trò ra bãi biển Thương Chánh, một bờ biển có nhiều ghềnh đá nổi giữa hai bờ cát trắng, nằm ở tả ngạn sông Cà Ti. Ở đó, có đồn thuế quan của Pháp nên gọi là bờ biển Thương Chánh.
Tết trung thu năm 1910, lúc mặt trăng đỏ, tròn và to như cái mâm vừa ló lên ở chân trời đằng Đông thì thầy Thành cùng học trò đón trung thu bên ghềnh đá sóng vỗ. Đêm đó, sau khi "phá cỗ", ăn bánh trung thu, thầy Thành đã kể chuyện chị Hằng với truyền thuyết "Chú Cuội ngồi gốc cây đa" rồi giải thích theo khoa học về cấu tạo của mặt trăng cho học trò nghe.
Lần nào cũng vậy, kết thúc những buổi học ấy, thầy Thành thường kể một câu chuyện. Chuyện thầy kể dễ hiểu và dí dỏm nên rất vui. Giọng của thầy nhẹ nhàng, ấm áp, làm ai cũng muốn nghe.
(Theo Chuyện kể về Bác Hồ - Vũ Kỳ (Chủ biên),
Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, 1990)
(Trích "Truyện kể Bác Hồ với ngành giáo dục". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KEVV20.5013, Phòng mượn: MEVV20.8800 - 8801)