Page 30 - phan 2
P. 30
8. Gà mẹ nuôi con
Tình hình kinh tế gia đình lúc này hết sức gay go, Má không
còn bán vải, chỉ làm kẹo đậu phộng, mà kẹo đậu phộng thì lời
bao nhiêu, đâu đủ trang trải chi tiêu hằng ngày. Bên cạnh đó
còn phải lo trả các khoản nợ cũ, mà nợ cũ chỉ có thể trả dần
bằng cách hốt hụi với mức lãi cao, nên nợ mẹ đẻ nợ con, trả
hoài không hết! Tất cả mọi lo toan của cuộc sống hiện tại, của
các món nợ chất chồng đều nằm trên vai Má, trên vai một
người phụ nữ gầy gò ốm o này. Xem lại trong gia đình thì từng
chén cơm chúng tôi ăn, từng chiếc áo lành chúng tôi mặc, từng
quyển vở mới chúng tôi học, từng viên thuốc khi chúng tôi ốm
đau, tất cả tất cả đều từ bàn tay làm lụng cực nhọc và nhiều lúc
còn kèm theo những giọt nước mắt tủi nhục của Má trước các
chủ nợ... Đã từng có lúc Má đã nói với anh em chúng tôi: “Nếu
không vì tụi bây thì tao cũng muốn chết phứt một cái cho rồi!”.
Phải, đó là những lời nói rất thật của Má, và chỉ có chúng tôi,
những người con mà Má hết lòng yêu thương và hy vọng mới
thực sự là nguồn động viên, an ủi, níu kéo Má, để Má có đủ sức
mà chịu đựng trong những ngày tháng khổ cực triền miên. Sau
khi đi tản cư ở Mỹ Quý rồi tha phương đi làm ăn ở Cần Thơ,
Sài Gòn, Di Linh, rồi lại Sài Gòn, Má như một con gà mẹ lúc
nào cũng tìm mọi phương cách bươi bới tìm đủ thức ăn cho
mấy con gà con chưa lẻ bầy, từ bốn con, ba con, hai con, cho
đến lúc chết vẫn còn một con bám theo chân mẹ. Còn các con
của Má thì sao? Hãy nghe câu nói sau đây của Má tôi: “Tụi nó
lo cho vợ chồng con cái còn chưa xong, thôi cứ để Má tự lo, mà
Má còn lo được kia mà.” Quả thật là cho đến những năm tháng
cuối cùng của cuộc đời, khi tuổi đã ngoài bảy mươi, và cho đến
trước những ngày nhắm mắt xuôi tay, Má vẫn còn may vá thuê
để tự nuôi sống.
98 Nguyễn Long trảo